Người lao động cảnh giác hơn với các chiêu trò lừa đảo qua mạng

Chia sẻ với người lao động tại buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến 'Những điểm mới về chính sách liên quan đến người lao động và cách nhận diện, phòng tránh lừa đảo qua mạng', Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông - Bộ Công an) khẳng định, cơ quan điều tra không bao giờ yêu cầu người dân phải đóng tiền qua mạng.

Trong những năm qua, chính quyền và các doanh nghiệp đã nỗ lực và tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn. Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với an toàn thông tin và an ninh mạng vẫn tồn tại, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động phải thường xuyên cảnh giác.

Chuyển đổi số rầm rộ khiến nhiều hoạt động trực tuyến bùng nổ cùng với sự phổ biến của thanh toán không tiền mặt. Trong khi ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng còn hạn chế. Thiết bị di động là "kho tàng" nơi chứa các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội, là nơi tội phạm mạng đang ẩn nấp trên các nền tảng này, chờ đợi con mồi rơi vào bẫy.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, đa số các vụ lừa đảo trực tuyến thường rất khó tìm ra kẻ chủ mưu cầm đầu các đường dây lừa đảo, do nhiều nguyên nhân như: Đối tượng gây án không nằm trong lãnh thổ Việt Nam; tài khoản người bị lừa thường là tài khoản ảo.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cũng nêu một số trường hợp cụ thể như hiện nay có một bộ phận học sinh, sinh viên đã dùng căn cước công dân của mình để lập tài khoản ngân hàng và bán lại cho một số đối tượng lừa đảo. Ví dụ một căn cước công dân có thể tạo được 5 - 6 tài khoản ngân hàng khác nhau. Đến khi cơ quan chức năng lần theo tài khoản, tìm được chủ tài khoản thì mới biết đó là học sinh, sinh viên, những người hoàn toàn không biết tài khoản của mình đã được sử dụng để lừa đảo.

Các đối tượng có rất nhiều hình thức lừa đảo. Nổi bật là các hình thức lừa đảo cuộc gọi video deepfake, deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo cơ quan Công an, Viện kiểm sát, tòa án; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo có người gửi bưu kiện, trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến...

CNVCLĐ quan tâm đến các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

CNVCLĐ quan tâm đến các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Ngoài ra còn là các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; tải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo “bẩn” trên facebook... Các thủ đoạn này chủ yếu nhằm vào sự hám lợi và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân.

“Người dân cần chú ý, cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu người dân làm việc qua điện thoại. Cơ quan điều tra không bao giờ yêu cầu người dân phải đóng tiền qua mạng. Khi làm việc với người dân, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời để công dân đến làm việc tại trụ sở của cơ quan Công an hoặc cơ quan phường, xã nơi công dân cư trú”, Thượng tá Đào Trung Hiếu đặc biệt nhấn mạnh.

Để phòng tránh bị lừa đảo qua mạng, người dân, công nhân, viên chức, lao động nên cập nhập thông tin về tình hình an ninh trật tự hàng ngày; thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội. Liên hệ với Công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo.

Bên cạnh đó, người dân không nên hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”.

Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội, nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.

Sau khi được cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua mạng, chị Trần Thị Vân Anh, người lao động huyện Phúc Thọ cho biết: “Gần đây tôi đọc thấy nhiều thông tin trên mạng về lừa đảo trực tuyến, đồng thời cũng thấy các thông tin về việc những tổ chức, doanh nghiệp, nhóm kỹ thuật viên phần mềm có thể hỗ trợ người dân lấy lại tiền đã chuyển cho đối tượng lừa đảo. Tôi vẫn đinh ninh rằng, họ có cách giúp người dân lấy lại được tiền. Không ngờ đó lại là một hình thức lừa đảo mới. Nếu không được tư vấn, chắc chắn tôi tin đó là thật”.

Còn anh Lê Nhật Tân, một giáo viên thì chia sẻ: “Có quá nhiều hình thức lừa đảo qua mạng mà hôm nay tôi mới được biết, bởi trước đó tôi không nghĩ đó là lừa đảo. Sau khi nghe tư vấn, chắc chắn tôi sẽ cảnh giác hơn và sẽ truyền đạt lại với vợ, con và người nhà”.

Các chuyên gia cũng cho biết, cán bộ, công nhân, viên chức, giáo viên, người làm văn phòng cũng là những người bị các đối tượng lừa đảo nhắm đến, bởi đây là những người sử dụng mạng xã hội khá thành thạo, dễ dàng để các đối tượng “hướng dẫn” thực hiện các thao tác chuyển tiền.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-lao-dong-canh-giac-hon-voi-cac-chieu-tro-lua-dao-qua-mang-172156.html