Người khuyết tật một tay có được điều khiển xe máy?

Người khuyết tật một tay chỉ có thể thi sát hạch và điều khiển một số loại xe theo quy định.

Tôi tình cờ đi trên đường và phát hiện một số trường hợp người khuyết tật một tay điều khiển xe máy tham gia giao thông. Tôi khá lo ngại với những trường hợp này vì khi gặp tình huống nguy hiểm họ có thể sẽ không xử lý được dẫn đến mất an toàn cho cả họ và người đi đường?

Xin hỏi, người khuyết tật một tay có được điều khiển xe máy tham gia giao thông hay không?

Bạn đọc HQH (TP.HCM)

 Người khuyết tật một tay nếu đạt các yêu cầu thi sát hạch sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng A1 hoặc hạng B1 và được điều khiển các loại xe tương ứng. Ảnh: HT

Người khuyết tật một tay nếu đạt các yêu cầu thi sát hạch sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng A1 hoặc hạng B1 và được điều khiển các loại xe tương ứng. Ảnh: HT

Luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Hiện nay, pháp luật đã có quy định khá rõ ràng về điều kiện tham gia giao thông của công dân, bao gồm người khuyết tật. Cụ thể là tại Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe.

Cụ thể, theo Phụ lục số 01 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT có quy định, người có một trong các tình trạng bệnh, tật tại Phụ lục thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.

Bảng tiêu chuẩn này nêu rõ các tiêu chuẩn không đủ điều kiện sức khỏe thuộc các chuyên khoa như: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết và các chất hướng thần.

Trong đó, người cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) thì không đủ điều kiện lái xe hạng A1 (xe máy thông thường...), B1.

Như vậy, nếu một người nào đó chỉ bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân trong khi chân và tay còn lại vẫn hoàn toàn bình thường cả về giải phẫu và chức năng, đồng thời đạt các yêu cầu khi thi sát hạch thì sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng A1 hoặc hạng B1 và được điều khiển các loại xe tương ứng.

Tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe thuộc nhóm 3 (dành cho người lái xe các hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE) thì khắt khe hơn rất nhiều ở tất cả các chuyên khoa lâm sàng.

Cụ thể, về chuyên khoa cơ xương khớp thì người bị cụt hoặc mất chức năng hai ngón tay của một bàn tay trở lên hoặc cụt hoặc mất chức năng một bàn chân trở lên thì không được cấp giấy phép lái xe thuộc nhóm này, đồng nghĩa với việc người đó sẽ không được điều khiển phương tiện tương ứng để tham gia giao thông.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-khuyet-tat-mot-tay-co-duoc-dieu-khien-xe-may-post802130.html