'Người lạ' yêu rừng Việt Nam

Đặt nền móng cho sự ra đời Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) là đôi vợ chồng Nguyễn Thị Thu Hiền - Tilo Nadler. Tình yêu đã khiến người phụ nữ vốn sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội quyết định bỏ phố bám rừng, cùng chồng người Đức đi khắp rừng núi Việt Nam để cứu hộ các loài linh trưởng.

Chuyện tình của Hiền - Tilo

Trong 25 năm gắn bó với Dự án Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và EPRC tại Vườn quốc gia Cúc Phương, giới chuyên môn, nhất là cộng đồng dân địa phương sống gần rừng đều biết đến, yêu quý chị Thu Hiền và ông Tilo Nadler, một chuyên gia về linh trưởng.

Vốn là thạc sĩ điện lạnh, nhưng có sở thích đặc biệt với động vật hoang dã, ông Tilo làm cộng tác viên cho Hội Động vật học Frankfurt, Đức. Năm 1991-1992, trong 3 tháng, ông Tilo nhận nhiệm vụ sang Việt Nam quay phim xác nhận về sự tồn tại của loài voọc mông trắng sau thông tin tái phát hiện ở Việt Nam, vì trước đó, voọc mông trắng được cho là tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Trở về Đức hoàn thành phóng sự, ông Tilo viết dự thảo dự án bảo tồn loài linh trưởng mới được tái phát hiện này, nhưng sau 1 năm, không có chuyên gia bảo tồn nào đăng ký tuyển dụng vào vị trí quản lý dự án. Tháng 1-1993, ông đã tình nguyện sang Việt Nam triển khai dự án “Tăng cường công tác bảo vệ rừng Cúc Phương và bảo tồn loài voọc mông trắng”, kỳ hạn 1993-1996.

 Đôi vợ chồng Nguyễn Thị Thu Hiền - Tilo Nadler đã có hơn 30 năm gắn bó với núi rừng Việt Nam để cứu hộ các loài linh trưởng

Đôi vợ chồng Nguyễn Thị Thu Hiền - Tilo Nadler đã có hơn 30 năm gắn bó với núi rừng Việt Nam để cứu hộ các loài linh trưởng

Thời gian đầu của dự án, ông Tilo đã gặp tình yêu của đời mình ở Việt Nam - cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 1972). Trong lúc đang ôn thi tiếp đại học, chị Hiền đi làm thêm tại cửa hàng bán đồ mỹ nghệ và quen biết ông Tilo. Với cá tính mạnh mẽ, thích khám phá và muốn trau dồi thêm ngoại ngữ, chị Hiền làm hướng dẫn viên du lịch tuyến Hạ Long, Ninh Bình, đồng thời nhận làm cộng tác viên cho dự án của ông Tilo. Tình yêu nảy nở, dù bố mẹ phản đối, nhưng sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp, chị Hiền quyết định rời phố vào rừng Cúc Phương, sống và làm việc cùng ông Tilo. Đến năm 2000, chị Hiền đã được gia đình chấp nhận tổ chức đám cưới với ông Tilo Nadler, người hơn chị 31 tuổi.

Ngồi chung với tôi trên con đò nan đi ngắm voọc mông trắng ở đầm Vân Long (Ninh Bình), chị Hiền chia sẻ: “Dù bị gia đình cấm cản nhưng cuối cùng tôi đã lấy được người tôi yêu. Anh Tilo trước hết là một người bạn chân thành, là một nhà khoa học đầy nhiệt huyết, một người sếp đầy gương mẫu, một người thầy cho tôi môn học mới là bảo tồn thiên nhiên, là người đàn ông tôi yêu và ngưỡng mộ. Anh chính là người đã truyền cho tôi tình yêu với các loài động vật hoang dã và biết yêu chúng đúng cách”.

Voọc mông trắng có tên gọi khoa học là Trachypithecus delacouri, được đặt tên theo nhà điểu học người Mỹ gốc Pháp Jean Théodore Delacour, là một loài linh trưởng cỡ lớn, thuộc họ khỉ (Cercopithecidae), bộ linh trưởng (Primates) được xác định là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và thế giới, xếp hạng CR - rất nguy cấp.

Nhiệm vụ giải cứu linh trưởng quý hiếm

Ban đầu, ông Tilo và Hội Động vật học Frankfurt dự kiến hoạt động dự án chỉ trong 3 năm, sau sự kiện tái phát hiện lại loài voọc mông trắng. Hết năm 1996, thay vì chuyển giao dự án cho phía Việt Nam quản lý, ông Tilo tiếp tục ở lại Vườn quốc gia Cúc Phương và dự án được gia hạn 3 năm rồi lại được gia hạn thêm nhiều lần 5 năm. Từ tháng 10-1997, chị Hiền đã chính thức làm việc cho dự án và đồng hành cùng ông Tilo trong mọi công việc.

