Người kỹ sư cơ khí khắc ghi lời Bác
Người đàn ông lớn tuổi đứng trước mặt tôi có dáng tầm thước, ánh mắt tinh anh qua cặp kính lão, đặc biệt mái tóc còn khá dày, chưa bạc hẳn.
Khó mà đoán đúng tuổi ông, ai dè khi hỏi mới biết ông sắp bước sang tuổi cửu thập. Ông là Nguyễn Đức Hùng, một trong số thợ hiếm hoi còn lại thuở 66 năm trước, khi Nhà máy Cơ khí Hà Nội ra đời. Hiện ông là Trưởng ban liên lạc hưu trí của Công ty Cơ khí Hà Nội. Ông còn nhớ như in kỷ niệm những lần Bác Hồ về thăm Nhà máy và lời Người dặn dò năm xưa.
Tháng 4-1958, trên mảnh đất rộng vài héc-ta thuộc Ngã Tư Sở lúc đó còn là ngoại thành, đã đưa vào hoạt động một khu công nghiệp do Liên Xô viện trợ, đó là Nhà máy Cơ khí Hà Nội.
Nhà máy Cơ khí Hà Nội ngày ấy là “anh cả đỏ” của ngành công nghiệp nặng. Bởi vậy, sinh thời, Bác Hồ đã 9 lần về thăm Nhà máy. "Bác anh minh, giản dị, thân tình... thì ai cũng có thể cảm nhận được. Qua những lần gặp trực tiếp, tôi rất thấm thía những lời dạy bảo sâu sắc của Người", ông Nguyễn Đức Hùng bồi hồi nhớ lại.
Lần Bác Hồ đến thăm vào đầu năm 1960, đi cùng Bác là vợ chồng luật sư Loseby và con gái của luật sư. Bác vui vẻ giới thiệu với toàn thể anh chị em trong Nhà máy, luật sư là ân nhân từng bào chữa cho Bác ở tòa án Anh tại Hồng Công. Sau đó, Bác có buổi nói chuyện, điểm lại tình hình, những bước chuyển biến đáng kể của Nhà máy so với lần đến thăm trước. Không chỉ khen, Người còn phê bình: “Trong năm qua, Nhà máy ta có một số khuyết điểm về các mặt như sử dụng vật liệu, dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, thường vượt quá mức đã định, một số bộ phận máy móc làm ra chất lượng còn kém. Tỷ lệ người gián tiếp sản xuất cao. Như vậy là lãng phí. Đây là Nhà máy to nhất về chế tạo cơ khí, nhưng Bác thấy sản phẩm làm ra vẫn nghèo nàn quá...”. Đến cuối năm ấy, Bác dự buổi khai giảng năm học bổ túc văn hóa 1960-1961 và gửi lại 10 huy hiệu để tặng những người có thành tích công tác, học tập tốt nhất.
Đúng là tuy nhà máy ngày ấy có công nghệ đồng bộ song sản phẩm đầu ra chủ yếu mới chỉ có chiếc máy khoan bàn đơn giản, trong khi yêu cầu của một dây chuyền chế tạo cơ khí cần hàng chục loại máy cái các loại. Quyết tâm khắc phục về trước mắt cũng như lâu dài tình trạng nghèo sản phẩm như Bác đã chỉ ra, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, Nhà máy cho thành lập bộ phận thiết kế, lúc đầu gọi là Tổ Thiết kế. Ông Hùng được đưa vào Tổ Thiết kế làm việc. "Chúng tôi bảo nhau tự giác nâng cao trình độ văn hóa, học thêm tiếng Nga để tiếp xúc được với chuyên gia, đọc tài liệu và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của bạn. Ban ngày đến Nhà máy, ban đêm chúng tôi chăm chỉ đến lớp học tiếng Nga ở chùa Quán Sứ do hai thầy Nguyễn Mạnh Cầm (sau này là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và Dương Văn Thành dạy. Về sau tôi còn theo học lớp tại chức của Trường Đại học Bách khoa mở tại Nhà máy và có bằng kỹ sư chế tạo máy", ông Hùng kể.
Ông Hùng và đồng nghiệp thử sức mình bằng việc thiết kế chế tạo máy tiện, thứ máy công cụ không thể thiếu ở bất kỳ xưởng cơ khí nào dù lớn hay nhỏ. Cỗ máy tiện “Made in Việt Nam” đầu tiên được hoàn thành theo mẫu T630 của Liên Xô. Trừ vòng bi, còn lại toàn bộ linh kiện của máy tiện đều do Nhà máy nghiên cứu và sản xuất. Tiếp theo, Ban giám đốc quyết định chọn một mặt hàng phức tạp hơn là máy phay vạn năng, theo mẫu 6H82, mang mã hiệu mới P82. Máy nặng 2,8 tấn, có hàng nghìn chi tiết khác nhau. Ông Hùng được phân công tính toán, lên bản vẽ cụm máy phức tạp nhất là hộp số công-xôn tốc độ tiến. Sau hơn nửa năm, Tổ Thiết kế hoàn thành nhiệm vụ đúng như tiến độ đề ra. Cuối năm 1960, vào dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cỗ máy được mang đến trưng bày ở triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật tại Vân Hồ, Hà Nội. Sau khi hoàn chỉnh công nghệ, máy P82 được sản xuất hàng loạt, có sức tiêu thụ tốt. Rồi Tổ Thiết kế được phát triển trở thành Phòng Thiết kế. Các kỹ sư trưởng phòng thiết kế qua các thời kỳ như: Nguyễn Ngọc Lê, Phan Thanh Liêm, Trần Lum từ “bệ phóng” này, sau đều phát triển tốt, trở thành Bộ trưởng Bộ Cơ khí luyện kim, hay lãnh đạo TP Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Hùng cũng trưởng thành, từ một thiết kế viên, trở thành bí thư chi bộ phòng; quản đốc phân xưởng chính; Trưởng phòng Kế hoạch-thị trường...
Thời đổi mới, mở cửa, Nhà máy Cơ khí Hà Nội đổi tên thành Công ty Cơ khí Hà Nội. Hướng đa dạng hóa sản phẩm mà Bác Hồ đã chỉ ra từ buổi đầu, về sau càng có điều kiện phát triển. Sản phẩm truyền thống từ điều khiển bằng tay, được lắp bộ vi xử lý (CNC) điều khiển tự động, máy công cụ chế tạo trong nước dần tiến kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Thời đỉnh cao duy trì đến hôm nay, sản lượng hằng năm của Công ty là 1.000 máy tiện, phay, bào, khoan... được bạn hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Công ty nhận được nhiều đơn hàng của các nhà máy đường, giấy, thủy điện, xi măng...
Khi Thủ đô mở rộng, Công ty không còn thích hợp đóng ở nội thành nên đã chuyển hẳn vào khu công nghiệp Thuận Thành, Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội hơn 30km. Đến nay, ông Nguyễn Đức Hùng đã có 60 năm tuổi Đảng, 70 năm tuổi nghề, lời Bác Hồ dạy lúc nào ông cũng khắc ghi để truyền dạy lại cho con cháu luôn nỗ lực vươn lên, tự lực, tự cường, tạo ra những giá trị tốt đẹp trong nghề nghiệp, lĩnh vực mà mình công tác.
Bài và ảnh: PHẠM QUANG ĐẨU
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguoi-ky-su-co-khi-khac-ghi-loi-bac-777451