Người lính trở về và hành trình 'sống' cả phần đồng đội đã hy sinh
Gác lại giấc mơ học hành để ra chiến trường năm 17 tuổi, trở về với cơ thể không còn lành lặn, ông Lưu Văn Ninh (sinh năm 1951), thương binh hạng 2/4 ở phường Long Biên, Hà Nội, vẫn tiếp tục cống hiến trọn đời mình cho cộng đồng, như một cách tri ân đồng đội và giữ gìn 'chất lính' đã ngấm vào máu.
Những ký ức không thể nào quên
Giữa trưa tháng Bảy, thời điểm cả nước hướng về Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7, chúng tôi có dịp gặp ông Lưu Văn Ninh trong căn nhà nhỏ, ấm cúng ở phường Long Biên, Hà Nội. Dáng người ông hơi đậm, cánh tay phải cụt đến khuỷu được che bằng ống tay áo gọn gàng. Ông nhanh nhẹn, ánh mắt sáng, giọng nói trầm tĩnh, ấm áp. Nhưng khi nhắc đến những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường, giọng ông chợt chùng xuống, sâu lắng.
“Cuộc chiến khi đó đang diễn ra khốc liệt, tôi ngồi học mà không yên. Nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định tình nguyện lên đường. Chúng tôi, những người lính trẻ, xác định với nhau một điều: một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”, ông Ninh kể lại.
Năm ấy là năm 1968, khi đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ông đang học lớp 10 tại Hà Nội, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Nhưng lý tưởng bảo vệ Tổ quốc đã lớn hơn mọi dự định cá nhân. Như bao thanh niên đất Hà Thành thời đó, ông không thể đứng ngoài cuộc kháng chiến đang diễn ra trên khắp dải đất hình chữ S.

Mặc dù chỉ còn cánh tay trái nhưng những lúc rảnh rỗi, ông vẫn phụ vợ làm một số việc nhà
Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng với ông Ninh, ký ức về những ngày tháng bom đạn vẫn như mới hôm qua. Kể lại khoảnh khắc sinh tử, ông Ninh không giấu được sự xúc động. Đêm 13/2/1970 là dấu mốc khắc sâu trong ký ức ông. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị trúng đạn, mất máu nhiều và hôn mê ngay giữa chiến trường. Đồng đội nhiều người hy sinh, số còn sống sót cũng mang thương tật nặng nề. Sau cuộc chiến này, ông mất một cánh tay, chân cũng bị thương nghiêm trọng, buộc phải rời mặt trận và chuyển về điều dưỡng tại Sở Thương binh và xã hội Hà Nội.
Người lính năm xưa mang trong mình nhiều vết thương cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng thay vì buông xuôi, ông chọn cách tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến vì cộng đồng, vì thế hệ trẻ và trên hết là vì những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường không bao giờ trở về.
“Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã không còn cơ hội trở về. Một phần máu xương tôi để lại chiến trường, nhưng phần tinh thần thì vẫn sống, vẫn cháy cùng ký ức và trách nhiệm của người lính”, ông Ninh rưng rưng nói.
Từ chiến trường trở về, tiếp tục một hành trình cống hiến
Từ chiến trường trở về trong hình hài không lành lặn, ông được điều dưỡng tại Sở Thương binh và Xã hội Hà Nội rồi bắt đầu hành trình mới, không kém phần gian nan để xây dựng lại cuộc sống từ những gì còn lại.
Những năm 1972-1973, ông tham gia xây dựng Xí nghiệp may thương binh Gia Lâm. Sau đó, ông chuyển ngành về Sở Xây dựng Hà Nội, đảm nhiệm công tác thu mua vật liệu phục vụ hai chủ trương lớn của thành phố thời kỳ ấy: phát triển lương thực và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đây là hai mũi nhọn trong thời kỳ thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương lớn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng bằng mười ngày nay”. Công việc dù vất vả, đi lại nhiều, tiếp xúc với đủ hạng người, nhưng ông luôn giữ vững nguyên tắc của người lính: trung thực, trách nhiệm, không màng danh lợi.