Nhận thấy động vật hoang dã, đặc biệt là loài linh trưởng ở Việt Nam bị săn bắt và đưa vào đường dây buôn bán trái phép, ông Tilo đề xuất với Vườn quốc gia Cúc Phương, Bộ NN-PTNT về việc thành lập EPRC. Đây là việc cấp thiết, bởi đa phần cá thể linh trưởng được cứu hộ về đều bị thương tích. EPRC tại Vườn quốc gia Cúc Phương được chính thức thành lập vào tháng 6-1995, quan tâm chính đến 3 nhóm linh trưởng là vượn, voọc và culi. Đây là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở Đông Dương.

Khoảng năm 1993-2000, theo điều tra của Hội Động vật học Frankfurt, đã xác nhận được 19 tiểu quần thể loài voọc mông trắng được phân bố trên các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhưng chỉ sau 10 năm, 14 tiểu quần thể loài voọc mông trắng bị xóa sổ bởi nạn săn bắt, phá rừng. Sau khi xác định được đầm Vân Long (Ninh Bình) là nơi có số lượng voọc mông trắng lớn nhất (theo Guinness Vietnam 2010) và là nơi có khả năng an toàn cho sự tồn tại lâu dài của loài này, ông Tilo và Hội Động vật học Frankfurt đã cung cấp số liệu, đề xuất đến cơ quan khoa học và quản lý Việt Nam thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Từ năm 2001, đôi vợ chồng Thu Hiền - Tilo luôn đồng hành cùng sự phát triển của khu bảo tồn thiên nhiên tiêu biểu này.

Trong 8 năm đầu của dự án, chị Thu Hiền và ông Tilo đã tham gia công tác tuần tra rừng 2-3 đêm/tuần cùng cán bộ kiểm lâm tại Vườn quốc gia Cúc Phương nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng của lâm tặc. Đón lâm sản, đưa cán bộ kiểm lâm đi bệnh viện do xảy ra xô xát với thợ xẻ gỗ, thợ săn; đi giải cứu voọc ở các tỉnh hay thực hiện điều tra linh trưởng là những việc mà Thu Hiền - Tilo sẵn sàng lên đường khi nhận được thông báo. Từng bị sảy thai và nhiều lần bị thương trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, nhưng chị Hiền chưa hề có suy nghĩ từ bỏ.

“Công việc của vợ chồng tôi là đa nhiệm và nó dường như đã ngấm vào máu”, chị Hiền nói một cách tự tin với ánh mắt đầy hy vọng về công cuộc bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.

Thời gian đầu làm việc, khi chưa có đầu mối thông tin, đôi vợ chồng Thu Hiền - Tilo phải tự tìm đến từng nơi có các loài linh trưởng sinh sống, trực tiếp đi vận động, thậm chí tranh cãi với người dân, chính quyền để được tiếp nhận động vật về trung tâm cứu hộ ở Cúc Phương. Mỗi lần kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thương tâm về loài voọc mông trắng, chị Hiền lại nghẹn khóc như tình yêu mà chị dành cho chúng.

Cho đến nay, EPRC đã cứu hộ được 200-300 cá thể voọc mông trắng, nhưng chỉ có 2/3 trong số đó sống sót. Tất cả cá thể linh trưởng khi đưa về sẽ được chăm sóc trong khu kiểm dịch ít nhất 6 tuần, khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, sau đó được ghép đàn cho sinh sản. Sau khi nhân giống thành công, các cá thể được sinh ra tại EPRC được đưa vào môi trường bán hoang dã để lấy lại tập tính tự nhiên. Sau đó, động vật sẽ được tái hòa nhập về môi trường tự nhiên đảm bảo an toàn, đúng với vùng phân bố loài.

Ngoài công việc chăm sóc và cứu hộ linh trưởng, đôi vợ chồng Thu Hiền - Tilo đã phối hợp với nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế, góp phần giúp thay đổi nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học. Sự cống hiến của ông Tilo được cộng đồng yêu mến, ông được nhận giải thưởng danh dự hạng nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới và nhiều giải thưởng danh giá khác.

“Hiệp sĩ của rừng già”, “Linh trưởng chúa”, “Anh hùng” là những cái tên mà người dân địa phương dành tặng cho ông Tilo để bày tỏ sự trân trọng vị chuyên gia người Đức đã có gần nửa cuộc đời bảo vệ linh trưởng, bảo tồn thiên nhiên cho đất nước Việt Nam. Sau năm 2017, Thu Hiền - Tilo xin rút khỏi công tác quản lý EPRC và giới thiệu một tổ chức khác vào tiếp quản. Ngay sau đó, Thu Hiền - Tilo cùng với một tiến sĩ sinh học người Bỉ, thành lập tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy, tiếp tục bảo vệ các loài linh trưởng. Cho đến nay, họ vẫn tư vấn, hỗ trợ Khu bảo tồn thiên nhiên tỉnh Ninh Bình dưới hình thức bảo tồn nguyên vị.

HÀ NGUYỄN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-la-yeu-rung-viet-nam-post747997.html