Người lính làm nên huyền thoại
Trần Ngọc Trác là cây viết tâm huyết với đề tài truyền thống cách mạng. Gặp ông cách nay vài chục năm, tôi vẫn nhớ dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm và ánh nhìn thân thiện của nhà văn.
1. Lúc ấy Trần Ngọc Trác là cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lâm Đồng. Đã đọc Trần Ngọc Trác, nhưng khi ông làm phim "Người lính làm nên huyền thoại" về Đại tá Lê Kích, chúng tôi mới gắn bó, thân thiết.
Mới đây, Trần Ngọc Trác gửi tặng tôi tập sách mới - tập bút ký "Người nặng tình với đất nước Triệu Voi" (NXB Hội Nhà văn- 2023) viết về Đại tá Lê Kích. Cuốn sách mỏng, nhưng thông tin và nghĩa tình dầy nặng. Tôi càng trân quý tấm lòng và nhiệt huyết của người cầm viết luôn tâm nguyện tôn vinh, lan tỏa những con người, những cuộc đời và những điều không thể mất.
Cách đây hơn hai chục năm, tôi có may mắn "mục sở thị" cuộc gặp giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Lê Kích do Trần Ngọc Trác thu xếp. Trong cuộc gặp thân tình, ấm áp ấy vào năm 2001 tại nhà khách T78 (TPHCM), chúng tôi được chứng kiến tình cảm giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người cán bộ mà Đại tướng luôn tin tưởng, từng trực tiếp giao nhiệm vụ nhiều lần.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ôm Đại tá Lê Kích như người thân lâu ngày mới gặp. "Tôi nhớ mãi 3 lần giao nhiệm vụ cho Lê Kích. Lần thứ nhất trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Tiểu đoàn 436 do Lê Kích làm tiểu đoàn trưởng là đơn vị thọc sâu chiến lược của Bộ, mở ra hướng quan trọng trong chiến cục Đông Xuân, góp phần thiết thực vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần thứ 2, tháng 12-1960, khi Lê Kích đang làm Tư lệnh Pháo binh Quân khu Tây Bắc, chỉ trong vài giờ tôi gọi Lê Kích về Hà Nội và ngay lập tức ra lệnh cho anh bay sang giúp bạn Lào tiến công thần tốc đập tan căn cứ quân sự Cánh Đồng Chum, giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng và khai thông đường số 7.
Lần thứ 3, tháng 4-1961, Lê Kích đang làm Trưởng đoàn cố vấn quân sự Quân khu Hạ Lào, tôi giao nhiệm vụ cho Lê Kích làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường 9, khai thông đường Tây Trường Sơn. Sau này, Lê Kích làm Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Tư lệnh Sư đoàn 325C ở Quảng Trị mùa hè năm 1972..., tôi luôn theo dõi quá trình chỉ huy của đồng chí.
Do đó, tôi cho rằng Lê Kích là con người kiên cường, có quyết tâm lớn, không lùi bước trước khó khăn; là quân nhân luôn tìm mọi cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, kể cả trong những lúc khó khăn nhất".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn sâu vào mắt người lính già, giọng Đại tướng hào sảng: "Dân tộc ta đã làm được những việc mà có lúc chúng ta tưởng không làm được. Coi như là huyền thoại. Lê Kích là một trong những người con của dân tộc Việt Nam làm nên huyền thoại ấy".
Với hơn 100 trang sách nhỏ, "Người nặng tình với đất nước Triệu Voi" của Trần Ngọc Trác không chỉ kể về những tháng năm gian khổ, ác liệt của Đại tá Lê Kích trên đất bạn Lào, mà những gì lấp lánh nhất trong cuộc đời quân ngũ của "người lính làm nên huyền thoại" Lê Kích được tác giả lột tả một cách ấn tượng và sâu sắc.
Sinh ra tại làng An Thạch, xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trước Cách mạng Tháng 8-1945, Lê Kích tham gia đội du kích Ba Tơ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ngày 23-10-1945, chi đội Lê Trung Đình do ông Lê Kích chỉ huy đã cho nổ quả mìn đầu tiên, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nha Trang.
