Người khuyết tật - 'cuộc khủng hoảng ngầm' ở Syria

Trận động đất hồi tháng 2-2023 xảy ra sau một thập kỷ chiến tranh khiến khoảng 1/3 dân số Syria rơi vào cảnh khuyết tật. Tuy nhiên, đây vẫn là 'cuộc khủng hoảng ngầm' chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức.

Cô bé Doa al-Hassan bị mất tay khi ở gần một quả bom chùm phát nổ hơn 1 năm trước

Cô bé Doa al-Hassan bị mất tay khi ở gần một quả bom chùm phát nổ hơn 1 năm trước

Xung đột vũ trang tạo ra những tổn thương mới

Gia đình anh al-Hassan đã hai lần là nạn nhân của bom chùm ở Syria, cả hai lần đều để lại hậu quả khủng khiếp. Lần đầu tiên, người cha tên là Abd al-Hadi Miteb al-Hassan đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào trại dành cho những người di tản ở Idlib. Gia đình này có nguồn gốc từ vùng nông thôn gần thành phố Hama, miền Trung Syria nhưng đã chuyển đến khu vực do phe đối lập kiểm soát ở phía Bắc trong cuộc nội chiến. Lần thứ hai, hai em gái của al-Hassan đang chơi bên ngoài trại thì tàn dư của một quả bom chùm phát nổ. “Rua bị mất một mắt và Doaa bị mất tay. Chúng tôi đưa hai em đến bệnh viện ở Idlib và ở đó chăm trong 1 tháng”, chàng trai 23 tuổi nói.

Đó là khoảng 16 tháng trước. Giờ đây, hai bé gái, 9 và 10 tuổi, đang cố gắng sống một cuộc sống bình thường dù đã trở thành người khuyết tật. “Cả hai đều cần được chăm sóc đặc biệt nhưng ở đây không có gì cả. Nhiều ngày qua thật khó khăn, chúng tôi sống trong lều và trời quá nóng”.

Theo thống kê do Liên hợp quốc thu thập vào năm 2021, hơn một thập kỷ nội chiến đồng nghĩa với việc khoảng 28% dân số Syria, trên 2 tuổi, hiện mắc một số loại khuyết tật. Con số thậm chí còn cao hơn ở các vùng phía bắc Syria, chiếm khoảng 37% dân số. Tỷ lệ đó cao hơn gấp đôi mức trung bình của thế giới, khoảng 15%.

Bà Myriam Abord-Hugon, người đứng đầu nhóm phản ứng Syria và tổ chức viện trợ Handicap International, xác nhận rằng, so với cuộc khảo sát năm 2021 của Liên hợp quốc, các con số cũng đã tăng lên sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria vào tháng 2 năm nay.

“Đặc biệt, xung đột vũ trang tạo ra những tổn thương mới, làm trầm trọng thêm những rào cản hiện có mà người khuyết tật phải đối mặt và khiến toàn bộ cộng đồng phải chịu tổn hại lớn hơn. Tuy nhiên, những trải nghiệm của người khuyết tật trong xung đột vũ trang và tác động của xung đột vũ trang đối với mảng dân số này là rất lớn và chưa được nghiên cứu đầy đủ”, tạp chí International Review of the Red Cross đã giải thích trong phần giới thiệu số ra tháng 11-2022 tập trung cụ thể vào “những người khuyết tật trong xung đột vũ trang”.

Người khuyết tật không dám bộc lộ sợ bị coi là vô dụng

Những người làm việc trong lĩnh vực này mô tả đây là chủ đề “vô hình” hoặc “ẩn giấu” ở Syria. Bà Abord-Hugon lý giải, nếu ai đó dùng xe lăn trên đường thì điều đó khá rõ ràng, nhưng người khuyết tật còn ở nhiều dạng khác mà không thể nhận ra ngay như mất chi, khiếm thị hoặc khiếm thính… Ngoài ra, người khuyết tật ở Syria dễ bị gạt sang một bên bởi cuộc xung đột kéo dài quá lâu trong khi nhiều vấn đề xã hội cấp thiết khác liên tục xuất hiện như chăm sóc y tế, hỗ trợ nhân đạo, vận chuyển viện trợ xuyên biên giới…

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển của Vương quốc Anh cho biết rất khó để biết có bao nhiêu người khuyết tật ở Syria kể từ khi nội chiến bắt đầu vào năm 2011 do “thiếu khảo sát có hệ thống và sự kỳ thị xã hội tiêu cực dai dẳng”. Nhiều người khuyết tật không dám bộc lộ vì họ sợ rằng sẽ bị coi là vô dụng, sống phụ thuộc hoặc không thể hỗ trợ gia đình.

Như Raya al-Jadir, một nhà nghiên cứu và người ủng hộ quyền của người khuyết tật gốc Iraq, đã lập luận trong một bài xã luận năm 2022 về quyền của người khuyết tật ở Trung Đông: “Sinh ra với khuyết tật trong một nền văn hóa Ảrập, bạn thường bị coi là người “thất bại” trong mắt xã hội. Là phụ nữ, bạn cũng bị coi là “gánh nặng” khác”. Vì thế, các nhà hoạt động như al-Jadir cho rằng, có nhiều việc cần phải làm khi nói đến quyền và sự tôn trọng đối với người khuyết tật trong khu vực. Trước tiên, đó là việc điều chỉnh nhận thức.

Chuyên gia Abord-Hugon chỉ ra rằng, có một số vùng ở Syria, người ta thấy rằng việc ai đó bị khuyết tật không phải là ý muốn của họ hay số phận an bài. Việc này giúp cho người không may bị khiếm khuyết cải thiện khả năng hòa nhập xã hội dễ dàng hơn.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-khuyet-tat-cuoc-khung-hoang-ngam-o-syria-post548938.antd