Người lính Việt trên đất Triệu Voi

Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt cương nghị, giọng nói hào sảng, dứt khoát, khó ai tin rằng ông Nguyễn Văn Khuông đã bước sang tuổi 98. Nhắc lại quá khứ mấy chục năm chiến đấu trên mảnh đất Triệu Voi, ánh mắt người lính già vẫn sáng lên vẻ minh mẫn, dứt khoát.

Người lính Việt trên đất Triệu Voi

TRẦN TUẤN

Thứ Sáu, 15-01-2021, 15:43

+ | Print

Ông Khuông thường xuyên theo dõi tin tức về Lào.

Ông Khuông thường xuyên theo dõi tin tức về Lào.

Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt cương nghị, giọng nói hào sảng, dứt khoát, khó ai tin rằng ông Nguyễn Văn Khuông đã bước sang tuổi 98. Nhắc lại quá khứ mấy chục năm chiến đấu trên mảnh đất Triệu Voi, ánh mắt người lính già vẫn sáng lên vẻ minh mẫn, dứt khoát.

“Tôi là con Việt kiều Sầm Nưa”

Ông Khuông mở đầu câu chuyện bằng lời tự giới thiệu: “Tôi là con Việt kiều ở Sầm Nưa, là lính kiều bào”. Cậu bé Khuông sinh ra ở làng Tướng Loát (xã Yên Trị, huyện Ý Yên, Nam Định) - một làng quê nghèo như rất nhiều ngôi làng Việt Nam của những năm 20 thế kỷ trước. Cuộc sống cơ cực quá, năm tám tuổi, ông theo bố sang Sầm Nưa kiếm sống. “Tôi học hết tiểu học Lào thì Sầm Nưa không có trường nữa, muốn học tiếp phải sang Vientiane mà nhà tôi không có tiền”, ông Khuông nhớ lại. May sao có lớp học của những người Việt cùng phiêu dạt nơi đất khách, nhờ thế mà ông Khuông được học cả tiếng Việt, tiếng Pháp. “Lúc đó có ông Tào Hanh, ông Nguyễn Hữu Hanh mở lớp dạy, lớp có năm con em Việt kiều, học tới hết năm 1939”, ông Khuông lý giải cho việc sau này ông lại có đủ vốn tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Pháp để làm liên lạc viên ở đây.

Những ngày đó Việt kiều ở Sầm Nưa chỉ có khoảng hơn 200 hộ dân với 400 nhân khẩu, hầu hết làm lao động giản đơn. Cuộc sống dù tha hương cũng chỉ vừa đủ ăn, lại chịu ách thống trị của thực dân Pháp. Nhân dân các bộ tộc Lào, cũng như bà con Việt kiều sinh sống, làm ăn ở Sầm Nưa mất quyền tự do, cuộc sống vô cùng cực khổ, khó khăn. Năm 1944, ông Nguyễn Hữu Hanh và ông Bùi Ngọc Tuệ làm y sĩ đứng ra vận động bà con Việt kiều Sầm Nưa thành lập Hội ái hữu. Bố ông Khuông được cử làm Phó hội trưởng, anh trai ông cũng trở thành Thư ký hội. Vậy là chàng trai 22 tuổi Nguyễn Văn Khuông cũng không ngần ngừ giác ngộ, trở thành một thành viên tích cực của những người yêu nước Việt kiều.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Công sứ Pháp có ý đồ phá hủy nhà máy thủy điện, nhà thương, trường học và một số trụ sở ở Sầm Nưa để gây khó dễ cho quân Nhật lên tiếp quản. Nhận thấy đây là một việc hệ trọng, hội đã chủ động phối hợp với bạn Lào tập hợp, vận động, giác ngộ những thanh niên ưu tú là Việt kiều; thanh niên có mẹ là người Việt, bố là người Hoa; thanh niên Lào có tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp thành lập đội tự vệ của tỉnh để phụ trách công tác bảo vệ và xây dựng đường dây liên lạc với bộ đội Việt Minh. Sau khi thành lập, đội tự vệ được trang bị súng ống đạn dược, trong đó có ba khẩu sten, ba khẩu tiểu liên tuyn là quý nhất. Ông Khuông được giao phụ trách một đội gồm 12 thành viên, sau phát triển thành 25 người. Đó cũng là những người cách mạng Việt Nam đầu tiên trên đất Sầm Nưa.

Ký ức không bao giờ quên của ông Khuông là lần đầu tiên trở thành liên lạc viên mang tin tức từ Sầm Nưa sang Mộc Châu (Sơn La). Khi ấy, ông giáo Nguyễn Hưu Hanh và y sĩ Bùi Ngọc Tuệ giao nhiệm vụ cho ông Khuông và một người đồng đội, bí mật cầm một bức thư sang đưa cho các đồng chí cấp cao của bộ đội Việt Minh đang đóng quân ở Mộc Châu. Ông Khuông kể: “Lúc đầu chúng tôi lo lắm, đường thì xa mà bản thân lại rất sợ không biết đi thì sống chết thế nào, vì cách mạng nên chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hai chúng tôi đi xe đạp từ Sầm Nưa sang Mộc Châu cũng phải gần 300 km, đường toàn đèo dốc cao, rất khó đi, có những đoạn phải băng rừng lội suối. Trước khi xuất phát, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ những đồ sơ cua phòng trường hợp hỏng xe giữa đường, đèn pin, thuốc men và nhất là cơm nếp phòng khi đói”. Điều khiến ông không quên hơn cả là lần đầu tiên ông gặp bộ đội Việt Minh trên đất Việt. Và cũng vào thời điểm đó, ông nhận được tin rằng ở Việt Nam, Bác Hồ đã tuyên bố độc lập và khởi nghĩa thành công.

