Người mang mùa xuân về với bản làng

Việc già làng, trưởng bản, cán bộ người dân tộc thiểu số gương mẫu đi đầu xây dựng bản làng trở thành 'điểm sáng' văn hóa cộng đồng dân cư trong cả nước những năm gần đây đã không còn hiếm. Tuy nhiên, tấm lòng và những việc làm mà anh Hồ Ê Nót, trú ở thôn Vùng Kho là đại biểu HĐND xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị làm vì quyền lợi của người dân thật hiếm có. Với đồng bào Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn, Hồ Ê Nót chính là mùa xuân trong lòng họ - Mùa xuân của cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Anh Hồ Ê Nót (thứ 3 phải sang) tham gia họp cán bộ, người có uy tín thôn Vùng Kho triển khai nhiệm vụ - Ảnh: M.H

Anh Hồ Ê Nót (thứ 3 phải sang) tham gia họp cán bộ, người có uy tín thôn Vùng Kho triển khai nhiệm vụ - Ảnh: M.H

Xấu hổ với quá khứ

“Tấm lòng của Hồ Ê Nót với bà con tốt lắm. Nót của bây giờ có một mái ấm hạnh phúc với người vợ tảo tần, 4 đứa con thì 2 đứa đã yên bề gia thất, 1 đứa đang học đại học, đứa út năm nay lớp 10, chăm ngoan, học giỏi. Nót giờ đây còn đi tìm việc cho mấy đứa “trẻ trâu” ở thôn. Nhưng ít ai biết rằng, từng một thời Nót lang bạt kỳ hồ, là đứa con hư hỏng của gia đình, bà con và chính quyền địa phương...”

Từ lời giới thiệu và gợi mở đầy hấp dẫn ấy của Trung tá Nguyễn Văn Chánh, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đakrông, tôi liền tạm gác lại công việc, vượt quãng đường hàng trăm ki lô mét lên với đại ngàn Trường Sơn tìm gặp anh Hồ Ê Nót.

Bộ mặt nông thôn mới vùng cao Quảng Trị nay được khoác áo mới. Những nương ngô, ruộng lúa, những cánh rừng keo tràm xanh một dải. Những ngôi nhà sàn quần tụ bên nhau, nép mình bình yên bên Quốc lộ 9 huyền thoại. Vết tích những năm tháng chiến tranh, những ngày tháng đói khổ nay được thay bằng màu xanh của sự ấm no, đủ đầy.

Gặp các chị, các mệ đang gùi ngô, sắn dọc đường, chúng tôi dừng xe hỏi thăm nhà Hồ Ê Nót thì ai cũng tủm tỉm cười nói: “Nót từng làm trưởng thôn, chi hội trưởng “phụ trách” chị em chúng tôi, giờ là “ông hội đồng” hả chú? “Cái bụng” Nót tốt lắm. Đấy, nhà nó ở ngay khúc cua kia kìa”.

Ngôi nhà sàn của anh Nót nằm vững chãi cạnh sông Đakrông. Khi tôi đến, anh vừa đi họp HĐND xã về. Ấn tượng đầu tiên với tôi về “ông hội đồng” sinh năm 1974 là người đàn ông có dáng người nhỏ thó nhưng ánh mắt cương nghị, tác phong nhanh nhẹn.

- “HĐND xã vừa họp bàn về dự án khai thác mỏ đá. Phấn khởi lắm! Dự án sẽ tạo sinh kế, việc làm cho người dân. Mời các anh lên nhà uống nước”, anh Nót xởi lởi.

Bên ấm trà nóng nơi hiên nhà sàn, cuộc đời thăng trầm với quá khứ bất hảo của anh Nót được tái hiện qua lời kể của cha anh - ông Hồ Chốp và vợ anh - chị Hồ Vân và của chính anh. Vợ chồng ông Chốp sinh được 6 người con, Hồ Ê Nót là con cả.

Thay vì là niềm tự hào của gia đình thì mới chỉ 16 tuổi, Nót đã là kẻ “chọc trời, khuấy nước”. Mặc dù thời bấy giờ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm nhưng Nót vẫn được cha mẹ cho đến trường trong ánh mắt thèm muốn của đám trẻ trong bản. Nhưng do bản tính phá phách, đến lớp 6 thì Nót bỏ học “đi bụi”. Những tệ nạn xã hội dần len lỏi, thẩm thấu lên vùng cao đã biến Nót dần trở thành một kẻ lì lợm, nghiện rượu, thuốc lá, cờ bạc, trộm cắp, đâm thuê chém mướn...

