Người khuyết tật tại Kon Tum tự tin vươn lên làm chủ số phận

Tỉnh Kon Tum hiện có trên 6.200 người khuyết tật và rất nhiều trong số những người kém may mắn này đã không đầu hàng hoàn cảnh, tự tin vươn lên làm chủ số phận, làm chủ cuộc sống của mình.

Cửa hàng tạp hóa ở số nhà 123, đường Võ Nguyên Giáp, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum hầu như lúc nào cũng có khách mua hàng. Nhìn hàng trăm mặt hàng khác nhau, rồi chỉ nghe tiếng cười, tiếng nói không ai nghĩ cô chủ là người có hoàn cảnh rất éo le.

Sử dụng hai tay đu người ngồi lên chiếc nghế, chị Nguyễn Thị Kim Trúc, 49 tuổi cho biết, 23 năm trước với đôi chân không thể vận động, chị từ quê nhà Bình Định lên Kon Tum tìm kế mưu sinh. Trải qua nhiều công việc, từ đan chài, lưới, đan áo lạnh…kiếm sống qua ngày, rồi tích góp dần hình thành được cửa hàng tạp hóa.

Chị Nguyễn Thị Kim Trúc và cửa hàng tạp hóa của mình.

Chị Nguyễn Thị Kim Trúc và cửa hàng tạp hóa của mình.

Không chỉ vươn lên làm chủ số phận, làm chủ cuộc sống của mình, chị Nguyễn Thị Kim Trúc còn tròn bổn phận làm con, chăm lo chu đáo về vật chất, tinh thần cho hai cụ thân sinh lúc ông bà còn sống và người em trai hiện bị bệnh ở quê. Không những vậy, chị còn giúp 2 lao động địa phương có việc làm thêm. Chia sẻ về công việc và cuộc sống của mình, chị Trúc nói: “Bản thân mình xác định phải sống tốt, tự mình phải biết suy nghĩ, ăn ở hiền lành, đạo đức. Bán hàng phải có cái tâm để cho bà con cô bác giúp đỡ, nếu sống không có cái tâm, bán hàng mắc nữa thì bà con không thương".

Với một tâm hồn đẹp, giao tiếp lại hoạt bát, tự tin, vui vẻ nên cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Kim Trúc được nhiều người dân ở khu vực phường Duy Tân và xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum đến mua hàng. Thông cảm với hoàn cảnh cô chủ, khách quen đều đi thẳng vào trong quầy tự lấy hàng cần mua.

Bà Nguyễn Thị Lan, nhà ở Tổ 3, phường Duy Tân, một khách hàng thường xuyên dành nhiều tình cảm tốt đẹp khi nhắc đến cô chủ cửa hàng tạp hóa: "Chị Trúc là người cần cù, siêng năng, bán hàng thì niềm nở, nhiệt tình. Là người chịu nhiều thiệt thòi nhưng Trúc siêng năng, cần cù, sạch sẽ, nên mọi người đều mến, nên chị đông khách lắm”.

Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người mang trên mình khiếm khuyết khác nhau, song rất nhiều trong số hơn 6.200 người khuyết tật ở tỉnh Kon Tum đã tìm được hạnh phúc cho bản thân. Có một mẫu số chung dễ thấy khi tiếp xúc với họ, đó là ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần lạc quan và tự tin vào bản thân.

Chị Phạm Thị Hồng Hương, 53 tuổi, nhà ở Thôn 6, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, giờ đã có đủ cháu nội, ngoại vẫn cần mẫn siêng năng lao động: “Tất cả mọi việc sức tôi làm được thì tôi cũng cố làm. Buổi sáng nấu xôi đi bán ở trường học. Về là lo cắt cỏ cho bò, cho heo ăn. Rồi có thời gian rảnh là đi làm chổi đót ở nhóm Tự lực. Chiều về cũng may sửa đồ. Nói chung làm việc có nguồn thu nhập cho gia đình để lo cho con. Mong muốn của tôi là những người khuyết tật cố gắng vui vẻ, lạc quan, yêu đời đừng tự ty. Mình tự tin mình làm được gì cứ làm để hòa nhập với xã hội”.

Chị Phạm Thị Hồng Hương với một trong nhiều công việc thường ngày.

Chị Phạm Thị Hồng Hương với một trong nhiều công việc thường ngày.

Ngày 18/4 năm nay, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam, tại thành phố Kon Tum, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu. Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội cho biết, những người khuyết tật được biểu dương là những điển hình trong học tập, công tác, lao động sản xuất, họ đều có điểm chung là tự tin vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng.

“Hội nghị lần này chúng tôi có 100 đại biểu là người khuyết tật ở tất cả các huyện, thành phố về tham dự. Những người tiêu biểu ở đây có thể được Hội trợ giúp, hoặc chưa được, nhưng họ đã có những việc làm ý nghĩa để vươn lên thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống và trợ giúp cho những người khuyết tật nghèo hơn để vươn lên. Những người về dự Hội nghị này khi về địa phương nơi họ sinh sống sẽ lan tỏa những gương người tốt việc tốt để tiếp tục có những việc làm ý nghĩa trợ giúp cho những người xung quanh cùng vươn lên”.

Cùng với nỗ lực vượt qua chính mình, chính quyền, các hội, đoàn thể ở tỉnh Kon Tum cũng luôn dành sự quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật. Từ đầu năm đến nay, riêng Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật của tỉnh đã trao tặng 4 căn nhà tình thương trị giá 125 triệu đồng; hỗ trợ 10 con bò sinh sản cho gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và đang chuẩn bị trao tặng 200 xe lăn cho người khuyết tật./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-khuyet-tat-tai-kon-tum-tu-tin-vuon-len-lam-chu-so-phan-post937959.vov