Cứ thế, ông được giao những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, khó khăn nhất trong các chiến dịch lớn của quân đội ta và luôn hoàn thành xuất sắc.
2. Tôi gặp ông Lê Kích lần đầu năm 1980 khi tôi quen cháu gái của ông là vợ tôi bây giờ. Tôi nhớ mãi, hôm ấy ông mặc quân phục màu xám mang quân hàm Thượng tá, mũ vải mền có ngôi sao lấp lánh. Ông bắt tay và nhìn thẳng vào mắt tôi: "Thế nào, đồng chí bộ đội định làm rể nhà này phải không?".
Câu chuyện giữa chúng tôi càng lúc càng sôi nổi. Ông Lê Kích hỏi thăm gia cảnh, công việc của tôi. Cả những ý định sắp tới của tôi khi cuộc chiến ở biên giới Tây Nam chưa chấm dứt.
Một năm sau, đúng như ông đã hứa, ngày cưới của chúng tôi, ông có mặt. Ông vẫn bận bộ quân phục màu xám, đội mũ vải mền có ngôi sao lấp lánh. Thời ấy đám cưới bộ đội hầu hết đều thế. Tôi còn nhớ các thủ trưởng trực tiếp của tôi: Trung tá Minh Khoa, Trung tá Đoàn Thành, Đại úy Mai Bá Thiện… cũng "quân phục chỉnh tề" đón dâu và dự tiệc cưới.
Năm 1988 về báo QĐND, tôi thường xuyên lên Học viện Lục quân, nơi ông Lê Kích - Cậu Tám của chúng tôi đang làm Cục trưởng Cục Huấn luyện - Tác chiến. Cậu cháu người lính gặp nhau chuyện chiến trường, chuyện hậu phương không dứt. Khi ông Tám nghỉ hưu, lần nào lên Đà Lạt, chúng tôi cũng đến thăm ông. Nghỉ hưu, ông ở nhà chăm vợ và con gái - cả hai người đều ốm yếu, có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhìn vị Tư lệnh Sư đoàn từng chỉ huy đánh Nam dẹp Bắc lọm khọm chăm vợ con giữa chiều đông cao nguyên mà tôi không cầm lòng được. Ông đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và làm tất cả những gì có thể làm được cho vợ và con. Có lần, sắp xếp được tôi mời ông theo xe của đơn vị về TPHCM thăm cháu con, hoặc vào kiểm tra sức khỏe tại Quân y viện 175.
Ông thường chọn ngôi nhà nhỏ của chúng tôi cạnh bệnh viện làm nơi lưu trú. Chúng tôi coi ông như người cha thân yêu ruột thịt. Đáp lại, ông cũng tự nhiên như ở nhà mình nên tôi có dịp cùng ông tiếp khách, đó là những người bạn chiến đấu một thời của ông. Câu chuyện của thế hệ cha anh giúp tôi rất nhiều trong công việc.
Những năm cuối đời, ông Lê Kích mắc căn bệnh khó chữa phải vào Quân y viện 175 điều trị dài ngày. Hàng ngày vợ tôi đi chợ, nấu các món ông ưa thích, chăm sóc ông như thân phụ của mình.
Ngày ông về với tổ tiên, chúng tôi "hành quân" cấp tốc lên Đà Lạt để vĩnh biệt ông. Nhìn dòng người như dòng sông cuộn chảy từ khắp nơi đổ về tiễn biệt ông mà lòng trào dâng cảm xúc. Một “người lính làm nên huyền thoại” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp ban tặng, lại là người lính Bộ đội Cụ Hồ bình dị như thế.
Theo thói quen, sau ngày ông đi xa, mỗi lần lên thành phố ngàn hoa, chúng tôi đều ra nghĩa trang thắp hương, trò chuyện cùng ông. Trong tiếng thông reo, gió hú và cái lạnh ngọt ngào, chúng tôi vẫn như thấy ông đang nheo mắt, mỉm cười.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nguoi-linh-lam-nen-huyen-thoai-post107609.html