Ông Chốp nhắc đến đây, anh Nót hướng mắt ra xa trầm ngâm: “Lúc đó phần “con” trong tôi lấn át hết phần “người”. Một tuần kiểu gì cũng bị gọi lên cơ quan công an vài lần, rồi đi cải tạo, lao động công ích nhưng vẫn chứng nào tật nấy”.

Bỗng một ngày cả thôn Cu Pua (trước đây là hai thôn Cu Pua và thôn Vùng Kho, nay sáp nhập thành thôn Vùng Kho) xôn xao thông tin “Hồ Ê Nót cưới vợ” mà cô dâu là cô gái Hồ Vân hiền dịu nhất thôn. Ai cũng mừng cho Nót nhưng cũng không ít lời gièm pha. “Tưởng đâu lấy vợ rồi thì nó sẽ tỉnh ngộ, nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ”, ông Chốp nói.

Chăm chú nghe cha “kể tội” mình, anh Nót ngượng ngùng chia sẻ: “Mặc dù miềng như vậy nhưng vợ vẫn thương. Chính những lần tỉnh dậy sau cơn say, nhìn vợ bầm dập, con cái khiếp đảm, nheo nhóc đã thức tỉnh “phần người” trong miềng. Miềng quyết tâm thay đổi”.

Chi hội trưởng phụ nữ kiêm cán bộ “4 trong 1”

Bước vào gian chính nhà sàn, ngay cạnh cửa chính, đập vào mắt tôi là một tủ thuốc chữa bệnh gắn chữ “miễn phí”, bên trong đầy đủ thuốc cảm, kháng sinh, đến bông, băng, gạc, thậm chí có cả... thuốc tránh thai và bao cao su.

Anh Hồ Ê Nót (thứ 3, từ phải sang) tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển hướng đi mới trồng cây lâm nghiệp -Ảnh: M.H

Anh Hồ Ê Nót (thứ 3, từ phải sang) tuyên truyền, hướng dẫn bà con phát triển hướng đi mới trồng cây lâm nghiệp -Ảnh: M.H

Có lẽ nhận ra sự tò mò của tôi nên anh Nót nói ngay: “Tủ thuốc này có từ năm 1997, thời mình làm cán bộ y tế thôn, bản, kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cu Pua. Đến năm 2002, chắc có lẽ nhờ “quản lý” chị em tốt nên tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ vay vốn và đại biểu HĐND xã Đakrông nhiệm kỳ 2011-2016. Năm 2020, thôn Cu Pua sáp nhập vào thôn Vùng Kho, tôi không làm mấy chức đó nữa nhưng vẫn tiếp tục là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026.

Tuy nhiên, không biết là vì tiện lợi hay do trước đây tôi “mát tay” trong việc giảm “tốc độ” đẻ của chị em mà bà con vẫn để tủ thuốc ở nhà tôi. Để cạnh cửa thế này, bà con lấy dụng cụ tránh thai xong là đi ngay, đỡ xấu hổ. Trước đây cực lắm, nhà nào cũng “xòn xòn”, ít thì đẻ 4-5 con, nhiều thì 6-7 con, giờ thì khác rồi”.

“Cả thôn thiếu gì chị em mà anh phải cáng đáng luôn cái chức “quản lý chị em” ấy?”. Nghe vậy, anh Nót xua tay phân trần: “Cực chẳng đã anh ơi. Thời điểm đó, chị em cả thôn từ già đến trẻ “nửa chữ bẻ đôi” cũng không biết.

Lúc đầu, vợ miềng học hết lớp 1 được bầu làm chi hội trưởng nhưng vì mãi nương rẫy nên cái chữ trong đầu nó cứ “rơi rớt” dần thì làm sao mà tuyên truyền được. Lớp 6 như miềng lúc ấy là “đỉnh” nhất thôn rồi đấy. Thấy bà con sinh nhiều quá, khổ quá nên miềng “ôm” luôn chức đó, rồi tranh thủ nghiên cứu tài liệu để nói cho bà con hiểu về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, đẻ nhiều sẽ khổ.

