Người lưu giữ làn điệu dân ca dân tộc Tày

BHG - Về thôn Nà Nèn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê), ai cũng biết anh Nguyễn Văn Hương (sinh 1989); anh là một trong số ít người trẻ tuổi có niềm đam mê và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Anh Nguyễn Văn Hương cùng học trò hát Then.

Anh Nguyễn Văn Hương cùng học trò hát Then.

Dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen, trên tay cầm chiếc đàn Tính đi đến các trường học trên địa bàn huyện là hình ảnh quen thuộc với nhiều người dân. Anh Nguyễn Văn Hương chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe các làn điệu dân ca của người Tày, từng ý tứ ăn sâu vào tiềm thức và lớn dần theo năm tháng. Hiện, tôi thường đến các trường học, dạy cho các em và người dân trong thôn các làn điệu dân ca của người Tày”.

Để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, hàng tháng ở các trường học và hàng tuần tại nhà văn hóa thôn, anh Hương lại đứng lớp, tổ chức dạy cho học sinh và người dân trong Câu lạc bộ (CLB) hát Then thôn Bản Lạn. Cứ như vậy, những làn điệu dân ca của người Tày, tiếng đàn Tính và các điệu múa dân gian… được lấy cảm hứng từ đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt và những câu chuyện về các các già làng, trưởng bản lại ngân lên.

Tuy nhiên, để hát được các làn điệu dân ca của người Tày, người hát còn phải rèn các kỹ năng như cách lấy hơi, luyến láy, nhả chữ sao cho tròn vành, rõ tiếng. Mỗi làn điệu lại có cách hát, nhịp, quy tắc khác nên nếu không yêu thì không hát được. Em Nông Thị Ngọc Hương, lớp 10A6, Trường THPT Bắc Mê, tâm sự: Tham gia CLB và được thầy Hương giảng dạy về cách hát, cách múa, em đã có thêm nhiều kiến thức về âm luật của các bài hát, cách sử dụng đàn.

Theo anh Hương, mỗi làn điệu dân ca của người Tày có một chất giọng riêng. Trong những câu hát Then, thì giọng phải trầm, đều, câu hát khi thì rộn ràng, khi trầm lắng. Ở thể loại hát ru, cần phải sử dụng độ luyến láy nhiều hơn, làm thế nào để diễn tả được tình thiêng liêng mẫu tử. Với các điệu múa, phải thể hiện được sự uyển chuyển, nhẹ nhàng, toát lên vẻ thanh thoát của phụ nữ Tày chịu thương, chịu khó. Vì vậy, để truyền dạy đúng cái hồn của bài hát, người dạy phải đặt hết tâm huyết, truyền dạy bằng cả tấm lòng.

Với tinh thần, trách nhiệm của một người truyền dạy tinh hoa văn hóa của dân tộc, anh Nguyễn Văn Hương đã và đang giúp cho giới trẻ hiểu rõ những làn điệu dân ca truyền thống, từ đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc.

Bài, ảnh: NGUYỄN NGÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202103/nguoi-luu-giu-lan-dieu-dan-ca-dan-toc-tay-773414/