Người lưu giữ hồn quê của vùng đất Nam bộ xưa

Trong gian nhà ba gian xưa tọa lạc tại ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, hơn 3 năm qua, ông Cao Tấn Hiệu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Gạo đã cần mẫn sưu tầm, lưu giữ hàng trăm hiện vật là các nông cụ và đồ gia dụng xưa, trong đó có những hiện vật có tuổi hơn trăm năm.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Trên con đường quê trải nhựa thẳng tắp của xã Bình Ninh, chúng tôi tìm đến nhà ông Hiệu vào một một buổi chiều của những ngày đầu tháng 7. Ông Hiệu dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà của mình. Cứ ngỡ không có gì đặc biệt, nhưng bước vào gian nhà cuối bên trong, mọi người sẽ ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng hàng trăm sản phẩm nông cụ và đồ gia dụng xưa được ông sưu tầm và lưu giữ cẩn thận. Trên mỗi đồ vật, ông Hiệu đều tỉ mỉ ghi rõ tên, thời gian, nơi ông tìm kiếm được...

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp từ nhỏ, chính vì vậy, dù không làm nông nhưng ông Hiệu vẫn còn vẹn nguyên ký ức về các loại nông cụ xưa của người Nam bộ. Ông kể, thuở nhỏ, sau giờ học là ông cùng các bạn trong xóm lại ra đồng đặt lợp, đặt trúm.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Ông vẫn còn nhớ như in những đồ vật được làm bằng tre, nứa trong gian bếp của người Nam bộ xưa. Niềm vui sưu tầm các loại nông cụ, dụng cụ xưa đến từ những cảm xúc thân quen như vậy. Việc sưu tầm những đồ nông cụ truyền thống và gia dụng xưa của ông Hiệu bắt đầu từ năm 2021.

Ông Hiệu chia sẻ: “Các nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân trước đây đang mất dần trong cuộc sống. Đó cũng chính là động lực để tôi sưu tầm hiện vật cổ xưa gắn liền với người dân những năm trước đây, giúp lớp trẻ sau này biết được cha ông mình ngày trước đời sống sinh hoạt như thế nào, đặc biệt hiểu nhiều hơn về sản xuất nông nghiệp truyền thống cũng như tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân. Nhiều người bạn của tôi khi tới thăm nhà, chiêm ngưỡng hiện vật đều rất thích thú với bộ sưu tập này, có người còn đóng góp một vài món hiện vật để giúp kho lưu trữ càng thêm phong phú”.

Theo ông Hiệu, lúc mới ban đầu chỉ có một vài vật dụng đơn giản, thông qua bạn bè, bộ sưu tập ngày càng phong phú. Ngoài nông cụ sản xuất, ông Hiệu còn lưu giữ, sưu tầm được nhiều vật dụng quen thuộc khác, không thể thiếu trong cuộc sống ngày xưa của người dân Nam bộ như: Đèn măng-xông, cái tĩnh đựng rượu (nước), hộp đựng trầu cau, bàn là con gà…

“Có lẽ cái ché đựng nước được xem là món đồ cổ nhất trong bộ sưu tập của tôi có niên đại khoảng trước những năm 1930. Tất cả những vật dụng này dù đơn giản nhưng đều có ý nghĩa quan trọng, giúp người xem thấu hiểu và trân trọng giá trị di sản của người dân Nam bộ để lại. Có nhiều người ngỏ lời mua lại nhưng tôi không bán, để kỷ vật làm kỷ niệm” - ông Hiệu cho biết thêm.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Nguyễn Tấn Tài đánh giá, ý tưởng lưu trữ, trưng bày của ông Hiệu rất đáng trân trọng, góp phần quan trọng bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống hiện nay. Qua đó, xã cũng đã có thông báo, kêu gọi người dân tham gia sưu tầm, đóng góp, hiến tặng thêm nhiều hiện vật để bổ sung, mở rộng điểm lưu trữ của ông Hiệu thêm đa dạng, phong phú.

Em Nguyễn Trọng Nhân, nhà ở Mỹ Tho, trong một lần đến tham quan “bảo tàng” xưa nhà ông Hiệu chia sẻ: “Thế hệ trẻ như tụi em lần đầu tiên được nhìn thấy những kỷ vật xưa có niên đại lâu năm như vậy. Thông qua chuyến tham quan đã giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống của cha ông ta trong quá trình khai hoang mở cõi ở vùng đất phương Nam”.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Bộ sưu tập dụng cụ, nông cụ xưa của nhà ông Cao Tấn Hiệu.

Nói về những dự định trong thời gian tới, ông Hiệu chia sẻ, ông sẽ tiếp tục sưu tầm và bổ sung thêm những món vật dụng xưa cũng như những nông cụ sản xuất nông nghiệp cho bộ sưu tập thêm đầy đủ để tạo một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về đời sống sản xuất nông nghiệp truyền thống của người xưa cho thế hệ sau xem và thấu hiểu. Khi có điều kiện về “tài chính”, ông sẽ xây dựng một ngôi nhà gỗ cạnh ao cá để trưng bày các vật dụng xưa và dụng cụ nhà nông như một “bảo tàng” thu nhỏ để mọi người có dịp đến xem, thưởng lãm.

Hy vọng rằng, với niềm đam mê của mình, trong thời gian tới, ông Hiệu sẽ phát triển hơn nữa “bảo tàng” nông cụ, dụng cụ xưa của mình. Những hiện vật này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu đầy đủ hơn về nông cụ canh tác truyền thống của người dân Nam bộ những ngày đầu khai phá vùng đất phương Nam.

Đ.PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202407/nguoi-luu-giu-hon-que-cua-vung-dat-nam-bo-xua-1015207/