Người mang bệnh mạn tính căng thẳng khi nhiễm loại virus quen thuộc

Người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, béo phì, đột quỵ, ung thư dễ trở nặng và nguy kịch hơn khi mắc Covid-19.

Cuối tháng 4, ông B.V.B (77 tuổi) bị mệt mỏi với mức độ ngày càng tăng nên đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) khám bệnh. Vừa đến cửa Khoa Cấp cứu, ông đã ngất xỉu vì kiệt sức.

Kết quả test nhanh cho thấy ông B. bị Covid-19. Do tuổi cao và có bệnh nền, thuộc đối tượng nguy cơ cao nên ông được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm điều trị nội trú. Sau vài ngày, thể trạng ông B. hồi phục, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính nhưng ông không chịu xuất viện.

“Tôi bị tiểu đường lâu năm, huyết áp không ổn định nên sợ sẽ chuyển nặng đột ngột. Mặc dù tiêm 4 mũi vắc xin Covid-19 rồi nhưng tôi vẫn hơi căng thẳng nên xin bác sĩ cho ở lại vài ngày”, ông B. nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Quang, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cùng thời điểm điều trị cho ông B., khoa có một ca Covid-19 nặng bị viêm phổi, lớn tuổi và cũng có bệnh mạn tính. Đây là bệnh cảnh chung của hầu hết ca Covid-19 nặng.

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại TP.HCM hồi tháng 4. Ảnh: GL.

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại TP.HCM hồi tháng 4. Ảnh: GL.

Hồi tháng 4 vừa qua, phân tích của Sở Y tế TP.HCM trên 180 bệnh nhân Covid-19 nhập viện cho thấy 86% có bệnh nền. Bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất phân tích, người lớn tuổi có nhiều bệnh nền khi mắc Covid-19 sẽ bị suy giảm miễn dịch, virus phát triển nhanh hơn và bùng lên các đợt cấp của bệnh mạn tính.

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, số ca mắc trung bình mỗi tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng).

Tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam. Những trường hợp này đều có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước.

Tài liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy Covid-19 làm bật mối liên hệ giữa bệnh không lây và bệnh truyền nhiễm. Những người mắc bệnh không lây nhiễm có nguy cơ bệnh nặng hơn do Covid-19.

Khu vực tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn tuổi tại một cơ sở y tế ở TP.HCM. Ảnh: GL.

Khu vực tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn tuổi tại một cơ sở y tế ở TP.HCM. Ảnh: GL.

Ví dụ, người bị bệnh béo phì hoặc đái tháo đường có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì Covid-19 cao hơn; người mắc bệnh động mạch vành và phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gặp hậu quả nghiêm trọng cao hơn; hút thuốc làm tăng nguy cơ tử vong do Covid-19...

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu của đại dịch, 75% quốc gia báo cáo sự gián đoạn đối với các dịch vụ bệnh không lây nhiễm thiết yếu như: vật lý trị liệu, chương trình quản lý tăng huyết áp, quản lý đái tháo đường, dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, điều trị ung thư, cấp cứu tim mạch.

Cũng trong đại dịch, các biện pháp y tế công cộng như phong tỏa dẫn đến người dân ít hoạt động thể chất hơn. Tình trạng bất ổn kinh tế khiến nhiều người không đảm bảo được một chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng và vận động ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng của người mắc bệnh mạn tính không lây.

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch Covid-19 thuộc nhóm A

Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 thuộc nhóm A và bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch Covid-19 do Ban Chỉ đạo quốc gia và Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trước đó, vào ngày 3/6, tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B.

Linh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/benh-man-tinh-va-noi-cang-thang-khi-nhiem-covid-19-2195689.html