Người lao động châu Âu: Tuổi cao, ngại làm

Khắp Liên minh châu Âu (EU) và ở Anh, rất đông đàn ông và phụ nữ vẫn đang làm việc ở độ tuổi ngoài 65, thậm chí 75. Thời kỳ hậu Covid-19, EU và Anh càng đối mặt với áp lực gia tăng về tình trạng thiếu việc làm. Để xử lý vấn đề này, họ phải tăng tuổi nghỉ hưu và thu hút lao động nước ngoài.

Một công nhân lớn tuổi ở Anh

Một công nhân lớn tuổi ở Anh

Thụy Điển có tỷ lệ người trên 75 tuổi vẫn đang làm việc cao nhất EU, bất kể giới tính. Tuổi nghỉ hưu hợp pháp ở nước này từ 62-65 tùy thuộc vào lịch sử việc làm của một người, không cao hơn nhiều so với mức trung bình ở EU. Tuy nhiên, Thụy Điển hiện có tỷ lệ người già từ 75-79 tuổi cao nhất ở EU. Một loạt các lựa chọn chính sách đã đẩy những người lớn tuổi phải tiếp tục làm việc.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat), đa số lao động lớn tuổi của EU là nam giới làm việc trong lĩnh vực giáo dục và phụ nữ làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội.

Gần 30% người cao tuổi vẫn đang làm việc cho biết, họ làm việc để kiếm thêm thu nhập hoặc củng cố lương hưu trong tương lai. Một trong những lựa chọn của những người trên 65 tuổi là tổ chức được giờ làm việc. 59% người lao động trong độ tuổi này làm việc bán thời gian. Tỷ lệ này tăng lên 75% đối với những người trên 75 tuổi vẫn đang làm việc.

Cũng do áp lực thiếu lao động, Thượng viện Pháp hôm 9-3 đã thông qua đề xuất của chính phủ tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, từ 62 lên 64 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các liên đoàn lao động. Tổng thống Emmanuel Macron cương quyết với chính sách này.

Vì theo ông, việc tăng tuổi nghỉ hưu và thắt chặt các yêu cầu đối với lương hưu là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho ngân sách. So với nhiều nước châu Âu khác, Pháp có tuổi nghỉ hưu vẫn thấp (đa số các nước châu Âu có tuổi nghỉ hưu 65 tuổi trở lên).

Mặc dù vậy, vì nhiều lý do, nhất là về sức khỏe hậu Covid-19, không ít người dù trong độ tuổi lao động vẫn từ chối làm việc. Tại Anh, hàng trăm ngàn người lao động lớn tuổi đã rời bỏ công việc trong và sau những gián đoạn xã hội do Covid-19 gây ra.

Ví dụ như gia đình chị Liz, cựu giám đốc tiếp thị công nghệ, 58 tuổi và chồng là Ian Woodbridge, cựu thủ quỹ, 57 tuổi, đã từ chối các đề nghị tư vấn từ công ty cũ. “Không có gì có thể lôi kéo tôi quay trở lại với bất kỳ loại công việc nào”, chị Liz nói. Còn anh Ian cho biết, lạm phát hai con số đã làm tăng chi phí hàng ngày của gia đình, nhưng không đủ để họ thay đổi suy nghĩ.

Đối với các chính phủ ở châu Âu, trong đó có Chính phủ Anh, lực lượng lao động bị thu hẹp là một vấn đề đau đầu làm giảm năng lực kinh tế. Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh, kể từ quý 4-2019, Anh đã mất 408.000 người trong lực lượng lao động, ở độ tuổi từ 16-64.

Trong số đó, 313.000 người trên 50 tuổi. Ngay cả khi chi phí sinh hoạt tăng cao, số người trong độ tuổi 50-64 tham gia trở lại lực lượng lao động chỉ tăng 68.000 tính từ giữa năm 2022 tới nay. So với cuối năm 2019, có thêm 390.000 người trong độ tuổi lao động của Anh cho biết sức khỏe kém kéo dài là lý do khiến họ không hoạt động kinh tế.

Những người từ chối làm việc đã góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động kinh niên mà các nhà dự báo dự đoán sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của Anh trong nhiều năm. Vì vậy, Chính phủ Anh đang xem xét nới lỏng các quy định về thị thực đối với các công việc có tay nghề trung bình trong ngành xây dựng và các lĩnh vực khác.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-lao-dong-chau-au-tuoi-cao-ngai-lam-post681619.html