Người lao động có mấy ngày nghỉ lễ, tết chính thức trong một năm?
Pháp luật Việt nam quy định mỗi năm người lao động sẽ được nghỉ chính thức bao nhiêu ngày lễ, tết? Và người lao động có được hưởng nguyên lương những ngày nghỉ đó không?
Các ngày lễ trong năm là những dịp quan trọng để mỗi người dành sự trân trọng và tận hưởng phút giây đáng nhớ bên người thân yêu.
Với những lễ hội truyền thống của quê hương hay những dịp quốc tế sôi động, những ngày này mang trong mình nét đẹp văn hóa, truyền thống đặc sắc và giá trị đặc biệt.
Nghỉ Tết Dương lịch
Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định dịp Tết Dương lịch, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương 1 ngày vào ngày 1/1 Dương lịch.
Nghỉ Tết Nguyên đán
Điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động nêu rõ, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương dịp Tết Âm lịch trong 5 ngày. Tuy nhiên lịch nghỉ cụ thể của dịp Tết này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Theo điểm e khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động trong 1 ngày là ngày 10 tháng 3 Âm lịch.
Nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Điểm c, d khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận dịp lễ Chiến thắng và ngày Quốc tế lao động, người lao được nghỉ 01 ngày 30/4 Dương lịch và 1 ngày 1/5 Dương lịch.
Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Dịp Quốc khánh, Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong 2 ngày là ngày 2 tháng 9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau ngày 2/9.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cụ thể ngày nghỉ dịp Quốc khánh.
Đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
Như vậy, người lao động Việt Nam có tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, tết trong một năm. Riêng lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ tổng cộng 13 ngày lễ, tết. Tất cả ngày nghỉ lễ, tết, người lao động đều được hưởng nguyên lương.
Lương cho người lao động khi làm thêm vào ngày lễ?
Nếu người lao động không nghỉ ngày lễ, tết mà vẫn đi làm thì được tính là làm thêm giờ theo như quy định tại Điều 55, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định về tiền lương làm thêm giờ:
(1) Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ:
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.