Người kiệm lời

Có một người cũng từng làm thơ mà lại nói với tôi rằng thơ 4 câu là loại thơ không thể chuyển tải hết ý (!). Thật hết biết. Anh ta còn minh chứng cho cách nghĩ thiển cận của mình là nhà văn N.B.T cũng từng nghĩ như vậy nên không bao giờ ông chọn loại thơ 4 câu in trên tờ báo văn nghệ địa phương do ông phụ trách.

Có một người cũng từng làm thơ mà lại nói với tôi rằng thơ 4 câu là loại thơ không thể chuyển tải hết ý (!). Thật hết biết. Anh ta còn minh chứng cho cách nghĩ thiển cận của mình là nhà văn N.B.T cũng từng nghĩ như vậy nên không bao giờ ông chọn loại thơ 4 câu in trên tờ báo văn nghệ địa phương do ông phụ trách. Thậm chí có người bảo thơ 4 câu ngắn quá, nếu mà in thì phải in ba đến bốn bài mới đầy một trang, mà như vậy thì phải trả nhuận bút gấp 4 lần thay vì chỉ in 1 bài vài chục câu, nhuận bút chỉ trả 1 lần (!)...

Bạn thơ đến thăm Võ Bá.

Bạn thơ đến thăm Võ Bá.

Nhân đề cập đến chuyện này tôi muốn các bạn đọc thử một số bài thơ 4 câu của anh Võ Bá, người yêu thơ, làm thơ ở Nam Phước, (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) và có cần phải thêm câu nào nữa hay không, ví dụ như bài Vỗ tay: Thơ đọc xong rồi nghe vỗ tay/ Vỗ tay chưa chắc đã là hay/ Thơ hay còn ở tay chưa vỗ/ Chưa vỗ mà nghe tiếng nổ đầy; bài Tập hót: Ớt cay ăn trái ban đầu/ Quen dần chim nghiện quả sâu không chừa/ Giờ chim biết hót say sưa/ Chỉ thương cái giọng ngày xưa không còn; bài: Mặt khuất: Con ếch sống úp dưới bùn/ Tiếng kêu sấm động trời tuôn mưa rào/ Con người ưa nhướn lên cao/ Lời chưa nói đã nghe trào cái tôi; ...

Với tôi, thơ 4 câu là loại thơ khá độc đáo bởi tính khái quát và sự cô đọng của nó. Nhưng không dễ gì viết được. Thực tế có rất nhiều bài thơ viết lê thê cả trăm câu mà khi đọc xong chẳng hiểu chi hết, thậm chí làm rối ren thêm cái sự nghĩ của người đọc.

Võ Bá làm thơ không nhiều, nhưng khi đã viết không phải là viết cho có để khoe khoang. Cách làm thơ của Võ Bá giống như cách sống của anh. Anh nói ít mà làm nhiều. Anh luôn trăn trở, sẻ chia, thấu hiểu, thương yêu, quý trọng tất cả những gì cuộc sống này cho anh, cưu mang anh. Mỗi lần nhận thơ anh gửi, tôi dành thời gian đọc hết và luôn bất ngờ khi phát hiện trong thơ 4 câu của anh luôn có những điều mới mẻ, thậm chí những điều tưởng như đã cũ mà cứ ánh lên qua con chữ được chắt lọc từ tấm lòng chân thật của Võ Bá. Bạn bè của Võ Bá đều nhận xét rằng ở đây ta thấy trí tuệ và khôn ngoan của Võ Bá, không những tự thức tỉnh mình mà còn cảnh giác cho mọi người về cách sống và cách nghĩ: Chân đau đầu hết thông minh/ Điều không ai bận làm mình vấn vương/ Đi không sợ té hư đường/ Cầm thêm cây gậy lại thương cỏ mềm (Tại cây gậy). Võ Bá luôn là con người như vậy. Hiện tại anh mang trong người căn bệnh hiểm nghèo đúng nghĩa. Bệnh thì hiểm mà nhà thì nghèo nên đành một mình chống chọi với cơn đau. Nhưng dẫu có đau thì vẫn thấy yêu thương cuộc sống này dù chỉ là một cọng cỏ mềm.

