'Người lái đò Sông Đà' vào đề thi thử môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận một đoạn văn về hình tượng Sông Đà trong tác phẩm 'Người lái đò Sông Đà'. Từ đó nhận xét cái nhìn độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân khi miêu tả Sông Đà.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thể thơ của đoạn trích: tự do.
Câu 2. Những biểu hiện của cuộc sống tươi đẹp để thúc giục ta "đứng lên đi": mùa để hái; những yêu thương sai quả nở trên cành; mùa mơ non nở rợp khoảng trời xanh.
Câu 3. Phép điệp: "cứ"... Ý nghĩa: Nhấn mạnh lời thúc giục, kêu gọi, động viên, cổ vũ, củng cố niềm tin …rằng các bạn trẻ hãy dũng cảm, mạnh mẽ, bản lĩnh vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, dám dấn thân, chinh phục ước mơ, khát vọng của mình. Làm cho giọng thơ trở nên mạnh mẽ, nhịp thơ gấp gáp, giàu tính biểu cảm.
Câu 4. Tác giả muốn nhắn gửi rằng tuổi trẻ hãy mạnh mẽ dấn thân, bản lĩnh chinh phục những ước mơ của mình, đừng sợ thất bại, vì tuổi trẻ còn có thời gian để sửa chữa, để trưởng thành.
Tác giả muốn hướng tuổi trẻ đến việc sống có lý tưởng và dám bước qua nỗi sợ của bản thân để thực hiện lý tưởng. Điều này không đồng nghĩa với việc ỷ vào việc còn thời gian để làm lại, mà tuổi trẻ sống một cách buông thả, liều lĩnh, sa đà vào các thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Vùng an toàn là giới hạn, ranh giới con người tự đặt ra cho mình. Ở nơi đó ta có được trạng thái thoải mái, bình yên mà không có bất kì sự thay đổi hay đột phá nào. Tuy nhiên, việc ở quá lâu trong vùng an toàn sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dần trở nên nhàm chán, trì trệ, thậm chí là thất bại. Vì vậy, ta cần phải học cách để thoát ra khỏi vùng an toàn đó.
Để thoát ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thách thức ở phía trước; vượt qua nỗi sợ hãi thất bại; tự tin vào chính mình; thử thách bản thân ở một môi trường mới, một lĩnh vực mới; thay đổi những thói quen cũ, hành động theo một cách thức mới; coi đó là cơ hội để trải nghiệm, trưởng thành.
Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân: Cần trang bị kiến thức, kỹ năng nền tảng để tự tin; không mù quáng và liều lĩnh; cần biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước.
Câu 2. Cảm nhận về hình tượng Sông Đà trong đoạn trích "Người lái đò Sông Đà". Nhận xét cái nhìn độc đáo của Nguyễn Tuân khi miêu tả Sông Đà.
* Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và đoạn trích.
* Cảm nhận hình tượng Sông Đà:
- Từ điểm nhìn trên cao, Sông Đà có vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, yêu kiều.
+ Sông Đà thướt tha, duyên dáng, đầy nữ tính như mái tóc người thiếu nữ Tây Bắc: Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân.
+ Sông Đà có sự thay đổi kì diệu màu nước theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng: Mùa xuân – "dòng xanh ngọc bích"; mùa thu – "nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ".
- Từ điểm nhìn gần hơn – điểm nhìn của một người đi rừng lâu ngày bất ngờ gặp lại con sông, Sông Đà gợi cảm, Sông Đà "như một cố nhân".
+ Sông Đà lung linh, cổ kính, thơ mộng, mang đậm vẻ đẹp Đường Thi.
+ Sông Đà gợi niềm vui, đem lại cảm giác "đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân" cho con người.
- Hình tượng Sông Đà được cảm nhận từ nhiều điểm nhìn; ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ; câu văn nhịp nhàng; hình ảnh bay bổng, lãng mạn; sử dụng thành công biện pháp tu từ so sánh…tạo những liên tưởng độc đáo thú vị, làm nổi bật vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông.
Nhận xét cái nhìn độc đáo của Nguyễn Tuân trong "Người lái đò Sông Đà"
- Bằng ngòi bút tài hoa, uyên bác, nhà văn nhìn Sông Đà không chỉ là một dòng sông tự nhiên, vô tri vô giác mà còn là một sinh thể có sự sống, có tâm hồn, tình cảm. Với Nguyễn Tuân, sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Vẻ đẹp của Sông Đà hòa quyện vào vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc nên càng trở nên đặc biệt.
Cách miêu tả độc đáo này cho thấy Nguyễn Tuân có sự gắn bó sâu nặng, tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên Tây Bắc, với quê hương đất nước.