Người lưu giữ nét tinh hoa dân tộc Dao

Từ niềm đam mê với văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao, Nghệ nhân Ưu tú Bàn Đức Báo, xóm Chiểm 1, xã Quân Chu (Đại Từ) đã dành cả đời để nuôi dưỡng tình yêu với những câu hát và những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Ông mang tình yêu đó gieo vào lòng mỗi con dân người Dao để cùng nâng niu, gìn giữ cho những nét văn hóa độc đáo đó không bị thời gian làm mai một.

Nghệ nhân Ưu tú Bàn Đức Báo dạy chữ nôm Dao cho người dân xã Quân Chu.

Nghệ nhân Ưu tú Bàn Đức Báo dạy chữ nôm Dao cho người dân xã Quân Chu.

Dành trọn tình yêu cho văn hóa dân tộc Dao

Một chiều cuối năm, chúng tôi tìm về nhà nghệ nhân Bàn Đức Báo. Con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn men theo chân dãy Tam Đảo đưa chúng tôi tới xóm Chiểm 1, nhà nghệ nhân Báo nằm ở giữa xóm. Trong căn nhà mộc mạc, thiết kế theo kiến trúc dân tộc Dao, ông Báo bắt đầu câu chuyện về văn hóa truyền thống đồng bào mình bằng những cuốn sách do ông sưu tầm, cất giữ và sao chép. Đưa tay vuốt lại cuốn sách Thuyết nhân mà ông vừa hoàn thành, ông cho biết: Đây là một trong số những cuốn sách dạy học của người Dao.

Trong hệ thống những cuốn sách dạy học bằng chữ nôm Dao tính theo cấp độ lượng kiến thức tăng dần thì cuốn này đứng thứ tư, sau các cuốn Nhân chi sơ, Ấu học và Sơ khai. Tiếp theo là những cuốn Tích thời hiền văn, Minh tâm... Đây là những cuốn sách cổ được truyền lại từ nhiều đời, tuy đã cũ, giấy chuyển sẫm mầu, nhưng sách còn nguyên vẹn, chưa rách, không mất trang nào, chứng tỏ các cụ trước đây đã giữ gìn cẩn thận. Ngoài những cuốn sách dùng để dạy kiến thức, văn hóa, đạo lý... còn có những cuốn hướng dẫn các thủ tục, cách bày lễ, ghi chép các bài cúng trong các nghi lễ của người Dao.

Sinh ra và lớn lên ở bản Chiểm 1, từ nhỏ, ông Báo đã được bố truyền dạy chữ Dao và làm quen với những nghi lễ của dân tộc, văn hóa truyền thống cứ thế ngấm dần vào ông, trở thành niềm đam mê. Tình yêu với văn hóa đồng bào dân tộc Dao mỗi ngày một lớn, năm 21 tuổi, ông tìm gặp các cụ thông thạo chữ nôm Dao để nhận thầy, được các thầy dạy chữ và các bài thực hành nghi lễ các ngày lễ, Tết. Vừa học, vừa sưu tầm, tìm đọc sách, chẳng mấy, ông đã thông hiểu 10 cuốn sách cổ.

Dành cả đời lăn lộn, tìm kiếm, gìn giữ, sao chép, đến nay, ông Báo đã có cả một kho tàng đồ sộ về văn hóa, phong tục dân tộc Dao. Hiện nay, ông đang cất giữ khoảng 15 cuốn sách cổ, cộng với khoảng 15 cuốn ông sao chép lại rồi đóng quyển để lưu giữ, phòng khi sách hư hỏng thì nội dung vẫn giữ nguyên vẹn cho con cháu đời sau. Ngoài ra, ông còn thông hiểu phong tục, tập quán, và thuộc làu các bài cúng, từ đó đến nay ông là người điều hành thực hiện các nghi lễ của đồng bào. Hiện nay, ông đang nắm giữ kỹ năng thực hành các nghi lễ cúng bái trong các dịp lễ, Tết của người Dao, như: Lễ Thanh minh, cơm mới, cấp sắc, Tết nhảy, lễ tơ hồng, lễ hạ điền, thượng điền, Tết Nguyên Đán...

