Người làm đối ngoại phải 'giỏi hơn, mạnh hơn'

'Đất nước đã ở thế và lực khác, trong khi thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, người làm đối ngoại cũng phải giỏi hơn, mạnh hơn', Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại hội nghị ngoại giao ngày 22/12.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp ngày 22/12. Ảnh: TTXVN.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp ngày 22/12. Ảnh: TTXVN.

Sáng 22/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể về xây dựng, phát triển ngành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ ngành, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao đã nêu kinh nghiệm một số nước, góp ý để xây dựng và phát triển ngành ngoại giao; kiến nghị về trụ sở, trang thiết bị của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế, tiêu chuẩn chính sách, chế độ đối với cán bộ ngành ngoại giao.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả toàn ngành ngoại giao đạt được trong thời gian qua, như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12: “Các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023.”

Ghi nhận tham luận của một số bộ, ngành, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao, phát triển ngành ngoại giao, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ngành trong chuẩn hóa quy trình đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao trong năm 2024 cần phát huy những kết quả đạt được, để chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. “Đất nước đã ở thế và lực khác, trong khi thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, người làm đối ngoại cũng phải giỏi hơn, mạnh hơn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo Phó Thủ tướng, việc ban hành chiến lược là rất cần thiết và kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc mà ngành ngoại giao đang gặp phải.

Dẫn chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 là “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Phó Thủ tướng phân tích 3 yếu tố "toàn diện, hiện đại, vững mạnh".

Theo Phó Thủ tướng, toàn diện là kiến tạo sức mạnh tổng hợp của cả nước trên mặt trận đối ngoại, thống nhất từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, tất cả cơ quan, ban, ngành cùng tham gia. Hiện đại là phù hợp xu thế, khả năng thích ứng, kể cả với những điều mới như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo. Vững mạnh là người làm ngoại giao phải đủ năng lực, bản lĩnh và giữ vai trò tiên phong trong mặt trận đối ngoại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Ngoại giao phải chủ động phối hợp, đồng hành với các bộ ngành, địa phương, với bạn bè quốc tế để nhận được sự ủng hộ "4 đồng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu: “đồng tình, đồng lòng, đồng sức, đồng minh”.

Theo báo cáo do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trình bày tại Hội nghị, quán triệt đường lối Đại hội XIII của Đảng về việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 (2021) đến nay, trước diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đặt ra cho công tác đối ngoại, công tác xây dựng ngành ngoại giao đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Ngành làm tốt công tác cán bộ với việc chuẩn hóa công tác tuyển dụng theo hướng bài bản, đề cao yếu tố công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh; đề cao tư duy, trình độ ngoại ngữ và khả năng phát triển của ứng viên; liên tục đổi mới, sáng tạo hình thức tuyển dụng để thu hút nhân tài.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tạo dựng hệ sinh thái học tập, cả trực tiếp và trực tuyến, coi trọng đào tạo tại chỗ; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, dân chủ, minh bạch công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ với phương châm bảo đảm đúng người, đúng việc, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-lam-doi-ngoai-phai-gioi-hon-manh-hon-10269686.html