Người lính Công an lưu giữ hồn xưa Tây Nguyên
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 40 năm trước, khi ông Đặng Minh Tâm - một sĩ quan của Bộ Công an được điều động biệt phái lên Tây Nguyên tham gia bảo vệ an ninh buôn làng, 'ba cùng' với đồng bào.
Ngoài nhiệm vụ được giao, ông còn làm một việc mà nhiều người cho rằng “không bình thường”. Đó là niềm đam mê sưu tầm những hiện vật của đồng bào Tây Nguyên. Lúc nào, ông cũng băn khoăn, không biết đến một ngày nào đó trong tương lai sẽ không còn được bảo tồn, gìn giữ.
Ông dành thời gian học tiếng nói của đồng bào, hỏi han các Già làng Trưởng bản, những trí thức của buôn làng, các vị linh mục, giáo dân; những người am hiểu các hiện vật; ghi chép cẩn thận đến từng chi tiết. Sự chịu khó, chịu thương ấy đã làm giàu lên trong ông một gia tài báu vật Tây Nguyên mà không phải ai cũng có được.
Có những khi, ông phải nằm ngủ ngoài nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên, vừa lạnh, vừa run, vừa sợ. Đêm Tây Nguyên lạnh buốt, có khi gió giật từng cơn. Sợ lạnh một phần, nhưng bóng đêm làm cho người ta cảm giác ớn lạnh. Những năm tháng ấy, kẻ xấu ở Tây Nguyên gây bao tang tóc cho buôn làng. Lực lượng Công an cũng trở thành mục tiêu của chúng. Ngủ ở trong buôn làng, không biết có an toàn không, tuy ông rất giỏi về công tác “dân vận”, nhưng vẫn lo lắng. Có nhiều đêm truy kích địch, nằm bên những ngôi mộ, thậm chí những nấm mộ vừa mới chôn; mùi phân hủy của tử thi. Nhưng ông vẫn tự an ủi mình: Địch không dám đi qua các nhà mồ vì chúng sợ thần linh, chúng sẽ không dám xâm phạm, thì chắc chắn nơi đây là nơi “trú ẩn” an toàn nhất.
Cũng từ những lần như thế, bỗng dưng ông muốn đi sâu tìm hiểu các nhà mồ ở Tây Nguyên, các tượng gỗ được dựng lên quanh các ngôi mộ ở nhà mồ và ý nghĩa của nó như thế nào. Ông biết thêm, mỗi dân tộc ở Tây Nguyên, mỗi dân tộc có nhà mồ kiểu của dân tộc mình. Có ngôi mộ chỉ có vài tượng nhà mồ; có ngôi mộ rất nhiều tượng nhà mồ cao thấp khác nhau; có ngôi mộ cũng có nhiều tượng nhưng bằng nhau… Chính nhờ vậy mà ông có rất nhiều thông tin, kiến thức về Tây Nguyên trong bộ sưu tập của mình.
Tôi đã có nhiều chuyến đi điền dã cùng ông, càng hiểu hơn sức làm việc của ông. Nhất là khi khai thác thông tin, ông ghi chép, ghi âm cẩn thận. Ông đối chiếu, kiểm chứng để có những thông tin thật chính xác. Là người cẩn trọng, xã giao rộng, chỉn chu trong quan hệ và cũng được nhiều duyên may trong quá trình đi thu thập, sưu tầm tư liệu. Già làng, Trưởng bản, Linh mục, giáo dân, bà con đồng bào… đều dành cho ông sự tin cậy đặc biệt. Ông có nguyên một bộ ghế làm bằng xương voi do một người vốn là quan chức của một tỉnh ở Tây Nguyên trước đây trao tặng cho ông. Ông hiểu rất rõ ràng việc chăm sóc nuôi voi, bắt voi con, cách tính số lượng voi như thế nào.
Không chỉ dừng lại việc sưu tầm tượng nhà mồ, ông nghĩ đến các loại tượng sinh hoạt của đồng bào. Tượng gỗ của các dân tộc Tây Nguyên được nghệ nhân tạc trên chính một thân cây, một khúc gỗ.
Các hình ảnh, con vật, sừng trâu, chim, cá, voi, hoa văn… đều được tái hiện trên đó. Tượng gỗ Tây Nguyên không có chuyện đấu thêm một thân gỗ khác đi kèm. Ông Đặng Minh Tâm lý giải: Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là việc hình thành nên một tượng gỗ thường được chế tác trên một thân cây nguyên khối và được thể hiện rất rõ tượng này chồng lên tượng kia. Nói về vòng đời của con người, thì ngay từ dưới lên là tượng chàng trai cô gái yêu nhau, phụ nữ có bầu, sinh con, đội lên đầu, cho đến khi con trưởng thành. Kể về chu kỳ gieo lúa, gặt lúa, thu hoạch được mô tả chi tiết từ khi cắt cỏ, phát rẫy, chọc lỗ tra hạt, gặt lúa, gùi lúa và tổ chức lễ mừng lúa mới… đều được chế tác thành tượng và xuyên suốt từ dưới lên trên trong một thân cây và không được chắp nối, lắp ghép.
