Người lãnh đạo

Tôi không may mắn có những kỷ niệm riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng vợ tôi, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu lại có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Bác.

Tôi chỉ được gặp Bác khi Người cùng Tổng thống Sukarno đến thăm Đại học Tổng hợp Hà Nội tại sân trường ở 19 Lê Thánh Tông. Tôi cũng được đeo băng tang nửa đỏ nửa đen tham dự lễ tang Hồ Chủ tịch tại quảng trường Ba Đình. Vợ tôi là con gái nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1946 đến năm 1975, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên.

Hôm Bác sang Pháp cùng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, tình cờ tại sân bay Gia Lâm, Bác thấy đồng chí Phạm Văn Đồng bế một cháu gái khoảng 4 tuổi. Bác rất vui khi biết đó là bé Hiếu, "con gái của bố Huyên". Bác đã bế bé một lúc trước khi lên máy bay.

Thế nhưng về sau Bác không quên bé gái này. Trong kháng chiến chống Pháp, khi chưa đầy mười tuổi, Hiếu không may ốm liệt giường vì bệnh lao xương. Biết tin, Bác Hồ đã cho người tìm thuốc và cao hổ cốt để giao cho "chú Huyên" đem về chạy chữa cho bé. Mỗi lần họp Hội đồng Chính phủ, Bác lại hỏi thăm Bộ trưởng Huyên: "Cháu Hiếu đã khỏi chưa? Nếu cháu bắt đầu chơi đùa được là không đáng lo đâu".

Năm 1953, bé Hiếu đã hoàn toàn lành bệnh và được cùng một số khá đông thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại nước bạn. Bác rất vui khi được báo tin này. Bác tìm một hộp sữa và một mảnh vải ka-ki màu vàng để "chú Huyên" mang về cho bé Hiếu, dặn: "Chú bảo cô may gấp cho cháu một cái áo bằng mảnh vải này nhé".

Nhiều năm trôi qua, một lần tại Hà Nội, Hiếu được cùng một số cháu ngoan Bác Hồ lên Phủ Chủ tịch và được gặp Bác. Bác Hồ ân cần thăm hỏi từng cháu một. Khi nghe Hiếu mạnh dạn thưa: "Cháu là con bố Huyên", Bác đã ôm lấy đầu em và âu yếm hỏi: "Có phải cháu là Hiếu không?"

Đứa cháu gái bé bỏng và ốm yếu về sau đã là Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Năm 1972, cô bé ngày nào đã tham gia chiến dịch Quảng Trị để trực tiếp cứu chữa thương bệnh binh. Khi xung phong lên đường vào Nam cũng là lúc vợ tôi vừa mang thai đứa con trai đầu tiên. Đứa bé ấy hiện là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo đặc biệt quý trọng người tài. Khi thành lập Chính phủ tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 3.11.1946, Bác đã đề nghị lựa chọn khá nhiều trí thức không phải là đảng viên. Tiêu chí là "gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia... đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc", theo Hồ Chí Minh toàn tập (1995).

Ðó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên - bố vợ tôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Ðăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Ðình Hòe, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Chu Bá Phượng, Bộ trưởng không bộ Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật.

Năm 1947, Chính phủ được cải tổ với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Ðảng khác như: Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Bác Hồ mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi đó trong Chính phủ có tới mười vị là người ngoài Ðảng nhưng đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trách của mình.

Sau ngày hòa bình lập lại, ngày 20.9.1955, Chính phủ được bổ sung và thay đổi nhân sự, đến lúc này vẫn còn tám vị bộ trưởng là người ngoài Ðảng. Có những vị đã hoàn thành một cách xuất sắc cương vị công tác của mình trong mấy chục năm liền như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Ðăng Khoa. Cụ Phan Kế Toại về sau được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bố vợ tôi, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã hoạt động suốt ba thập niên để xây dựng ngành giáo dục. Khi nghe tin thân mẫu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là mẹ vợ cụ Phan Kế Toại qua đời, Bác đã viết thư chia buồn: "Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ/ Ông Nguyễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tôi rất buồn được tin Bá Mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với Cụ và Ông cùng quý quyến, Hồ Chí Minh". Những chuyện ấm lòng như vậy, kể sao cho xiết.

Những ngày này, nước ta đang chuẩn bị nhân sự tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và tháng Năm cũng kỷ niệm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ về những phẩm cách của người lãnh đạo. Tôi vẫn tin rằng ở mọi thời, mọi quốc gia, mọi dân tộc, chữ Tâm chữ Đức là cao hơn cả. Dù làm chức gì đi nữa, nếu trái tim vị ấy thiếu hơi ấm và sự quan tâm đến con người, mọi thứ khác đều không nhiều ý nghĩa.

Tháng 12.1945, Chủ tịch yêu cầu: "Quốc hội tự chọn lấy người hiền năng đảm nhiệm Chính phủ mới". Bây giờ dân số nước ta đã tăng lên gấp hơn 4,3 lần, người tài đức đâu có thiếu, vậy mà nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng "dùng người không biết nhạc làm nhạc trưởng". Theo Bác, "cái tâm của người lãnh đạo quyết định việc biết trọng dụng hay không trọng dụng nhân tài".

Cái tâm của con người chịu sự kiểm soát của một linh thức mang màu sắc phương Đông, đó là tư duy: "ở hiền gặp lành", "ác giả, ác báo", "gieo gió, gặt bão", "đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Đây chính là niềm tin nhân - quả trong Phật giáo. Con người còn có thể gieo nhân gặt quả ngay trong cùng một kiếp. Quyền hành, lợi lộc, của cải, tiền bạc, danh vị, chức tước chẳng qua cũng chỉ là những phù du của kiếp người. Những kẻ tham quan hãy ngẫm xem, về lâu dài đã mấy kẻ có cuộc sống thanh bình, con cái thành đạt, gia đình hạnh phúc?

Có nhiều vị tuy có chức quyền hiện vẫn còn sống buông thả, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, vi phạm pháp luật. Họ không biết sợ vì có một đời sống tâm linh quá nghèo nàn. Tuy nhiên, sớm hay muộn cũng phải trả giá, như Bác đã tổng kết: "Có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình. Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố. Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang". Sẽ đau khổ biết bao nếu như khi về hưu mà không còn ai thèm lai vãng, không còn ai buồn chào hỏi và thậm chí sau khi đã trở về với cát bụi rồi mà vẫn còn có những người phải giữ mãi oán hận.

Mong sao với tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, mỗi lãnh đạo và cả chúng ta tôn trọng lòng tin của chính mình, của mọi người, biết sợ hãi khi làm điều xấu. Mỗi người, từ trên xuống dưới, sống tốt lên thì cả xã hội mới tốt lên được.

NGUYỄN LÂN DŨNG
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/nguoi-lanh-dao-136754