Lâu nay thơ 4 câu của Võ Bá được nhiều tờ báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh chọn đăng. Quý bạn, thương thơ, các anh La Trung, Đoàn Xuân Thừa, Lê Văn Long, Trần Phước người Hội An, người Duy Xuyên nhắn nhủ nhau âm thầm sưu tầm thơ Võ Bá, tự lo kinh phí in ấn vi tính, lưu hành nội bộ 30 tập thơ mang tên: Võ Bá và Thơ 4 câu gồm 63 bài. Rồi chiều ngày 18-1-2016, trong sân vườn nhà anh Trần Phước ở thôn Đông Yên, Duy Trinh, H. Duy Xuyên, bạn bè từ Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên,... về hội ngộ. Cuộc hội ngộ này không chỉ chúng tôi mà chính Võ Bá là người trong cuộc cũng bất ngờ và xúc động trước ân tình của bạn hữu- những người đã từng một thời là đồng đội cùng chiến hào với Võ Bá ở biên giới Tây- Nam, sống chết có nhau vì độc lập tự do của Tổ quốc...

Nhà thơ Võ Bá tặng thơ cho tác giả.

Nhà thơ Võ Bá tặng thơ cho tác giả.

Kiệm lời, nghèo, nhưng lòng Võ Bá bao la. Nhớ lần đầu tiên nhà thơ La Trung đến nhà thăm Võ Bá, bất ngờ nhìn thấy những dòng tri ân của Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Đại Nghĩa và những câu thơ bạn bè cảm khái về việc nghĩa của vợ chồng Võ Bá mới biết vợ chồng Võ Bá đang hành thiện âm thầm. Nhà giáo Đoàn Xuân Thừa biết bạn mình nghèo khó cho nên khó có thể hình dung một con người sống rất đạm bạc như Võ Bá trong từng bữa ăn, tiết kiệm từng đồng bạc trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, đổ mồ hôi công sức trong chuyện mưu sinh để giúp đỡ người khốn khó hơn mình. Biển đời đầy những phong ba/ Dìu nhau trên chuyến đò qua một lần/ Tháng- năm bụi lặng âm thầm/ Gieo vào gió một chữ Tâm trong ngần (Thiện nguyện); Nhớ ngày thiếu đói ruột đau/ Củ ăn mót cả khoai hàu sắn heo/ Bóng gầy in vách phên treo/ Mẹ ngồi lút giữa cái nghèo của quê (Thơ dâng mẹ)...

Có một điều thú vị trong tập thơ sưu tầm này Võ Bá chỉ có một bài thơ tình duy nhất: Người sống tuân theo luật lệ/ Để mong tốt đẹp cho mình/ Răng khểnh thì không cần thế/ Ngoài hàng trông vẫn rất xinh (Răng khểnh).

Võ Bá- lão nông ít nói, dẫu còn muôn nỗi lo toan vẫn có những giây phút chạnh lòng trước bao vẻ đẹp đáng yêu. Bạn bè của Võ Bá thường nói hạnh và tài của một con người như hoa lành của đất. Võ Bá có cả hai.

Gần đây Võ Bá ngã bệnh nặng, bạn bè khắp nơi đến thăm. Nằm liệt giường, tự nhiên anh ngồi dậy được để gặp anh em. Anh vừa nói vừa thở. Võ Bá là người ít nói như những câu thơ, bài thơ anh viết. Mặc dù đau nặng anh vẫn không báo tin cho ai, ngay cả cha anh. Cha anh biết anh ngã bệnh nặng cũng là do linh tính của ông khi ông không thấy con trai thỉnh thoảng về thăm ông như mọi lần. Anh Sa Hoài Nhân bạn thơ, láng giềng của anh đến thăm anh bình thường như mọi khi cũng là sự tình cờ, mới thấy anh nằm quằn quại bởi cơn đau. Sau đó anh Sa Hoài Nhân điện thoại ngay cho Nguyễn Đức Dũng ở Tam Kỳ, tiếp đó là anh La Trung bạn thơ từ Hội An. Dũng báo tin cho tôi và Giang...

Chúng tôi lo quá không biết bệnh tình anh ra sao. Gặp anh và mong sao trời đất phù hộ cho anh khỏe mạnh...

HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_217659_nguoi-kiem-loi.aspx