Người lưu giữ hồn cốt văn hóa Dao giữa đại ngàn
Trên đỉnh núi Biều, nơi mây phủ quanh năm như chốn bồng lai có một bản nhỏ tên Sưng nằm lặng lẽ giữa đại ngàn xanh thẳm của xã Cao Sơn, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi ấy, có một người đã dành cả cuộc đời để chắt chiu từng con chữ, từng làn điệu dân ca, từng nếp sống cổ xưa của dân tộc Dao Tiền – ông Lý Văn Hềnh. Người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên gần gũi, trìu mến:
Trên đỉnh núi Biều, nơi mây phủ quanh năm như chốn bồng lai có một bản nhỏ tên Sưng nằm lặng lẽ giữa đại ngàn xanh thẳm của xã Cao Sơn, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi ấy, có một người đã dành cả cuộc đời để chắt chiu từng con chữ, từng làn điệu dân ca, từng nếp sống cổ xưa của dân tộc Dao Tiền – ông Lý Văn Hềnh. Người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên gần gũi, trìu mến: "Ông Hềnh giữ hồn Dao"

Ông Lý Văn Hềnh (ngồi giữa) dạy chữ viết, tập tục của người Dao cho con, cháu và người dân trong bản.

Ông Lý Văn Hềnh dạy chữ cho học trò Đặng Văn Mai trong không gian đơn sơ bên hiên nhà gỗ.
"Chữ còn, người Dao còn…”
Con đường đưa chúng tôi đến bản Sưng là một hành trình không dễ dàng: gần hai giờ xe máy băng qua những con dốc gập ghềnh, những khúc cua như thử thách lòng người. Khi tới bản nhỏ nằm ở độ cao 600m so với mực nước biển, hiện ra trước mắt là một bức tranh sơn thủy hữu tình, nơi rừng và mây giao hòa, nơi con người vẫn sống chan hòa cùng thiên nhiên – một phần là nhờ những người như ông Hềnh.
Trong căn nhà mộc mạc giữa núi rừng, ông Lý Văn Hềnh (76 tuổi) vẫn miệt mài bên chồng sách cổ, giấy dó và những bút lông nhuốm màu thời gian. "Chữ còn, người Dao còn. Chữ mất, văn hóa mất, dân tộc cũng dần mai một” - ông nói, giọng rắn rỏi như gió núi, mắt sáng lên niềm tin không lay chuyển.
Từ cậu bé lên 8 học chữ, đến thầy giáo của hàng nghìn học trò
Ông Hềnh sinh năm 1949 trong một gia đình người Dao Tiền có truyền thống lưu giữ chữ viết và phong tục cổ truyền. Năm 8 tuổi, ông bắt đầu học chữ Nôm – Dao từ cha. Những đêm đông rét cắt da, bên bếp lửa bập bùng, cậu bé Hềnh ngày ấy đã chăm chú nghe cha giảng giải từng chữ, từng tích xưa, từng bài học đạo lý của người Dao.
Năm 18 tuổi, ông đã thành thạo chữ viết, dân ca, các nghi thức tâm linh và phong tục dân tộc. Với vốn hiểu biết sâu rộng, ông không giữ cho riêng mình mà dành cả đời để truyền dạy. Ông đã tự tay biên soạn những cuốn sách quý như "Thơ cấp sắc” – bài thơ lễ trưởng thành cho nam giới người Dao, hay "Lịch thông thu” – cẩm nang chọn ngày lành tháng tốt theo lịch cổ truyền. Những cuốn sách ấy là kết tinh của bao năm sưu tầm, gìn giữ và tri thức dân gian mà ông ấp ủ.
Từ năm 1997, ông bắt đầu dạy chữ cho con, cháu trong dòng tộc, rồi đến bà con trong xã. "Ban đầu chỉ có vài người, học vào buổi tối sau giờ làm đồng, lên nương; rồi nhiều người tìm đến, người già, người trẻ, ai cũng tha thiết với chữ nghĩa” - ông kể, giọng trầm lắng xen lẫn tự hào.
Đến năm 2008, được sự giúp đỡ của thành viên mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, ông Hềnh đã lập tờ trình đề nghị UBND xã Cao Sơn cho dạy phổ biến chữ Nôm - Dao cho cán bộ và người dân tộc Dao trong vùng để truyền đạt kiến thức của mình về chữ Nôm Dao. Lớp học ông mở có đủ thành phần, từ già đến trẻ. Người là cán bộ xóm, người là nông dân, học sinh nhưng tất cả họ đều có chung một mong muốn hiểu thêm truyền thống và gìn giữ chữ viết dân tộc mình. Kết quả của những tâm huyết của thầy Hềnh, nhiều học trò của ông trong và ngoài tỉnh đã tự đứng lớp và tiếp tục dạy chữ Nôm cho đồng bào Dao…
Từ một lớp học nhỏ, đến nay, ông Lý Văn Hềnh đã mở 13 lớp dạy chữ Nôm - Dao, thu hút gần 1.000 học viên không chỉ ở Hòa Bình mà còn đến từ các tỉnh như Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang. Anh Đặng Văn Mai, học trò của ông từ năm 12 tuổi chia sẻ: "Thầy Hềnh không chỉ dạy chữ, mà còn dạy cách làm người, dạy đạo lý sống tử tế, biết yêu rừng, yêu bản làng.”
Bằng những bài học giản dị, ông gieo vào lòng bao thế hệ người Dao tình yêu với tiếng nói, chữ viết, nếp sống truyền thống. Ông bảo: "Người Dao xưa không bao giờ chặt cây cổ thụ, không bẫy thú rừng bừa bãi, không lấy của rừng làm giàu. Bởi rừng là nơi linh hồn người Dao trú ngụ, là nhà của tổ tiên.”

