Người kiểm lâm bị chém cụt tay vẫn tiếp tục giữ rừng

Bị nhóm 'lâm tặc' lấy đi một cánh tay lúc tuổi đời mới 26 và nhiều lúc cận kề cái chết nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, chàng kiểm lâm đã vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, gian khổ để tiếp tục với công việc giữ rừng. Đó là kiểm lâm viên Dương Quang Hùng, năm nay tròn 40 tuổi, dân tộc Tày, công tác tại Trạm kiểm lâm số 2, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Anh Dương Quang Hùng là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp lâm nghiệp, cuối năm 2004, anh vào Bù Gia Mập (Bình Phước) lập nghiệp và đứng vào lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập với công việc của người giữ rừng ở Trạm Kiểm lâm số 2. Cũng như các đồng nghiệp, anh Hùng yêu rừng, yêu công việc giữ rừng, dù khi đó, cuộc sống không chỉ vất vả gấp trăm lần thời điểm hiện nay, mà còn có thể gặp rủi ro, nguy hiểm bất cứ lúc nào bởi tình trạng phá rừng xảy ra như “cơm bữa”, các đối tượng lâm tặc rất manh động, bất chấp pháp luật, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm.

Anh Dương Quang Hùng cùng đồng nghiệp sửa chốt barie tại chốt bảo vệ rừng ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Anh Dương Quang Hùng cùng đồng nghiệp sửa chốt barie tại chốt bảo vệ rừng ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Đề cập đến buổi tối định mệnh, anh Hùng nhớ lại: Hôm đó là ngày 9/4/2009, tức sau hơn 1 tuần tôi được điều động đến tăng cường cho Trạm Kiểm lâm số 1. Khoảng 9 giờ tối, trạm có 5 người trực, gồm 4 kiểm lâm viên và trạm trưởng ở trong phòng. Khi ăn tối xong, đang mỗi người một việc thì thấy có 2 người đàn ông đi trên 1 xe máy chạy vào. Chúng ngó nghiêng, hỏi bâng quơ mấy câu, rồi lên xe rời đi. Vài phút sau chúng quay lại với 5 đối tượng bước vào với khuôn mặt hung dữ, trên tay chúng lăm lăm mã tấu, rựa, gậy gộc. Chúng hỏi có Hùng, Bộ ở đây không? Bộ là người cũ của trạm, chúng biết mặt, còn tôi tên Hùng thật, nhưng chưa từng giáp mặt chúng. Nghe hỏi vậy, tôi nói Hùng đây, các anh hỏi có việc gì? Còn Bộ cũng từ trong phòng chạy ra, bị mấy tên lôi ra ngoài dùng tay, gậy đánh tới tấp. Thấy đồng nghiệp bị đánh nên tôi vào can ngăn thì ngay lập tức mấy tên quay sang tôi, vừa đánh vừa đạp tôi ngã xuống chiếc võng. Đúng lúc đó thì 1 tên cầm cây mã tấu dài lao tới chém xuống đầu tôi. Theo phản xạ, tôi giơ tay lên đỡ lưỡi dao, làm cánh tay gần đứt lìa, chỉ còn dính 1 chút da. Tại tòa, theo lời khai của các đối tượng chém anh Hùng, chỉ vì nghe người nhà nói bị kiểm lâm trạm số 1 bắt bớ gắt gao không để chúng làm ăn nên sau khi nhậu say, chúng bàn nhau đến trả thù.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ đi cánh tay hoại tử, anh Hùng được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước nằm điều trị 2 tháng thì xuất viện, nhưng do di chứng hoại tử, vết thương hở khiến anh phải mất tới 3 năm, tức năm 2012 mới chấm dứt việc mỗi tháng 2 lần di chuyển đi Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh tái khám, lấy thuốc. Điều an ủi lớn nhất đối với anh Hùng sau đó là suốt những năm tháng điều trị ngoại trú, lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh, hỗ trợ mọi thứ có thể, từ chi phí điều trị đến công việc hàng ngày. Anh được sắp xếp công việc phù hợp ở văn phòng trụ sở. Ngoài ra, những việc khó khăn do thiếu một cánh tay luôn có đồng đội bên cạnh giúp đỡ. Đó là những lý do khiến anh không chỉ yêu công việc mà còn coi những thành viên trong đơn vị như người thân một nhà. “Lúc đó, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của đơn vị, sự tận tình của đồng nghiệp, chưa chắc tôi đã đủ nghị lực, tinh thần để vượt qua, và chắc không có cảnh bây giờ ngồi đây kể lại chuyện cho các anh nghe” – anh Hùng nói.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi nhiều lần làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xét công nhận thương binh cho anh Hùng để cậu ấy có chế độ, nhưng mãi không được, dù bị mất đi một phần thân thể và gánh chịu những hậu quả nặng nề. Vì lý do vụ việc xảy ra ngoài giờ hành chính nên không được. Những người giữ rừng như chúng tôi, làm việc 24/24h, làm gì có giờ hành chính? Sau nhiều năm kiến nghị, mãi đến năm 2014, anh Hùng cũng nhận được một phần công lao, đó là “được hưởng chính sách như thương binh. Thời gian đầu mỗi tháng Hùng được hơn 2 triệu, còn hiện tại mỗi tháng được gần 3 triệu đồng”.

Về chuyện gia đình, việc anh “gặp nhau, quen nhau, yêu nhau và cưới nhau” như thế nào, anh Hùng cười hiền nói: “Xem ra tôi cũng có duyên. Tôi có người em bà con, thời điểm tôi đang điều trị ở bệnh viện tỉnh, cô em này học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, gần bệnh viện. Lâu lâu lại cùng nhóm bạn học kéo sang thăm. Trong số này có vợ tôi. Nhưng lúc đó tôi cũng không để ý lắm. Đến khi cô em và nhóm bạn này học xong cấp 3, lại cùng xuống TP Hồ Chí Minh học đại học. Thời điểm đó, mỗi tháng 2 lần tôi xuống thành phố khám, lấy thuốc, sau đó lại ghé ký túc xá thăm cô em. Vợ tôi và cô em họ không học cùng trường, nhưng vẫn chơi chung nhóm, mỗi lần tôi ghé thăm, cô ấy lại hẹn cả nhóm đi chơi, đi ăn cùng. Dần dần tình cảm nảy sinh, nhưng chính thức yêu nhau lúc nào thì tôi không nhớ”.

Năm 2014, anh Hùng cùng vợ lên xe hoa, hiện anh đang có một gia đình hạnh phúc với đứa 2 con kháu khỉnh, con trai đầu sinh năm 2016 và cô con gái sinh năm 2018. Vợ anh Hùng hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, mỗi tháng anh về thăm nhà 1 lần. Những năm tháng khổ đau dần qua đi, sau khi cưới vợ, sinh con, anh Hùng ngày càng “lên phong độ”, cả tinh thần lẫn sức khỏe. Anh quyết định xin lãnh đạo đơn vị quay trở lại rừng, sát cánh cùng anh em đi giữ rừng. Anh Hùng cũng vừa học xong và lấy bằng Đại học lâm nghiệp.

Theo anh Hùng, suốt những năm làm kiểm lâm viên, anh có hàng chục lần “giáp lá cà” với bọn “lâm tặc”, săn bắt, bẫy thú trong rừng, gặp đầy những hiểm nguy.

Đức Trí

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nguoi-kiem-lam-bi-chem-cut-tay-van-tiep-tuc-giu-rung-i717536/