Người lao động Việt Nam có suy nghĩ tích cực về triển vọng doanh nghiệp hơn khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Người lao động Việt Nam có suy nghĩ tích cực về công việc với 54% người được hỏi tin rằng tổ chức nơi họ đang làm việc sẽ tiếp tục hoạt động trong hơn 10 năm nữa, trong khi tỷ lệ khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 51%.

Đây là kết quả khảo sát của PwC vừa được công bố, với sự tham gia của 19.500 người lao động tại Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm 1.000 phản hồi tại Việt Nam.

Thú vị hơn, kết quả này có sự khác biệt theo từng thế hệ. Thế hệ Gen Z vốn tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số nhiều hơn, là thế hệ ít lạc quan nhất với chỉ 47% tin vào khả năng tồn tại của doanh nghiệp nơi họ đang làm việc trong một thập kỷ tới. Trong khi đó, có 56% người lao động thế hệ Millennials có đồng quan điểm, cũng là nhóm có sự lạc quan nhiều nhất về triển vọng phát triển doanh nghiệp. Điều này cho thấy thế hệ nhân viên trẻ nhận ra thấy các nhu cầu cần thay đổi trong doanh nghiệp để thích nghi trong tương lai.

Theo ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, sự thay đổi diễn ra liên tục trong thực tại đầy những biến động ngày nay. Khi nhà lãnh đạo thấu hiểu những làn sóng thay đổi tại nơi làm việc, họ có thể thúc đẩy động lực của nhân viên, khai thác tiềm năng con người và đạt được những mục tiêu lớn hơn.

"Có một tín hiệu đáng mừng là các nhà lãnh đạo và người lao động Việt Nam đã bắt đầu bước vào hành trình chuyển đổi để thích nghi. Dù sự chuyển đổi tại các doanh nghiệp là khác nhau, con người vẫn là cốt lõi của sự thay đổi. Chúng ta cần hợp tác với nhau theo những cách mới để xây dựng lòng tin và mang lại một kết quả bền vững”, ông Hùng Trân chia sẻ.

Các tổ chức chỉ có thể đổi mới thành công nếu nhân viên của họ kết nối chặt chẽ với tổ chức, có động lực làm việc và mong muốn đóng góp. Người lao động tại Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình này hay chưa? Khảo sát của PwC chỉ ra 6 yếu tố giúp củng cố mức độ sẵn sàng đổi mới của người lao động, bao gồm: khả năng hoạt động của doanh nghiệp, cảm nhận của nhân viên, kỹ năng nghề nghiệp, xu hướng công nghệ, môi trường làm việc và hành động vì khí hậu.

Những kết quả này sẽ là những đề xuất hữu ích cho các công ty trong khu vực, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt kỹ năng và nhân tài trong nhiều năm.

Khảo sát của KwC cũng chỉ ra rằng, mức độ hài lòng với công việc của lực lượng lao động không có nhiều thay đổi trong các năm qua. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy mức độ hài lòng trong công việc thấp hơn, với tỷ lệ dao động từ 29 - 45%. Trong khi đó, người lao động ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ thể hiện mức độ hài lòng với công việc cao hơn, từ 70 - 79%.

Tại Việt Nam, 59% người lao động rất hài lòng hoặc tương đối hài lòng với công việc của họ, khá tương tự với dữ liệu trung bình tại Châu Á Thái Bình Dương là 57%.

Khoảng 40% nhân viên bày tỏ nguyện vọng được tăng lương hoặc thăng chức trong 12 tháng tới. Người lao động tại Việt Nam có yêu cầu thăng chức (34%) và thay đổi nơi làm việc (20%) ít hơn một chút so với người lao động tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn chung những con số này đã tăng 7 - 10% so với kết quả khảo sát năm trước, cho thấy mức độ tự tin tăng lên của người lao động đối với yêu cầu lương thưởng hoặc cơ hội nghề nghiệp.

Trong đó, thế hệ trẻ (Gen Z và Millennials), nhân viên cấp cao và những người làm việc trong các doanh nghiệp quy mô lớn có xu hướng yêu cầu tăng lương, tìm kiếm cơ hội thăng tiến hoặc xem xét thay đổi nơi làm việc nhiều hơn do được thúc đẩy bởi việc như tìm kiếm kinh nghiệm, kỹ năng mới hoặc tìm kiếm cơ hội để đóng góp nhiều hơn.

Tuy nhiên, không nhiều nhà quản lý thúc đẩy văn hóa chấp nhận sự thất bại, sáng tạo và thử nghiệm. Theo kết quả khảo sát, chỉ 32% người lao động tại Việt Nam được hỏi đồng ý rằng người quản lý của họ thường thông cảm và không quá gắt gao đối với những sai sót không trọng yếu và 32% cho rằng họ được cấp trên khuyến khích thể hiện quan điểm và tranh luận.

Người lao động tại Việt Nam rất tích cực về những cơ hội và lợi ích mà Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cho sự nghiệp của họ. 60% cho rằng AI sẽ giúp họ gia tăng năng suất/hiệu quả trong công việc (trong khi tỷ lệ khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 41%), và 58% xem đó là cơ hội để học các kỹ năng mới (Châu Á Thái Bình Dương là 34%).

Thủy Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nguoi-lao-dong-viet-nam-co-suy-nghi-tich-cuc-ve-trien-vong-doanh-nghiep-hon-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-post325352.html