Người lính cơ yếu và bức điện lịch sử trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Mạnh Thứ, sinh năm 1950 ở thôn Duyệt Lễ, xã Minh Tân (Phù Cừ) là người lính cơ yếu đã giải mã hàng nghìn bức điện mật, góp phần làm nên thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sáu “chữ vàng” khắc cốt ghi tâm

Chúng tôi vinh dự gặp CCB Nguyễn Mạnh Thứ vào một chiều tháng 4, khi cả nước đang hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Dưới tán cây nhãn cổ thụ xanh mướt trước sân nhà, người lính già kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày không thể nào quên.

 CCB Nguyễn Mạnh Thứ xem lại những kỷ vật, khen thưởng trong quá trình công tác

CCB Nguyễn Mạnh Thứ xem lại những kỷ vật, khen thưởng trong quá trình công tác

Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Thứ xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng tham gia huấn luyện tân binh và nghiệp vụ tại Sư đoàn 308 ở tỉnh Vĩnh Phúc, ông được bổ sung về Trung đội Trinh sát, Sư đoàn 325, đóng quân tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng, tổ gồm 3 người hoạt động sâu trong lòng địch, nắm bắt tình hình của địch. Ông Thứ cho biết: Cứ đêm xuống, chúng tôi cải trang, bí mật vào cứ điểm để quan sát, nhớ chính xác từng vị trí của địch, tổng hợp tình hình rồi báo về chỉ huy. Nhiều lần gặp tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, anh em phải mưu trí tìm cách thoát vòng vây kẻ thù để đưa tin tức về đơn vị.

Tháng 12/1969, ông Thứ bất ngờ được cấp trên tuyển chọn để đào tạo về công tác cơ yếu tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 12/1970, ông được điều vào Binh đoàn 559, Sư đoàn 470 đóng quân ở biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Năm 1973, Sư đoàn của ông được điều động về tỉnh Đắk Lắk.

Ông Thứ cho biết: Tôi và đồng đội có nhiệm vụ giải mã, mã hóa và truyền đưa những bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên gửi vào chiến trường miền Nam. Xác định mỗi bức điện mật mang một sứ mệnh thiêng liêng, góp phần quyết định sự sống còn của đồng đội và dân tộc. Vì vậy, dù phải đối mặt với thiếu thốn về trang thiết bị, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và phải thường xuyên di chuyển để tránh bị lộ…, chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bảo đảm thông tin được truyền đi kịp thời, chính xác tuyệt đối. Và với phương châm “sống để bụng, chết mang theo” là 6 chữ vàng mà tôi cùng các đồng đội luôn tâm niệm, nhắc nhở bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Những bức điện lịch sử trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ cơ yếu ở Trường Sơn, ông Thứ đã giải mã rồi mã hóa gửi đi hàng nghìn bức điện mật quan trọng, góp phần truyền đạt nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị kịp thời. Trong đó, đáng nhớ nhất là bức điện đặc biệt vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975. Đó là bức điện khẩn, ký tên “Ba” (Tổng Bí thư Lê Duẩn) và “Văn” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). “Bức điện ấy thể hiện quyết tâm sắt đá của Đảng và Nhà nước, phải đánh nhanh, thắng nhanh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi là người được cấp trên tin tưởng giao giải mã nội dung bức điện, sau đó báo cáo cấp trên. Đó là một khoảnh khắc không thể nào quên”- ông Thứ xúc động bày tỏ.

Bức điện không chỉ là một mệnh lệnh mà còn là tiếng gọi thiêng liêng, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chỉ huy và chiến sĩ trên chiến trường. Với tinh thần ấy, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam quyết tâm cao độ, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, thúc đẩy tốc độ hành quân, vừa mở đường, vừa tiến đánh quân địch. Sức mạnh toàn dân tộc dồn vào trận quyết chiến cuối cùng tại Sài Gòn, đem đến chiến thắng vang dội, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh đến toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

Với những cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, CCB Nguyễn Mạnh Thứ được trao tặng nhiều huân chương cao quý như: 2 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, 1 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huân hương Kháng chiến… cùng nhiều khen thưởng khác.

 CCB Nguyễn Mạnh Thứ tích cực phát triển kinh tế gia đình

CCB Nguyễn Mạnh Thứ tích cực phát triển kinh tế gia đình

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Thứ tiếp tục gắn bó với công tác cơ yếu cho đến năm 1983 thì nghỉ chế độ. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khi trở về quê hương, ông luôn gương mẫu, tích cực tham gia công tác và các phong trào tại địa phương, hăng hái phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng người lính già 56 năm tuổi Đảng vẫn luôn nhắc nhở con, cháu nhớ ơn những anh hùng hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Dương Miền - Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nguoi-linh-co-yeu-va-buc-dien-lich-su-trong-cuoc-tong-tan-cong-va-noi-day-mua-xuan-nam-1975-3180499.html