Người lao động đề xuất phương án quy định điều kiện đủ tuổi hưởng lương hưu

Đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý trước khi trình Quốc hội thông qua, nhiều người lao động Thủ đô bày tỏ quan điểm đồng tình với việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 năm xuống còn 15 năm, đồng thời đề xuất phương án quy định điều kiện đủ tuổi hưởng lương hưu.

Là người dành nhiều thời gian để tìm hiểu về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bởi dự thảo Luật này liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động, chị Phạm Thị Bích Hải - Công ty TNHH Toto Việt Nam (thuộc Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với các thay đổi trong dự thảo Luật như: Gia hạn ngày cuối cùng đóng BHXH, tăng thêm thời gian nghỉ hưởng chế độ vợ sinh…

Đặc biệt, đối với nội dung giảm thời gian đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu, chị Hải cho rằng, nội dung sửa đổi này là phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn vẫn được tiếp cận quyền lợi từ BHXH.

Đối với nhiều người lao động ngành Dệt May, khi ngoài 50 tuổi sẽ không có đủ sức khỏe để lao động sản xuất.

Đối với nhiều người lao động ngành Dệt May, khi ngoài 50 tuổi sẽ không có đủ sức khỏe để lao động sản xuất.

Tuy nhiên, theo chị Hải, song song với việc giảm thời gian đóng BHXH bắt buộc để hương lương hưu thì cũng cần điều chỉnh điều kiện đủ tuổi để hưởng lương hưu. Bởi thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cho thấy, người lao động phải làm những công việc nặng nhọc dẫn đến là nếu nam 62 tuổi hoặc nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu thì người lao động không đủ sức khỏe để làm việc.

Mặt khác, hiện có tình trạng doanh nghiệp sa thải hoặc không sử dụng người lao động từ 40 tuổi trở lên. Khi đó, mặc dù người lao động đã đủ thời gian 15 năm đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu nên sẽ không đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí.

Từ thực tế đó, chị Hải đề xuất nên quy định điều kiện đủ tuổi hưởng lương hưu đối với từng công việc, ngành nghề. Cụ thể, đối với nhân viên văn phòng hoặc người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp có thể quy định tuổi nghỉ hưu là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi; đối với người lao động trực tiếp ở các doanh nghiệp thì có thể giảm số tuổi nghỉ hưu để được hưởng chế độ hưu trí.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Hà Thị Phương Anh - Công ty May liên doanh Plummy (đóng trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ, với người lao động ngành Dệt May, đến độ 50 tuổi là mắt mờ, chân tay chậm, không có đủ sức khỏe để lao động sản xuất. Vì vậy, đối với đối tượng đủ điều kiện đủ tuổi hưởng lương hưu nên chia làm 2 nhóm, một là người lao động khối văn phòng có thể quy định tuổi nghỉ hưu là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi; hai là người lao động sản xuất trực tiếp có thể giảm số tuổi nghỉ hưu.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chị Phương Anh cho rằng, khi tham gia BHXH bắt buộc thì cả người sử dụng lao động và người lao động đã phải trích một khoản tiền nhất định để nộp vào quỹ BHXH, đồng nghĩa với việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Khi người lao động nghỉ việc, không thể tham gia đóng BHXH bắt buộc thì nên để quyền quyết định rút BHXH một lần cho người lao động. Vì có thể tại thời điểm đó họ đang khó khăn và rất cần khoản tiền này để trang trải cuộc sống.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), anh Đinh Việt Thanh - Tổng Công ty May 10 cho rằng, cần xem xét bổ sung nâng mức áp dụng đối với người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau khi chăm sóc con ốm đến dưới 10 tuổi thay vì dưới 7 tuổi như hiện nay. Bởi, qua thực tế cho thấy, trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 10 tuổi đang học lớp 1, 2, 3, sức đề kháng yếu, người lao động vẫn phải nghỉ để chăm sóc con nhiều. Do đó, việc bổ sung nâng mức áp dụng độ tuổi của trẻ để giúp đỡ người lao động yên tâm công tác, yên tâm với chính sách an sinh của BHXH. Mặt khác, số năm đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu tăng thêm nên đảm bảo nguyên tắc có đóng - có hưởng.

Về thời gian hưởng chế độ khi khám thai, theo anh Thanh, nên quy định trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần từ 0,5 ngày đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Vì thực tế có nhiều trường hợp thai khỏe, người lao động chỉ cần hoặc có nhu cầu khám thai trong 0,5 ngày, còn 0,5 ngày vẫn có thể tham gia lao động bình thường. Ngoài ra, 0,5 ngày còn có ý nghĩa để người lao động được hay không được đóng BHXH trong tháng. Ví dụ, người lao động nghỉ ốm 13 ngày + khám thai 0,5 ngày = 13,5 ngày thì vẫn được đóng BHXH. Mặt khác, trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này có quy định mức hưởng chế độ ốm đau 0,5 ngày thì cũng nên ghi nhận có nghỉ khám thai 0,5 ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô, người lao động rất quan tâm đến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại các cuộc họp ở cơ quan, đơn vị, các cuộc tiếp xúc cử tri với mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật để để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Khi đó, người lao động sẽ yên tâm tham gia và ở lại lâu dài với hệ thống BHXH.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-lao-dong-de-xuat-phuong-an-quy-dinh-dieu-kien-du-tuoi-huong-luong-huu-161350.html