Khi đề cập đến tượng gỗ của người Ba Na, ông Đặng Minh Tâm cho rằng: Tượng gỗ của người Ba Na rất đơn giản, chỉ cần thể hiện những đường nét cơ bản nhất như mặt người được vạt phẳng, sống mũi nhô cao, mắt và miệng được nhấn sâu vào trong, lỗ tai luôn có hình dạng chữ C. Tượng gỗ của người Gia Rai thì trên khuôn mặt đã có khấc ở trán và mắt để tạo điểm nhấn cho chân mày. Trong khi đó, tượng gỗ các dân tộc Nam Tây Nguyên như K’Ho, Mạ, STiêng… các chi tiết được mô tả thực hơn. Tượng gỗ Tây Nguyên là vậy.
Ông còn đào sâu nghiên cứu các loại nhà sàn, các đồ dùng phục vụ sản xuất, trồng trỉa, chăn nuôi, bắt cá; đồ dùng sinh hoạt gia đình của các dân tộc Tây Nguyên một cách tỉ mỉ, hiếm thấy ở những nhà nghiên cứu khác.
Riêng nhà sàn, tại khu triển lãm Thiên đường Tây Nguyên, ông Đặng Minh Tâm đề xuất phục dựng 5 ngôi nhà truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên được làm bằng gỗ, tre, nứa, lá, như nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Xê Đăng, nhà sinh hoạt của người K’Ho, nhà rông và nhà sàn của người Ba Na. Những ngôi nhà này được phục dựng như nguyên mẫu vốn có của nó, do chính những nghệ nhân của các dân tộc này thực hiện.
Ông chú ý đến công cụ sử dụng của những chiếc gùi; các loại hoa văn được đan xen trên đó. Ông nghĩ đến các loại xà gạc khác nhau. Chiếc xà gạc nào đóng vai trò Tù trưởng, Già làng, Trưởng bản. Vai trò, chức năng của dụng cụ ấy là gì. Xà gạc nào để dùng đi săn thú, đi phát cây rừng… đều được ông lưu ý cụ thể.
Khách tham quan hết sức thú vị khi được ông giải thích cặn kẽ những cây nêu của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hóa ra, không phải cứ có cây tre dựng lên, cây gỗ vươn lên trời cao trong các mùa hội là cây nêu. Cây nêu rất có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Tây Nguyên; cũng như người Việt trước đây sử dụng cây nêu trong ngày Tết đến, xuân về.
Khu trưng bày hiện vật của ông được bày biện rất khoa học. Ông chia hiện vật thành nhiều nhóm, bao gồm nhạc cụ, văn hóa tâm linh tín ngưỡng; các nghi thức lễ hội, dụng cụ dùng để săn bắn, trang phục thổ cẩm truyền thống, công cụ sản xuất, công cụ phục vụ sinh hoạt gia đình… giúp cho khách tham quan dễ hiểu, dễ nhớ. Khách tham quan rất thú vị khi thấy nhiều nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn đá, các loại đàn Goong, K’ní, Klông Put, Pưng pêt, các mặt trống được làm từ da của nhiều thú rừng như voi, trâu, nai, trăn… được trưng bày ở đây.
Một điều ít ai biết rằng, ông là một nghệ sĩ thực thụ, khi ngày đêm một mình lặng lẽ âm thầm sáng tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Mỗi bức tượng là mỗi linh hồn được ông tái tạo với tư duy của người nghệ sĩ. Những tác phẩm bằng gỗ của ông không chỉ là tượng, mà ông đã thổi vào đó những nghĩ suy về đời sống của con người, thân phận của con người và mang nhiều ý nghĩa hiện thực đậm nét nhất.
Ông Đặng Minh Tâm là người luôn cầu thị và biết lắng nghe. Những điều chưa hiểu rõ ràng, cặn kẽ là ông tìm thầy lĩnh giáo. Các nhà nghiên cứu, giáo sư nhạc sĩ như Giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê, ông Tô Ngọc Thanh… đều từng đến nhà ông tham quan, xem xét, đánh giá và ghi nhận những đóng góp của ông trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Một không gian được mệnh danh là “Thiên đường Tây Nguyên” do nghệ nhân, nghệ sĩ Đặng Minh Tâm sưu tầm và trưng bày bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) là một điểm đến thú vị thu hút khách tham quan không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp… đến từ trong nước và nước ngoài. Nhiều tiến sĩ, nhà nghiên cứu về dân tộc học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trong cả nước có dịp ghé qua tìm hiểu, lắng nghe và đặt ra nhiều câu hỏi cho ông Đặng Minh Tâm giải thích, trình bày… Khách tham quan rất hài lòng về những điều ông tâm sự, thổ lộ. Đó là thành công bước đầu của một người nghiên cứu về dân tộc ở tỉnh lẻ, bao giờ ông cũng “thòng” một câu dễ thương “có gì không phải, xin được chỉ giáo”. Và “phần trình bày của tôi đến đây là… hết”.
Càng đi, càng ngắm, càng hiểu hơn những gì mà ông Đặng Minh Tâm - một sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam đã dành tâm huyết cả cuộc đời của mình để mang đến cho công chúng được “mắt thấy, tai nghe” về những báu vật Tây Nguyên; để góp phần lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng, phong phú của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-linh-cong-an-luu-giu-hon-xua-tay-nguyen-i684593/