Theo anh Nót, việc tiếp cận nam giới không khó, nhưng với chị em không đơn giản. Mỗi khi nói chuyện “vòng kinh”, “đặt vòng”, “bao cao su”, “thuốc tránh thai”... là chị em bỏ đi, thậm chí còn buông những lời khó nghe, như: “Đồ vô duyên”, “Ta thích thì ta đẻ”, “Thằng Nót rỗi hơi à”...

Không nản chí, bỏ ngoài tai mọi lời bà con đàm tiếu, anh Nót áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Anh hài hước nhớ lại: “Thật ra tôi cũng lấy gia đình mình và các gia đình ít con để phân tích cho bà con hiểu vì sao đông con thì đói nghèo cứ bám riết. Bà con thấy nhà nào 2-3 đứa thì đúng là cuộc sống có dư dả hơn, dần dần nghe theo. Thấy cuộc sống khá hơn, nhiều chị em lại đến tìm miềng hỏi cách làm sao vợ chồng vẫn “gần gũi” mà không “thêm người”.

Từ đó trở đi, hình ảnh “ông chi hội trưởng phụ nữ” thường xuyên “la cà” hết làng trên, xóm dưới nói chuyện sinh đẻ trở nên thân quen với bà con. Rồi hình ảnh anh dẫn mấy chục chị em đi tập huấn ở xã cũng “oai” lắm. Rồi chuyện những em bé sinh ra ở thôn luôn kính trọng anh, bởi chính anh là người chắp bút viết giấy khai sinh cho các cháu chứ cha mẹ chúng nào biết chữ...

“Chắc anh được hỗ trợ kinh phí để duy trì tủ thuốc đến tận bây giờ?”. Chỉ lên bốn vách nhà sàn nơi treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, anh Nót cười hiền: “Địa phương cũng khó khăn lắm, cứ được đồng nào khen thưởng là miềng mua thuốc bỏ vào tủ, nếu thiếu nữa miềng trích thêm lương. Suy cho cùng, bà con có ủng hộ thì miềng mới hoàn thành nhiệm vụ, mới được khen thưởng”.

Thôn không uống rượu, bia

Có một điều thú vị và khó hiểu ở thôn Vùng Kho là đi đến đâu tôi cũng thấy dòng chữ tiếng Vân Kiều và tiếng Việt: “Vil tơ bửn ngũaiq bloong bia - Thôn không uống rượu, bia” được viết trang trọng trên cửa mỗi ngôi nhà. Khó hiểu là bởi với người dân vùng cao thì bao đời nay rượu đã gắn liền với cuộc sống của họ. Phải chăng chỉ là khẩu hiệu?

Chưa vội giải thích, anh Nót liền dẫn tôi ra vị trí khúc cua trên Quốc lộ 9, kéo hai ống quần quá đầu gối chỉ vào hai vết sẹo lồi đỏ ửng như hai con lươn, dài chừng 30 cm rồi nói: “Cách đây 12 năm, do say rượu khi ăn tất niên, tôi bị tai nạn gãy hai chân, phải nằm viện mổ, đóng đinh, điều trị hơn 7 tháng trời nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều người bị tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình. Và còn đau xót hơn có những gia đình vĩnh viễn mất đi người thân”.

Trăn trở với nỗi đau đó, anh lăn lộn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền từng người dân” về tác hại của rượu, bia; họp thôn, vận động đưa ra quy định không uống rượu, bia vào hương ước của thôn; đám ma, đám cưới hay liên hoan chỉ dùng nước ngọt, trà, cà phê, nước lọc...

Anh phân công cán bộ thôn đảm nhiệm từng hộ dân; đến nhờ các già làng, người có uy tín giải thích cho bà con hiểu. Tuy nhiên, cái lý “uống rượu, bia, lái xe là quyền của ta” vốn ăn sâu vào tiềm thức nên thực sự khó lay chuyển bà con.

Không nản chí, anh Nót như con ong rừng cần mẫn “bay” khắp thôn, bản, nói bằng cái tâm, bằng cả bài học suýt mất mạng của mình. Anh còn lênnhờ công an, bộ đội huyện cung cấp tài liệu, phim, ảnh về tác hại bia rượu, tai nạn giao thông về tuyên truyền, vận động bà con. Dần dần nhiều người tin, ủng hộ anh Nót!