Ông Hềnh truyền dạy các làn điệu dân ca cho con, cháu và học trò trong không gian bếp lửa ấm cúng của gia đình.

Ông Hềnh còn tham gia truyền dạy dệt, thêu cho thế hệ trẻ.
Người thầy của bản làng và những vinh danh xứng đáng
Dù tuổi đã cao, ông vẫn đều đặn lên đường đến các lớp học cách nhà hàng chục cây số, có khi vượt qua cả đèo núi hiểm trở bằng chiếc xe máy cũ kỹ. Không quản sương giá, không ngại gió ngàn, ông vẫn đi – như một người truyền lửa, như một "bảo tàng sống” của văn hóa Dao.
Ông Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: "Nghệ nhân ưu tú Hềnh đã có đóng góp lớn cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Ông Hềnh không chỉ dạy chữ, mà còn hướng dẫn các lớp hát dân ca, dệt thổ cẩm, thêu trang phục truyền thống. Những lớp học ấy trở thành không gian sống động để văn hóa Dao không chỉ được bảo tồn, mà còn lan tỏa, trở thành tài nguyên quý cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Bước đầu, các giá trị văn hóa đã được lưu giữ, có sức hút để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần đáng kể tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Với những cống hiến của mình, năm 2019, ông Lý Văn Hềnh đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, trình diễn nghệ thuật dân gian. Năm 2022, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 – 2021. Ông còn được khen thưởng về phong trào "Tuổi cao - Gương sáng xuất sắc”, danh hiệu "Học không bao giờ cùng”... Ông Hềnh vinh dự được Tỉnh ủy lựa chọn tham gia Chương trình Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực và Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” năm 2024 và được Chính phủ tặng bằng khen.
Trong nhịp sống hiện đại đang cuốn trôi bao giá trị truyền thống, ông Hềnh như một cánh én chở mùa xuân về với núi rừng. Mỗi bài học ông truyền dạy là một hạt giống văn hóa được gieo trên đất đồi đá sỏi, nhưng nhờ tình yêu và lòng kiên trì vẫn nảy mầm xanh tốt. Ông không chỉ giữ hồn văn hóa Dao, mà còn góp phần giữ cho cả đại ngàn một bản sắc, một linh hồn.