Người làm cầu nối cho các yếu nhân
Năm 2021, Trung tâm biên phiên dịch Bộ Ngoại giao sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập, (tiền thân là Phòng phiên dịch của Bộ Ngoại giao). 75 năm qua, các thế hệ cán bộ phiên dịch của Bộ Ngoại giao được ví như những con người đặc biệt với những đóng góp thầm lặng thông qua các cuộc tiếp xúc, các cuộc đàm phán... của các yếu nhân.
Phiên dịch U60 bất đắc dĩ
Bắt đầu làm phiên dịch Bộ Ngoại giao từ năm 1955, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đi dịch cho nhiều lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phan Văn Khải... Ông chia sẻ: “Nghề phiên dịch có lợi thế là được gặp các yếu nhân và học được cách suy nghĩ, tư duy của họ”.
Ông nhớ lại hồi họp thượng đỉnh APEC ở Thượng Hải năm 2001. Khi ấy, ông là Bộ trưởng Bộ Thương mại, gần 60 tuổi. Do lịch công tác dày đặc, ông họp ở châu Âu rồi bay thẳng về Thượng Hải. Lúc đó, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nga Putin bất ngờ gặp nhau bên lề cuộc họp APEC, nên không có phiên dịch của hai đoàn. Ông nói với Thủ tướng Phan Văn Khải cứ nói chuyện với ông Putin, ông sẽ làm phiên dịch. Ông Putin hết sức ngạc nhiên vì sao một quan chức Việt Nam lại có thể nói tốt tiếng Nga như vậy. Ông nói với ông Putin rằng, ông đã từng học tập ở nước Nga và cuộc phiên dịch hôm đó khá suôn sẻ.
Trong suốt cuộc đời làm phiên dịch, ông Vũ Khoan có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Bác Hồ và học được nhiều điều từ Bác. Đó là Bác Hồ rất chịu khó học ngoại ngữ, học mọi lúc, mọi nơi. Một lần, ông dịch cho Bác Hồ trả lời phỏng vấn của phóng viên người Nga. Trong lúc chờ đợi, ông thấy Bác Hồ lấy hộp thuốc lá và lôi trong đó ra một mảnh giấy, rồi Bác ngồi lẩm nhẩm. Hóa ra, mẩu giấy đó Bác ghi các từ tiếng Nga. Ông ngạc nhiên hỏi Bác: “Ô, Bác vẫn học tiếng Nga à?”. Bác Hồ bảo: “Lâu không dùng đến, tôi sợ quên, nên cứ viết vào mỗi mảnh giấy khoảng 10 từ và mang theo người, học những lúc nào rảnh”.
Đó là đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã ngoài 70 tuổi, thế mà Bác vẫn học tiếng nước ngoài theo kiểu tự học như vậy. Ông Vũ Khoan nói: “Cả đời tôi chưa bao giờ thấy ai tự học như Bác. Bác nói với tôi, mỗi ngày bác hút hết 1 bao thuốc, tức là 20 điếu, mở ra 20 lần, mỗi mảnh giấy ghi 10 từ-20 từ tiếng nước ngoài. Bác bảo nếu mỗi ngày học 20 từ , rơi rụng khoảng 10 từ, còn lại được 10 từ”.
Không chỉ giỏi tiếng Nga, ông Vũ Khoan còn chứng kiến Bác Hồ giỏi nhiều thứ tiếng khác. Trong các buổi đón tiếp các đoàn khách quốc tế, khi giới thiệu đoàn nước nào, Bác lại quay sang chào họ bằng bản ngữ. Ông đã từng thấy Bác Hồ nói chuyện trực tiếp với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bằng tiếng Trung khi ông Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam năm 1955.
Không những thế, có những lúc Bác Hồ còn “chỉnh” phiên dịch khi dịch ý của Bác chưa chuẩn. Có một lần, Bác Hồ chiêu đãi đoàn khách ngoại giao, ông trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô chúc Bác sống lâu. Người phiên dịch lại dịch thành “Chúc Chủ tịch bách niên giai lão”. Bác Hồ giật áo người phiên dịch nói nhỏ: “Bác có lấy vợ đâu mà chú dịch lời chúc như thế. Chỉ có người có vợ mới được chúc thế”. Qua đó, ông Vũ Khoan cũng học được bài học cho chính mình: Dịch cho Bác Hồ thì đừng có chơi chữ.
