Người khuyết tật khó dựa vào cộng đồng để phục hồi chức năng
Việc phục hồi chức năng của số đông người khuyết tật tại Hải Dương hiện vẫn chủ yếu dựa vào gia đình mà chưa có sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng.
Nhiều vướng mắc
Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng là sự tham gia, phối hợp chung của người khuyết tật, gia đình người khuyết tật, chính quyền địa phương, y tế cơ sở và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tìm hiểu tại nhiều địa phương ở Hải Dương cho thấy, về cơ bản, tất cả người khuyết tật đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền và cộng đồng. Tuy nhiên, việc quan tâm này mới chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết và thực hiện chi trả chế độ hằng tháng. Trong khi đó, việc chuyển giao kiến thức, kỹ năng phục hồi cho người khuyết tật chưa được quan tâm.
Ông Vương Văn Việt năm nay 62 tuổi, ở phường Thất Hùng (Kinh Môn) bị thoái hóa đốt sống từ năm 1986. Ông đi khắp nơi tìm cách chữa trị bằng cả phương pháp đông y và tây y nhưng không mang lại kết quả. Từ năm 1987, ông bị gù, không còn khả năng lao động, đi lại rất khó khăn. Năm 2022, ông bị ngã từ trên giường xuống, vỡ 2 đốt sống nên hiện chỉ có thể nằm một chỗ. Bà Huỳnh Thị Phượng, vợ ông Việt cho biết: “Gia đình tự mày mò đưa ông ấy đi chữa trị, phục hồi chức năng chứ chưa có ai đến nhà tư vấn hay giúp đỡ việc này bao giờ”.
Chúng tôi tới thăm một thanh niên bị khuyết tật ở xã An Bình (Nam Sách). Được biết nhiều năm nay, gia đình đã đưa anh đi một số nơi để phục hồi chức năng. Bố mẹ tự mày mò tìm hiểu phương pháp với mong muốn một ngày anh có thể tự vận động được. Mẹ của thanh niên này chia sẻ: “Chúng tôi kiên trì lâu ngày rồi nhưng không có kiến thức kỹ năng, cộng với bận lo công việc gia đình nên việc phục hồi của em diễn ra chậm lắm. Lần trước gia đình cũng cho em đi phục hồi chức năng tại một cơ sở nhưng sau lại phải về nhà vì theo quy định, người bệnh phải tự xúc ăn, tự chủ việc vệ sinh. Đây là sự đánh đố đối với một người khuyết tật”.
Luật Người khuyết tật quy định UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tìm hiểu của phóng viên tại nhiều nơi ở Hải Dương cho thấy quy định này gần như chưa được thực hiện. “Chúng tôi cũng chủ yếu khai thác những tài liệu về phục hồi chức năng cho người khuyết tật do cơ quan cấp trên cung cấp hoặc khai thác trên mạng internet để thông tin trên hệ thống loa truyền thanh. Còn việc tổ chức các chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng thì chưa có vì cần có kinh phí và người có chuyên môn”, ông Nguyễn Đình Thuật, công chức văn hóa - xã hội phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội xã An Bình nói.
Lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội một số địa phương thừa nhận có rất nhiều vướng mắc nếu xây dựng và thực hiện chương trình trên tại cộng đồng. Việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng cần quá trình lâu dài. Để thực hiện cần có địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật và người phụ trách chuyên môn. Những việc này đều cần đến kinh phí trong khi ngân sách không cấp cho các địa phương để thực hiện. Việc vận động các cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng không dễ...
Việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng đã được tỉnh Hải Dương quan tâm. Tuy vậy, việc này mới chủ yếu dừng lại ở việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, triển khai công tác tập huấn, điều tra, sàng lọc, lập danh sách cập nhật vào phần mềm quản lý…
Mở rộng ưu đãi tại các cơ sở y tế
Tính đến hết năm 2022, Hải Dương có hơn 43.100 người khuyết tật. Một tỷ lệ không nhỏ người khuyết tật trong tỉnh đã được phục hồi sau quá trình bền bỉ điều trị, có thể tham gia lao động sản xuất, tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, còn nhiều người khuyết tật có cuộc sống khó khăn chưa có điều kiện đến các cơ sở y tế để phục hồi chức năng.
Nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài để thực hiện tốt công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Các sở, ngành liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ, chủ động nâng cao năng năng lực quản lý, tham mưu thực hiện các dự án, chương trình liên quan. Giải pháp quan trọng trước mắt là tỉnh cần đầu tư mở rộng quy mô Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, phát triển thêm chuyên khoa này tại Trung tâm Y tế tuyến huyện để người khuyết tật có nhiều cơ hội hơn trong việc phục hồi chức năng. Mở rộng chế độ ưu đãi, hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật trong quá trình điều trị tại các cơ sở y tế.
Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương Nguyễn Thị Liễu cho biết thời gian tới, bệnh viện sẽ tham mưu cho Sở Y tế về kế hoạch và thực hiện phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng. Tiếp tục củng cố quản lý thông tin người khuyết tật ở các tuyến làm cơ sở tham mưu với tỉnh những chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về các dạng khuyết tật, cách phòng ngừa và phục hồi chức năng cũng như giúp người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ khám, can thiệp điều trị… "Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận mọi người khuyết tật đến khám và can thiệp điều trị sớm, bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế, quyền lợi ưu tiên theo quy định”, bà Liễu khẳng định.