Người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh khác trong vòng 1 năm

* Vắc xin của Pfizer-BioNTech không ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai

Người từng mắc COVID-19 có nguy cơ cao măc các bệnh khác như tim mạch, thận, phổi, gan và các bệnh tâm thần trong vòng 1 năm đối với những người trên 65 tuổi.

Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí y khoa Anh (BMJ) của Hiệp hội y khoa Anh.

Theo nghiên cứu này, người từng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ cao hơn 50% mắc các bệnh khác đối với người trên 65 tuổi trong vòng 1 năm sau khi mắc bệnh. Lý do là bởi virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cơ thể.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng 32% trong số người lớn tuổi mắc COVID-19 đã mắc ít nhất 1 bệnh khác, buộc họ phải thăm khám bác sĩ trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Tỉ lệ này ở những người không mắc COVID-19 là 21%.

Ngoài ra, nguy cơ bị suy hô hấp trong vòng 1 năm ở những người đã mắc COVID-19 cao hơn 7,6% so với những người không mắc.

Thậm chí, ở những người từng dương tính với virus SARS-CoV-2, nguy cơ bị suy nhược cơ thể cao hơn 5,7%, bị huyết áp cao cao hơn 4,4% và bị vấn đề tâm thần cao hơn 2,5%.

Theo ông Ken Cohen thuộc tổ chức nghiên cứu Optum Labs tại Minnesota, với hơn 357 triệu người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới, số người từng mắc COVID-19 bị mắc các bệnh khác sẽ tiếp tục tăng lên.

Ông nhấn mạnh những phát hiện này cho thấy loạt di chứng mà người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 cấp tính. Bên cạnh đó, việc hiểu được mức độ rủi ro đối với các di chứng lâm sàng quan trọng nhất có thể nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị những người bị di chứng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính.

Nghiên cứu đã không xem xét tác động của việc những người dưới 65 tuổi từng mắc COVID-19.

* Một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel công bố ngày 10/2 cho biết vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech không liên quan đến các biến chứng ở thai phụ như đẻ non, tử vong trẻ sơ sinh hay dị tật bẩm sinh.

Nghiên cứu khai thác cơ sở dữ liệu của tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi lớn nhất tại Israel, đã phân tích dữ liệu của khoảng 17.000 phụ nữ được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech trong thời kỳ mang thai, trong khoảng thời gian từ tháng 3-10/2021 và 7.000 thai phụ không được tiêm.

Kết quả cho thấy các sự cố liên quan đến trẻ sơ sinh như đã nói ở trên đều không có sự khác nhau giữa hai nhóm.

Tỉ lệ tử vong sơ sinh ở cả hai nhóm đều ở mức 0,1%; tỉ lệ đẻ non là 4,2% đối với trẻ có mẹ được tiêm vắc xin và 4,8% đối với trẻ có mẹ chưa tiêm; tỉ lệ dị tật là 1,5% đối với nhóm đã tiêm và 2,1% đối với nhóm chưa tiêm; và tỉ lệ trẻ sơ sinh phải điều trị lần lượt là 5,1% và 5,3%.

Nghiên cứu cũng cho thấy kết quả tương tự đối với nhóm thai phụ được tiêm phòng COVID-19 trong ba tháng đầu mang thai, thời gian vẫn được cho là nhạy cảm nhất đối với thai kỳ.

Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Nhi khoa JAMA. Với vắc xin Pfizer-BioNTech, khi còn trong giai đoạn thử nghiệm, các nhà sản xuất đã không thử nghiệm đối với phụ nữ mang thai.

Mặc dù vậy, sau khi cấp phép cho loại vắc xin này hồi năm ngoái, Bộ Y tế Israel vẫn khuyên dùng đối với các thai phụ. Sau đó, các cơ quan và tổ chức y tế ở nhiều nước khác cũng đưa ra lời khuyên tương tự.

Tại Israel đến nay đã có gần 6,9 triệu người trong tổng số 9,5 triệu dân được tiêm phòng ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, hầu hết là vắc xin Pfizer-BioNTech, trong đó 6,11 triệu người đã được tiêm hai mũi và 4,45 triệu người tiêm ba mũi.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270766/nguoi-mac-covid-19-co-nguy-co-mac-cac-benh-khac-trong-vong-1-nam.html