Nghề phiên dịch và “con nuôi của Fidel”
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin bắt đầu công tác phiên dịch khi mới là sinh viên năm thứ nhất khoa Văn học - Nghệ thuật tại Cu Ba năm 1965. Có lẽ, ông là người Việt Nam có may mắn được gần gũi với Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhiều nhất. Chính vì vậy, ông cũng được mọi người gọi vui là “con nuôi của Fidel”.
Trong quá trình đi dịch cho các lãnh đạo Việt Nam với Chủ tịch Fidel, ông Bin ấn tượng với tài lái xe điêu luyện của Fidel. Năm 1967, Chủ tịch Fidel đích thân lái xe Jeep mui trần đưa Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đi thăm một cơ sở chăn nuôi ở Cuba và giới thiệu về công việc chăn nuôi như một chuyên gia. Fidel còn nói với Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị: “Sau này thắng lợi, Việt Nam cần phát triển chăn nuôi bò, nuôi gà vì trứng gà và sữa bò rất bổ cho con người nói chung...”.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1973, Chủ tịch Fidel đã tặng Việt Nam 5 công trình gồm: khách sạn Thắng Lợi, Bệnh viện đa khoa Đồng Hới ở Quảng Bình, trại bò giống Moncada ở Ba Vì, trại gà giống ở Tam Đảo và hỗ trợ ngoại tệ làm đường Xuân Mai, mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975.
Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông Nguyễn Đình Bin là lần dịch khi Chủ tịch Fidel nói câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”. Ông đã vô cùng xúc động và sướng run người khi nghe và dịch cho trưởng đoàn Việt Nam đang ngồi trên lễ đài câu tuyên bố nổi tiếng này của Fidel. Lúc đó, Fidel nói: “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”, trước tiếng vỗ tay và hô vang dậy “Viva Việt Nam”, “Việt Nam nhất định thắng” của nửa triệu nhân dân Cuba tập trung tại quảng trường Cách mạng José Marti sáng 2/1/1966 trong lễ mít tinh chào mừng kỷ niệm Cách mạng Cuba thắng lợi và chào mừng các đoàn đại biểu Á, Phi, Mỹ La tinh đến dự Hội nghị đoàn kết ba châu lần thứ nhất do Cuba tổ chức.
Những ủng hộ quý giá của Iraq cho Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên khi hai lần đi dịch cho bà Nguyễn Thị Bình với lãnh đạo Iraq. Lần đầu tiên ông đi dịch cho bà Bình là năm 1976 khi đất nước vừa thống nhất. Lúc đó Saddam Hussein là Phó Chủ tịch hội đồng cách mạng Iraq. Ông Saddam nói sẽ cho Việt Nam vay 40 vạn tấn dầu không lấy lãi. Bà Nguyễn Thị Bình quay sang hỏi lại ông là ông dịch có đúng không đấy. Saddam hiểu ý và nói luôn: “Đây là món quà của nhân dân Iraq tặng nhân dân Việt Nam nhân dịp chiến thắng Mỹ”.
Năm 2002, trước khi nghỉ hưu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã sang thăm lại Iraq. Trong cuộc gặp với Saddam, bà Bình nói: “Tôi còn 6 tháng nữa là nghỉ hưu, nợ Iraq chưa trả được, tôi thấy không thoải mái trong lòng”. Saddam cười nói: “Bà cứ yên tâm nghỉ đi, không phải suy nghĩ nữa, tôi tặng Việt Nam mà”. Lúc đó, bà Bình lại bảo ông hỏi lại xem có đúng ông Saddam nói thế không. Ông Khai chưa kịp dịch lời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì ông Saddam nói tiếp: “Chiều nay, tôi sẽ cử cấp phó tới dinh thự bà ở để ký thỏa thuận xóa nợ cho Việt Nam”.
Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông Nguyễn Ðình Bin là lần dịch khi Chủ tịch Fidel nói câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”. Ông đã vô cùng xúc động và sướng run người khi nghe và dịch cho trưởng đoàn Việt Nam đang ngồi trên lễ đài câu tuyên bố nổi tiếng này của Fidel.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-lam-cau-noi-cho-cac-yeu-nhan-1650210.tpo