 Gặp lại đồng đội xưa.

Gặp lại đồng đội xưa.

Dựa vào dân

Với lợi thế được học chữ Lào từ nhỏ, thông thạo địa hình, ông Nguyễn Văn Khuông là một trong số 25 thành viên ưu tú được hội tin tưởng, giao nhiệm vụ theo dõi sát sao tình hình trong nước, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh cho bà con Việt kiều, xây dựng cơ sở, làm đường dây liên lạc.

Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp quay trở lại chiếm đóng Sầm Nưa. Ngày 17-10-1945, Pháp ép buộc chính quyền tỉnh huy động khoảng 200 cu li (người lao động khổ sai) và 200 con ngựa cho chúng. Trước tình hình đó, Hội ái hữu Việt kiều đã vẽ lại bản đồ của Sầm Nưa và giao nhiệm vụ cho ông Khuông cầm tấm bản đồ giao cho Việt Minh để giúp bộ đội thuận lợi tiến vào giải phóng Sầm Nưa. Ông Khuông nói “Chúng tôi rất bỡ ngỡ, bởi bấy giờ không biết làm cách nào, chỉ có dựa vào dân để làm đường dây liên lạc. Đến tháng 2-1947, chúng tôi đón được một đơn vị đầu tiên có đầy đủ vũ trang vào chiếm vùng tây bắc của Sầm Nưa. Sau đó chúng tôi đón đơn vị thứ 2 là C160, tiền thân của Trung đoàn 52 và một đơn vị nữa là Liên quân Lào - Việt, hai đơn vị này lên chiếm đóng ở Siềng Khọ”.

Năm 1947, Trung đoàn Tây Tiến được thành lập, ông và 24 thanh niên Việt kiều ở Sầm Nưa gia nhập vào ba đơn vị của Trung đoàn, mỗi đơn vị khoảng 40 - 50 người. Trên tinh thần không ngại gian khổ, hy sinh, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cách mạng cần, họ hiểu chỉ có vận động được nhân dân Lào đứng lên kháng chiến mới đánh thắng được thực dân Pháp xâm lược. Họ chia nhau bám dân để xây dựng cơ sở, hình thành các tổ chức quần chúng, tổ chức dân quân du kích, tiến lên xây dựng chính quyền. Từng bước phát triển cơ sở từ hẹp đến rộng, từ yếu đến mạnh, hình thành các khu du kích. Cùng ăn ở, cùng lao động sản xuất, cùng nhân dân Lào đánh giặc, chống càn quét, bảo vệ cơ sở, bản làng. Công tác vận động, tuyên truyền cho bà con đã khó, nhưng công tác vận động kẻ thù thì lại khó khăn gấp bội, nguy hiểm nhất là bị quân địch phát hiện hoặc đối phó với phản động. Ông Khuông nhớ lại những năm tháng làm công tác vận động ở Sầm Nưa: “Ở Mường Son có tên cầm đầu theo phỉ là Sa Đin. Phỉ hoạt động rất ác liệt, không phải ai cũng vận động được. Sau phải bí mật, kích động trong nội bộ để chúng tự tiêu diệt lẫn nhau”.

Hỏi ông Khuông làm sao để có thể hoàn thành nhiệm vụ liên lạc thời đó, ông bảo: “Khó khăn lắm, vạn cái khó khăn, lúc bấy giờ chỉ nhờ vào dân, lương thực phải nhờ vào dân hết, may là đường dây của tôi có sáu - bảy anh em Lào”. Dân nuôi bộ đội, dân báo tin cho bộ đội, mà sợi chỉ nối họ chỉ là lòng tin giản đơn thời chiến. Thời ấy chẳng có phương tiện hiện đại, cứ đi đến đâu đội ông xây dựng cơ sở tới đấy. Vậy mà ở đâu cũng có người sẵn sàng giúp nhiệt tình, chẳng cần bất cứ mệnh lệnh, chỉ thị nào. “Chiến thắng Mường Láp là do dân tin mới thành đó. Bộ đội ta đánh Pháp giỏi nên dân tin, đi đến đâu người dân cũng ủng hộ”, ông Khuông nheo mắt.

Năm 1967, ông Nguyễn Văn Khuông về công tác tại Ban Công tác miền Tây ở Sơn La. Năm 1968, thực hiện văn bản ký kết giữa hai tỉnh Hủa Phăn và Sơn La, ông lại được cử sang Lào, phối hợp cùng bạn vận động, tổ chức đưa 35 học sinh Lào còn rất nhỏ của hai huyện Mường Son và Xiềng Khọ sang học tập tại Sơn La. Hiện nay, lớp thế hệ đó đều đã trưởng thành và đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước Lào.

Trong thời gian hoạt động cách mạng trên đất Lào, ông Khuông đã trải qua nhiều vị trí khác nhau, lúc làm chiến sĩ trực tiếp cầm súng, sát cánh cùng bạn chiến đấu, khi làm cán bộ hậu cần, lúc được điều sang làm phái viên liên quân Việt - Lào, tham gia Đội vũ trang tuyên truyền Lào Bắc do đồng chí Kayson Phomvihan làm Đội trưởng, lúc làm phiên dịch trong các buổi làm việc của lãnh đạo hai tỉnh Hủa Phăn và Sơn La. Đối với ông, tất cả điều đó xuất phát từ lòng yêu nước và đó là định mệnh, cuộc đời ông đã cống hiến trọn vẹn cho cách mạng và tình hữu nghị chung Việt Nam - Lào.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/nguoi-linh-viet-tren-dat-trieu-voi-631880/