Người mắc Covid-19 được hưởng quyền lợi gì về BHXH, BHYT?
Hỏi: Tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Thậm chí, đã có ngày số ca nhiễm vượt mốc 9 ngàn.Vậy khi mắc Covid-19, người lao động có được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Trả lời: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Tại Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29-1-2020 của Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra hay còn gọi là bệnh Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Đồng thời, tại Quyết định 447/QĐ-TTg, ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc với tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Với các bệnh truyền nhiễm nhóm A, khoản 2, Điều 48, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nêu rõ: Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Như vậy, người mắc dịch bệnh Covid-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí. Đồng nghĩa với đó, người mắc Covid-19 sẽ không phải chi trả chi phí điều trị đối với bệnh này. Quy định này được áp dụng với mọi người dân Việt Nam, bất kể có tham gia BHYT hay không.
Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19. Nếu bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật BHYT và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trước đó, tại khoản 7, Điều 1, Nghị quyết 16/NQ-CP, ngày 8-2-2021 của Chính phủ cũng nêu rõ: Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:
- Người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT.
- Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Như vậy, nếu phải điều trị các bệnh khác (không phải Covid-19), người lao động sẽ được thanh toán theo mức BHYT trên thẻ đối với trường hợp có thẻ BHYT; hoặc tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị đối với trường hợp không có thẻ BHYT.