Người lao động và nỗi uất hận khi không được đóng bảo hiểm xã hội

Trong 6 năm ròng rã, người lao động của một doanh nghiệp dệt may đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là, doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động.

Nỗi uất hận của người lao động không được đóng BHXH

Trong buổi Hội thảo “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”, diễn ra vào chiều 21/7, ThS Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá: Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng dần qua các năm.

Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 34% tổng số chậm đóng, trốn đóng BHXH. Số tiền chậm đóng BHXH khó thu có xu hướng ngày càng tăng, năm 2020 là 2.564 tỷ đồng, chiếm 22% tổng số chậm đóng BHXH, gấp 1,6 lần so với năm 2016 tương ứng tăng 1.000 tỷ, số đơn vị chậm đóng, trốn đóng là 9.263 đơn vị; số lao động bị ảnh hưởng là trên 62.654 lao động.

 Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng dần qua các năm. (Ảnh: ĐT)

Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng dần qua các năm. (Ảnh: ĐT)

ThS Lê Đình Quảng nhận định, việc các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ví dụ như người lao động không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

“Người lao động cũng không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó đáng được hưởng đều bằng không”, ông Quảng nói.

Liên quan tới nỗi khổ của người lao động bị nợ BXH, bà Nguyễn Thị Huyền, quản đốc phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex chia sẻ: Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân.

Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỷ đồng.

Do công ty không đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản, mà ngay cả tử tuất.

Bà Huyền nhớ nhất trường hợp của 2 chị em chị Lê Thị Là. Chị Là 2 lần sinh con nhưng đến thời điểm trước tháng 3/2023, chị chưa được nhận chế độ thai sản. Đáng buồn hơn, chị Ngân (em gái chị Là) không may qua đời năm 2012, tới trước tháng 3/2023 - gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất.

Bà Huyền kể lại: Làm tại nhà máy từ tháng 12/2008 thì đến tháng 9/2012, sức khỏe chị Ngân giảm sút. Lúc này, chị Ngân mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng tuổi. Chị Ngân được sau đó phát hiện mắc bệnh ung thư máu.

“Khi đó, mọi chi phí thuốc men cho Ngân đều do gia đình chi trả, bởi chị không được tham gia BHYT. Sau đúng 1 tuần phát hiện ra bệnh thì chị Ngân mất cùng với đứa con chưa kịp chào đời. Giai đoạn này, hoàn cảnh gia đình chị Ngân hết sức khó khăn…”, bà Huyền nói.

Để có tiền làm tang cho chị Ngân, người thân trong gia đình đến trụ sở của cơ quan BHXH nộp hồ sơ nhằm được hưởng chế độ tử tuất. Tuy nhiên, phía cơ quan BHXH cho biết do Công ty CP Tập đoàn Haprosimex chưa đóng đủ BHXH cho chị Ngân nên không thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục để chi chế độ tử tuất cho gia đình.

“Thấu hiểu hoàn cảnh của Ngân, cùng cảnh công nhân nghèo với nhau, nên anh chị em trong Nhà máy đã cùng nhau ủng hộ 1 ngày lương để hỗ trợ gia đình làm đám tang cho Ngân. Khi mẹ mất, con trai chị Ngân mới 3 tuổi - nay cháu đã 14 tuổi, học lớp 8, nhưng đến trước tháng 3/2023, chế độ tử tuất của Ngân gia đình vẫn chưa được nhận”, bà Huyền chia sẻ.

Bà Huyền bức xúc: Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là, doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động. Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Bà Nguyễn Thị Huyền, quản đốc phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex nói trong Hội thảo. (Ảnh: Việt Vũ)

Bà Nguyễn Thị Huyền, quản đốc phân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex nói trong Hội thảo. (Ảnh: Việt Vũ)

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex, cùng gặp hoàn cảnh như chị Là có hàng chục chị em. Nguyên nhân dẫn tới những nữ công nhân không được hưởng quyền lợi là do công ty nợ BHXH kéo dài.

“Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, người lao động đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo công ty để đòi quyền lợi… nhưng đáp lại người lao động là những lời hứa suông. Người lao động đã làm đơn kêu cứu đến nhiều nơi, nhưng vô vọng”, bà Huyền nói thêm.

Trốn đóng BHXH có thể sẽ bị phạt tù 7 năm

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội ngoài việc đối mặt với xử phạt hành chính, còn đối mặt với án hình sự.

Ông Hạnh phân tích, trong Bộ luật Hình sự các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Mặt khác, công ty sử dụng lao động còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Trong cấu thành cơ bản của tội trốn đóng BHXH, thì “06 tháng trở lên” không đóng BHXH được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.

Ông Hạnh cũng cho biết, trường hợp hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì chủ thể bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với chủ thể vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-lao-dong-va-noi-uat-han-khi-khong-duoc-dong-bao-hiem-xa-hoi-post257243.html