Người lưu giữ giọng hát quan họ cổ
Đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Bàn (làng Diềm, xã Hòa Long, Tp. Bắc Ninh) vẫn còn tinh nhanh lắm. Bà là người duy nhất còn giữ điệu quan họ cổ độc nhất vô nhị của làng điệu Hừ La.
15 tuổi thành lập bọn quan họ 8 người
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về làn điệu quan họ cổ, bà Bàn hồ hởi cho biết: Hát quan họ có lề, có lối, có luật nghiêm cân, một canh hát phải hát đủ 5 điệu: La rằng, Kim loan, Gió mát, Cây gạo, Tiên sa rồi mới sang các điệu khác. Do ít được sử dụng và khó hát cho nên nhiều điệu cổ đang dần mai một, rơi vãi. Điệu quan họ khó hát nhất là điệu Hừ La ngày nay không thấy ở đâu hát nữa. Nhưng nói điệu Hừ La đã mất, không còn ai chơi được như nhiều người vẫn nghĩ là sai, bà Bàn khẳng định với chúng tôi như vậy. Dứt lời, bà hát thử cho chúng tôi nghe điệu Hừ La: “Hừ là hừ la a la em hỡi hà, ơi hội hừ… hời la ứ hừ… Mấy khi vui vẻ thế này, vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm, lòng yêu yêu vụng nhớ thầm, yêu ai thì quyết chớ nghe ai gièm…”.
Bà Bàn sinh ra trong một gia đình cả họ nội, ngoại đều chơi quan họ. Bà ngoại của cụ là nghệ nhân quan họ nức tiếng của làng. Ngày còn bé theo bà đi nghe hát, Bàn mê mẩn hết cả người, cứ đứng ngoài học lỏm, thế mà cũng hát được thành bài. Vốn thông minh, trời phú giọng hát, năm 15 tuổi, mặc dù tuổi bé hơn nhiều người nhưng bà đã thành lập được một bọn quan họ gồm 8 người.
Những năm kháng chiến chống Pháp, bà Bàn tham gia đội du kích của xã. Đội có 3 cô gái làm nhiệm vụ đi cắt dây, đào mìn, ban đêm thì đi dân vận trong các nhà dân. Cứ hễ lúc nào rảnh, không làm nhiệm vụ là Bàn và mọi người lại hát quan họ. Chính lòng đam mê quan họ của những người như bà Bàn đã giúp quan họ vẫn được duy trì trong chiến tranh. Đến năm 1990, khi chính quyền tập hợp các bọn trong làng thành một đội quan họ thì bà được bầu làm chủ nhiệm. Từ đó đến nay, bà vẫn làm nhiệm vụ truyền dạy quan họ cổ cho các thế hệ trong làng. Năm nào, bà cũng tham gia các cuộc thi hát quan họ và đạt giải cao.
Khắc khoải “giữ nghề”
Bà Bàn cho biết: Chơi quanhọ đúng lề lối như thời chúng tôi phải hát Hừ La trước, La rằng sau, tiếp đến các giọng khác. Nhưng điệu Hừ La khó quá nên chuyển sang chơi La rằng đầu tiên trong canh hát. Điệu Hừ La sở dĩ khó chơi vì nó lắm lối, nhiều đường, láy lắt liên tục. Thuở con gái, hễ khi các cụ trong làng dạy đến Hừ La, chúng tôi toàn trốn học. Đọc văn bản Hừ La thì dễ, nhiều người thuộc, nhưng giọng nó lại khác với các giọng khác, không khéo thì rất thô, khô không khốc nên khi diễn xướng ít ai thành công.
Tôi hỏi cụ: “Vậy hiện tại còn bao nhiêu người trong làng chơi được Hừ La?”, bà trầm ngâm kể lại: “Thế hệ trước chúng tôi có 3 nghệ nhân chơi được Hừ La nhưng đều đã cao tuổi. Tôi lo sợ một ngày, các cụ ra đi sẽ mang theo điệu hát quý nên đã quyết tâm học cho bằng được. Ngày nào tôi cũng đến hỏi và nghe một người, lúc thì cả ba người hát điệu Hừ La. Tôi chăm chú ghi rõ từng lời, thẩm hết từng đoạn láy lắt mà các cụ dạy”.
Năm ấy, bà bị gãy tay sau một vụ tai nạn, không đi đâu được, nên dành tất cả thời gian, công sức để tập hát điệu Hừ La: “Tôi tập mãi, rồi hát thử cho các cụ nghe, đến bao giờ các cụ bảo được, tôi mới chịu dừng”.
Thế nhưng hát quan họ phải có đôi, trong khi cả làng không ai muốn học giọng Hừ La, vì khó một phần nhưng không nơi đâu người ta chơi nữa. Bà kể, mới năm nào Thúy Cải về học với bà nhưng vẫn chưa đúng với lối chơi của giọng Hừ La mà bà nghe và học từ các cụ. Nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sỹ đã tìm đến bà xin ghi âm giọng Hừ La như nhạc sỹ Đức Miêng; Đoàn nhạc sỹ Tp. Hồ Chí Minh…
Ở cái tuổi thất thập, bà Bàn đang giữ điệu hát cổ “độc nhất” của làng. Bởi vậy, bà vẫn luôn khắc khoải không biết ai sẽ nối tiếp giữ lửa điệu Hừ La nếu một mai cụ phải đi xa...
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-luu-giu-giong-hat-quan-ho-co-64598.html