Ông Hồ Văn Khòn vừa tổ chức đám cưới cho con trai bằng những bàn tiệc không có rượu, bia phấn khởi cho biết: “Trước đây đám cưới là gánh nặng của các gia đình khi phải mổ trâu, bò, lợn, nấu rượu phục vụ cả thôn ăn uống lê thê cả tuần.

Nhưng từ khi chú Nót kêu gọi, vận động bà con bỏ bia, rượu, thực hiện nếp sống văn hóa mới thì chúng tôi như trút được gánh nặng. Hơn 10 năm không uống rượu, bia là hơn 10 năm giảm hẳn tai nạn giao thông vì rượu, bia. Những mùa xuân ở lại, thôn chúng tôi trở thành thôn văn hóa là như thế”.

Cổ tích một tấm lòng

Trong số những việc tốt của anh Nót thì điều làm bà con thôn Vùng Kho phấn khởi, biết ơn anh hơn cả chính là tấm lòng cao thượng, biết lo cho tương lai của con em dân bản. Trước đây, đất và nhà của anh ở trên sườn đồi, phía trong Quốc lộ 9, tiện sản xuất, canh tác.

Năm 2002, khi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, anh rất trăn trở khi thấy trẻ em đi học xa, hiểm nguy rình rập bởi xe trọng tải lớn và lũ quét. “Là đại biểu trung thành cho lợi ích của dân, phải hành động vì dân” - Nghĩ vậy nên khi biết huyện có dự án xây điểm trường ở thôn nhưng đang thiếu địa điểm, anh liền bàn với gia đình tình nguyện hiến đất xây điểm trường.

Gia đình băn khoăn trước ý định của anh bởi mảnh đất 120 m2 ở trung tâm thôn, gần quốc lộ, tiện sản xuất, đi lại... Nhưng anh quả quyết: “Không nơi nào thuận tiện hơn cho bọn trẻ bằng ở đây. Ta không ở đây thì ở nơi khác nhưng trường học phải ở trung tâm thôn”.

Kể từ đó, đã hơn 20 năm có lẻ, nhờ vị trí điểm trường thuận lợi hơn so với các thôn khác, hàng trăm trẻ em thôn Cu Pua trước đây, thôn Vùng Kho ngày nay không phải đứt học giữa chừng.

Không chỉ học sinh mà nhờ có điểm trường thuận lợi, các thầy, cô giáo cũng có thêm nhiều động lực để bám bản, gieo chữ. Thấy điểm trường còn hơi chật hẹp, không có chỗ ở cho các giáo viên dưới xuôi lên, anh Nót dỡ luôn chái bếp rộng 36 m2 của gia đình để làm chỗ ở cho giáo viên. Hỏi về động lực hiến đất, anh Nót chỉ nói ngắn gọn: “Lo cho con em chính là lo cho tương lai”.

Chưa dừng lại ở đó, một thời gian sau, thôn thiếu đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, là đại biểu HĐND xã, Trưởng thôn, anh Nót nhanh chóng nắm bắt được chủ trương này. Nhìn đi nhìn lại, anh chỉ thấy đất nhà mình phía trước điểm trường tiểu học là hợp nhất, thế là anh lại hiến thêm 850 m2 đất.

Tính ra gia đình anh Nót đã hiến 1.000 m2 đất trong niềm vui và sự khâm phục của cấp ủy, chính quyền và bà con thôn Vùng Kho. Chuyển nơi ở, không còn mảnh đất “vàng”, đường lên nương rẫy phải đi xa hơn, vất vả hơn nhưng cả gia đình anh ai cũng thấy vui vì làm được nhiều điều có ý nghĩa.

Gặp tôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đakrông Hồ Văn Dưm không tiếc lời: “Cái công của Hồ Ê Nót đối với bà con Cu Pua, Vùng Kho nhiều như lá cây trên rừng vậy. Việc hiến đất, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, nói không với bia, rượu... đến nay vẫn được duy trì và nhân rộng. Có những cán bộ cơ sở hết lòng vì dân như anh Nót, chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng với người dân thôn Vùng Kho”.

Mạnh Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-mang-mua-xuan-ve-voi-ban-lang-186706.htm