Người lớn phải nêu gương

Vấn đề bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh suốt nhiều năm nay dường như vẫn luôn là câu chuyện 'nóng hổi', được dư luận quan tâm. Tại Hà Nội, vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều hằng ngày, người đi đường thường không khó để bắt gặp những hình ảnh phụ huynh đang chở con nhỏ đằng sau nhưng vẫn 'vô tư' vi phạm luật giao thông.

Các ngành chức năng của Hà Nội ấn nút phát động Cuộc thi trắc nghiệm ''Vì an toàn giao thông trên Internet'' năm 2020. Ảnh: Đinh Luyện

Các ngành chức năng của Hà Nội ấn nút phát động Cuộc thi trắc nghiệm ''Vì an toàn giao thông trên Internet'' năm 2020. Ảnh: Đinh Luyện

Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… nếu chỉ là những lỗi hiếm gặp, phụ huynh có thể ngụy biện rằng do vội vàng không để ý, hay lâu ngày quên luật. Thế nhưng những lỗi cha mẹ rất thường xuyên mắc phải trước mặt con như kể trên thường mang tính chất “cố tình” mới vi phạm được. Theo quy định của pháp luật, những hành vi như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm đã được pháp luật quy định cụ thể.

Chẳng hạn, theo Khoản 3, Điều 6, Nghị định 46 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người tham gia giao thông điều khiển các phương tiện như mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) và cả người ngồi sau sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu như không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách.

Việc xử phạt này còn áp dụng với một số trường hợp, trong đó có trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Cụ thể, tại Khoản 3 quy định rõ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm hoặc đội sai quy cách khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy cùng cha mẹ. Còn nếu cha mẹ cũng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, sẽ bị phạt thêm 2 lỗi là không đội mũ bảo hiểm và chở người không đội mũ bảo hiểm theo quy định như kể trên.

Lại nữa, một tình trạng khác cũng nhức nhối không kém là ngay tại các cổng trường học cũng thường diễn ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông. Nguyên nhân xuất phát từ việc phụ huynh đến đón con đã dừng, đỗ phương tiện lộn xộn, lấn chiếm lòng đường. Đáng nói, ở những ví dụ viện dẫn trên đều có bóng dáng của các bậc phụ huynh.

Nhìn nhận thực tế, suốt những năm qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Điều này thể hiện rõ qua việc các cấp, ngành cùng tham gia bảo đảm trật tự trước cổng trường học; ngoài các buổi học ngoại khóa, an toàn giao thông được đưa vào giảng dạy chính khóa cho học sinh các cấp.

Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ; duy trì việc thông báo định kỳ danh sách các trường hợp vi phạm đến nhà trường để cùng phối hợp quản lý, giáo dục, nhiều cuộc thi, hội thi về an toàn giao thông được diễn ra, thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân… sự vào cuộc trên là đáng quý và rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, như vậy vẫn là không đủ bởi vẫn đang khuyết thiếu sự “góp sức” từ gia đình.

Ở mỗi gia đình, việc giáo dục con cái tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ. Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể đem đến hậu quả đau lòng, không gì bù đắp được. Tai nạn giao thông có thể tránh được nếu người lớn nâng cao ý thức khi tham gia giao thông hoặc thường xuyên, nghiêm khắc giáo dục trẻ chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Để thiết thực hơn và bắt đầu ngay từ những việc làm bé nhỏ, thiết nghĩ mỗi bậc phụ huynh, khi chở con cái trên xe cần chấn chỉnh ngay những lối hành xử cẩu thả của bản thân. Đội mũ bảo hiểm cho mình và cho con trẻ, đi đúng làn đường, phần đường… Mỗi ngày đều như vậy sẽ hình thành nên ý thức tuân thủ luật giao thông. Ý thức chấp hành cũng sẽ dần định hình giống như nết ăn nết ở và với trẻ nhỏ, chỉ cần được uốn nắn, làm gương từ nhỏ, ắt sẽ trở thành nền nếp, thói quen.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-lon-phai-neu-guong-114632.html