Trong lòng người dân ở đây, ông là người thông hiểu chữ nghĩa, văn hóa người Dao, hễ nhà nào có việc từ ma chay, cưới hỏi, đến tân gia, cấp sắc... đều mời ông làm lễ theo nghi thức truyền thống dân tộc. Không những thế, ông là người uy tín của bản, thường xuyên dạy bảo con em, khuyên răn người dân sống chân thật, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì người khác, luôn hướng tới chân - thiện - mỹ…

Lan tỏa đam mê văn hóa truyền thống

Lưu giữ cả một kho tàng văn hóa người Dao, ông luôn lo lắng ngày nào đó, khi ông không còn, “kho tàng” này vì không có ai gìn giữ mà dần mất đi, bởi nhiều thanh niên ở xóm không biết nói tiếng Dao, không biết chữ Dao nên không đọc được sách, không biết được những tinh hoa của dân tộc mình, không hiểu ý nghĩa của những lời răn dạy, những nghi lễ truyền thống... Vì thế, phong tục, nghi lễ sẽ dần bị lãng quên. Nghĩ đến đó, ông sục sôi ý định truyền dạy cho mọi người biết chữ Dao, những văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông quyết định mở lớp dạy chữ Dao miễn phí.

Khóa đầu tiên gồm 8 học viên, cả già, cả trẻ. Địa điểm học được tổ chức tại nhà “thầy”, bộ bàn ghế hằng ngày gia đình vẫn ngồi uống trà tiếp khách được trưng dụng cho lớp học. Tùy vào trình độ của từng người, ông dạy những nội dung khác nhau, người chưa biết chữ thì dạy chữ, người biết chữ thì dạy kiến thức, rồi đến các nghi lễ, bài cúng… Ông Báo nói: Công việc của xóm làng nhiều, mà một mình tôi không thể lo hết, vì thế tôi dạy cho mọi người biết chữ Dao để cùng chung tay gánh vác.

Đến nay, ông đã truyền dạy trực tiếp cho hơn 20 người. Bọn trẻ ở Chiểm 1 bây giờ nhiều đứa đã đọc thạo chữ nôm Dao, không ít người được ông hướng dẫn, chỉ bảo đã thành thạo các điệu múa chuông, múa trống, múa kiếm, đã có thể thực hành các nghi lễ của dân tộc. Không những tích cực vận động nhân dân học chữ nôm Dao, học lễ nghĩa truyền thống của người Dao, mặc trang phục của dân tộc, ông Bàn Đức Báo còn đứng ra thành lập Hội Nghệ nhân dân gian xã Quân Chu để người dân thêm yêu, thêm gắn bó, trân quý những văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Từ đó, không ngừng học hỏi, gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong đời sống đồng bào dân tộc Dao.

Ông Đặng Văn Giáp, xóm Cây Hồng, xã Quân Chu - một trong những học viên của ông Báo chia sẻ: Tôi rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng không hiểu rõ lắm, nên ban đầu khi thầy Báo mở lớp, tôi đăng ký học vì tò mò. Rồi, càng học, càng thấy hay, thấy ham, khi nông nhàn, tôi lại cắp sách đến nhà thầy để học, sau gần 1 năm, giờ tôi đã thông thạo chữ Dao, thuộc hết những lễ nghi và hiểu ý nghĩa của những nghi lễ đó.

Ngoài ra, ông Báo còn cung cấp tài liệu, sách và các nghi thức tổ chức các nghi lễ của người Dao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ cấp sắc và nghi lễ Tết nhảy của người Dao. Đến nay, 2 di sản văn hóa này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Dao, đồng thời giúp nâng cao ý thức trong việc bảo tồn phong tục tập quán của người Dao trong cộng đồng dân tộc.

Hải Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/nguoi-luu-giu-net-tinh-hoa-dan-toc-dao-281280-98.html