Người lính năm xưa mang trong mình nhiều vết thương cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng thay vì buông xuôi, ông chọn cách tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến vì cộng đồng
Đến năm 1992, ông về nghỉ chế độ tại địa phương. Những tưởng đó sẽ là quãng thời gian nghỉ ngơi sau hàng chục năm công tác và mang trên mình thương tật nặng, nhưng người cựu chiến binh ấy lại tiếp tục dấn thân. Ông bắt đầu từ những việc nhỏ như tổ trưởng dân phố, rồi lần lượt đảm nhiệm các vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên.
“Dân quý thì họ mới tin và giao việc cho mình. Mình sống sao cho xứng đáng với niềm tin ấy. Tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi việc để không phụ lòng bà con”, ông Ninh chia sẻ.
Tinh thần “chất lính”: kỷ luật, tận tụy, hết lòng vì tập thể đã ăn sâu vào ông từ khi còn là người lính trẻ. Cũng bởi “chất lính” ấy, ông không ngừng nghĩ cách làm sao để xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Ông đứng ra thành lập tổ vay vốn giúp các hộ nghèo có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông xây dựng đội văn nghệ cựu chiến binh của tổ dân phố - nơi những người lính già dùng lời ca tiếng hát truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Ông cũng là người tiên phong trong các hoạt động giáo dục truyền thống, kết nối trường học với cựu chiến binh để tổ chức các buổi ngoại khóa, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, kể chuyện lịch sử cho học sinh.
“Người từng đi qua chiến tranh như chúng tôi phải sống gương mẫu. Chỉ có làm gương thì mới truyền được tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Truyền thống không chỉ nằm trong sách vở mà phải được cảm nhận qua từng hành động, từng câu chuyện sống”, ông Ninh nói.
“Hạnh phúc đã mỉm cười với tôi”
Đằng sau một người đàn ông kiên cường là một người phụ nữ thầm lặng. Giữa những tháng ngày gian khó, tình yêu đã tìm đến ông như một phép màu. Bà Hoàng Thị Thơ, người vợ hiện tại, từng là người bạn cùng quê với ông. Sau chiến tranh, họ tình cờ gặp lại trong một dịp ông trở về điều dưỡng và tình yêu nảy nở từ đó. Không ngại ngần trước thân thể đầy thương tích của ông, bà Thơ đã chọn gắn bó cuộc đời mình với người lính ấy, bằng tất cả sự cảm thông và tình yêu chân thành.
“Tôi đến với ông ấy vì tình yêu, vì sự đồng cảm. Ông ấy tốt với vợ con, là người biết sống, biết yêu thương. Việc nặng nhọc tôi làm thay chồng. Những hôm trái gió trở trời, cánh tay cụt đau buốt, tôi lại xoa bóp, chăm sóc từng giấc ngủ cho ông”, bà Thơ chia sẻ, ánh mắt đầy âu yếm.
Tình yêu của họ không chỉ được đong đếm bằng lời nói, mà là bằng cả cuộc đời đồng hành, sẻ chia, đùm bọc. Vợ chồng ông bà sinh được 4 người con, ai cũng học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Với ông Ninh, hạnh phúc không nằm ở nhà cao cửa rộng, mà là sự yên ấm trong từng bữa cơm, tiếng cười con trẻ, và đôi bàn tay nắm chặt nhau suốt bao năm tháng.

Vợ chồng thương binh Lưu Văn Ninh
Hơn 70 tuổi, ông bà vẫn cùng nhau đồng hành trong mọi công việc. Bà Thơ là Chi hội trưởng phụ nữ ở địa phương, góp phần tích cực vào các hoạt động vì phụ nữ và trẻ em. Còn ông Ninh vẫn miệt mài với công tác cựu chiến binh, tổ vay vốn, đội văn nghệ, giáo dục truyền thống.
“Hạnh phúc là những điều bình dị, là cùng nhau sống tốt từng ngày”, ông Ninh nói.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với ông Ninh, ký ức ấy chưa bao giờ ngủ yên. Mỗi dịp 27/7 về, lòng ông lại quặn thắt. Ông day dứt khi nghĩ đến những đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, hài cốt vẫn chưa được tìm thấy, mộ phần ghi “liệt sĩ vô danh”. Ông mong Nhà nước sớm xác minh danh tính các liệt sĩ để họ không còn là “mộ vô danh”. Ông xót xa trước hoàn cảnh của những gia đình có người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, những đứa trẻ không bao giờ lớn, những người cha mẹ 70 - 80 tuổi vẫn phải đút cháo cho con từng ngày.
“Chúng tôi mất một phần thân thể nhưng còn được sống, được trở về. Còn nhiều đồng đội thì chẳng kịp nói lời cuối cùng”, ông Ninh nghẹn ngào.
Mỗi vết sẹo trên thân thể ông là một phần lịch sử sống. Mỗi bước đi chậm rãi nhưng vững vàng là một minh chứng cho nghị lực và lòng kiên định. Dù những vết thương cũ vẫn nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời, dù có lúc mất ngủ triền miên vì đau đớn, ông Ninh chưa từng nghĩ đến việc dừng lại. Bởi với ông, cuộc sống hôm nay là phần tiếp nối của hành trình những người đã ngã xuống còn dang dở.
Cũng bởi thế, cuộc sống mà ông đang sống - cuộc sống giản dị, bình lặng nhưng đầy trách nhiệm và ý nghĩa, chính là bản anh hùng ca không lời. Đó là cách ông tri ân quá khứ, là lời cảm ơn dành cho đồng đội đã hy sinh và là ngọn đèn soi đường cho lớp trẻ hôm nay học tập, noi theo.
Ông nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng: “Thời nào cũng cần bản lĩnh. Thời chúng tôi chiến đấu bằng súng đạn, thì các bạn trẻ hôm nay cần chiến đấu bằng tri thức. Phải học tập, rèn luyện và sống có trách nhiệm để đưa đất nước tiến xa hơn, để sánh vai và không thua kém các nước trên thế giới”.