Người lao động cần được nghỉ ngơi

Làm việc nhiều khiến thời gian để công nhân chăm sóc gia đình ngày càng ít đi

Tan ca, chị Trần Thị Kim Đậm - công nhân (CN) một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công giày da tại quận Bình Tân, TP HCM - tất tả chạy đến điểm giữ trẻ gần công ty để rước con gái nhỏ. Vừa trông thấy mẹ, bé rơm rớm nước mắt, cô bảo mẫu phải dỗ dành mới chịu về. "Hôm nay không phải tăng ca nên em có thể về sớm rước cháu. Hôm nào công ty tăng ca là báo trước để cô ở lại trông cháu thêm giờ, tốn thêm một khoản tiền nhưng đành phải chịu" - chị Đậm than thở.

Không có thời gian chăm sóc gia đình

Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống CN của Viện CN và Công đoàn (CĐ) - Tổng LĐLĐ Việt Nam và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động (NLĐ), từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. 82% NLĐ tham gia khảo sát đồng tình với phương án giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần còn 44 giờ/tuần.

Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn NLĐ không đủ bù đắp các khoản chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động. Khi chúng tôi hỏi về đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần còn 44 giờ/tuần của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều nữ CN đang làm việc tại các KCX-KCN TP cũng tán thành. Theo họ, việc giảm giờ làm sẽ giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động và chăm sóc gia đình. Chị Nguyễn Thị Kiều Linh, CN Công ty TNHH Palace (KCX Tân Thuận, TP HCM), cho biết chị có 2 con nhỏ. Ngày thứ bảy, trường học không mở cửa nên các con được nghỉ học trong khi vợ chồng chị vẫn phải đi làm. Để có thể đến công ty làm việc vào cuối tuần, chị phải chi thêm một khoản không nhỏ từ thu nhập để gửi con.

Công nhân cần thêm thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công nhân cần thêm thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để có thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, rất nhiều CN ngoại tỉnh mải miết đi làm, tăng ca, con cái phải gửi về cho ông bà ở quê. Những đứa bé con CN lớn lên thiếu cha mẹ sẽ thiệt thòi hoặc gặp nhiều rủi ro, bị tai nạn hoặc bị xâm hại. "Nhiều CN mang con lên ở cùng nhà trọ nhưng thiếu thời gian chăm sóc, con cái cũng gặp nhiều bất trắc. Làm việc nhiều khiến thời gian để CN chăm sóc gia đình ngày càng ít đi. Việc giảm giờ làm cho CN nên được luật hóa để NLĐ có cơ hội chăm sóc gia đình" - bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), nêu quan điểm.

Ông Lê Đình Chi - Chủ tịch CĐ Công ty CP Dược phẩm An Thiên, quận 8, TP HCM - cũng cho rằng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì quyền của NLĐ phải ngày càng được bảo đảm. "Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cần phải dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và chăm sóc sức khỏe bản thân. Thế nhưng, hiện nay, trong các nhà máy và ở nhiều ngành nghề dịch vụ, NLĐ đang làm việc với cường độ cao, thời gian làm việc và tăng ca kéo dài, họ không còn thời gian để chăm lo cho gia đình và nghỉ ngơi. Đề xuất giảm giờ làm lúc này là hợp lý" - ông Chi góp ý.

Ai muốn sử dụng lao động lớn tuổi?

Liên quan đến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, tại các hội thảo góp ý Bộ Luật Lao động (sửa đổi), không chỉ chủ sử dụng lao động, cán bộ CĐ mà CN cũng không đồng tình.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, giám đốc một DN chuyên sản xuất đồ hộp ở KCN Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM), bày tỏ: "Độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của NLĐ càng giảm, do vậy nhiều chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động lớn tuổi. Ở một số nơi, nhiều DN còn tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với CN ở độ tuổi từ 35-45. Do vậy, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Đối với CN trực tiếp sản xuất, nên giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu hiện hành.

Theo các chuyên gia lao động - tiền lương, xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ. Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng - một giáo viên mầm non về hưu ở quận 3, TP HCM - cho biết: "Giáo viên tuổi cao sẽ thật khó chăm sóc và giáo dục trẻ. Đặc biệt, học sinh mầm non thích học với cô giáo trẻ; dạy trẻ múa, hát, trò chơi vận động và chăm sóc. Do vậy, với giáo viên mầm non thì nên giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành là 55 tuổi" - bà Hoàng nêu.

Trong văn bản góp ý mới nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị cần cân nhắc đến các đối tượng là CN, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

Ths NGUYỄN THỊ HỒNG, Giảng viên Khoa Luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng:

Tăng lương, giảm giờ làm

Việt Nam đang trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới, do vậy tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc cần giảm giờ làm cho NLĐ. Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cần phải phù hợp với xu hướng chung trên thế giới là "tăng lương, giảm giờ làm cho NLĐ" song song với việc tạo điều kiện cho NLĐ có đời sống tinh thần tốt hơn, có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và tái tạo sức lao động. Giảm giờ làm không có nghĩa là năng suất lao động sẽ giảm, không có nghĩa là DN sẽ khó khăn hơn trong sản xuất - kinh doanh. Năng suất lao động không phải chỉ tính trên yếu tố thời giờ làm việc của NLĐ mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như trình độ quản lý, khoa học công nghệ, chất lượng lao động.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-can-duoc-nghi-ngoi-20191008215816083.htm