Người mang sứ mệnh ngăn chặn thảm họa ở Mỹ

Ashley Farinacci-Silfies được giao trọng trách cao cả khi trở thành người trông coi một trong những tháp quan sát lửa cuối cùng của nước Mỹ.

"Người trông lửa" là tên mà mọi người vẫn hay gọi về nghề của Ashley. Hàng ngày, cô leo lên đỉnh Devil's Head - điểm cao nhất ở dãy Rampart thuộc bang Colorado. Cô đứng lặng lẽ bên trong tháp quan sát (hay tháp lửa) với cặp ống nhòm nắm chặt.

Dãy Rampart là một phần của dãy Front, tạo nên rìa cực đông của dãy núi Rocky. Khung cảnh tuyệt đẹp của ngọn núi là thứ mà chính quyền nơi đây muốn bảo vệ. Và để làm được điều đó, những người trông lửa như Ashley là phần không thể thay thế.

"Có vẻ là một ngọn lửa", Ashley nói và nhìn chăm chú về đằng xa. Hóa ra, đó chỉ là đám bụi lớn, có thể do một chiếc xe nào gây ra. "May không phải lần này", người trông lửa thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục công việc thường ngày...

Công việc của người trông lửa

Ashley được Sở Lâm nghiệp Mỹ thuê để trông tháp lửa cuối cùng còn sót lại ở dãy Front. Tháp lửa nơi cô làm việc cũng là một trong số ít tháp còn hoạt động theo mùa tại Mỹ.

So với những người tiền nhiệm, công việc của Ashley có nhàn hơi đôi chút nhờ các tiến bộ công nghệ. Cô được tiếp cận với camera 360 độ, máy bay không người lái và các thiết bị cảm biến nhiệt để phát hiện đám cháy ngay từ lúc mới nhen nhóm.

 Ashley là một trong những người trông lửa cuối cùng.

Ashley là một trong những người trông lửa cuối cùng.

Tuy nhiên, Ashley khẳng định công nghệ không thể thay thế vai trò của những người trông lửa. Con người linh hoạt hơn trong khả năng tổng hợp thông tin và kết nối với các bộ phận mặt đất. Đó là những thứ máy bay không người lái không thể làm được.

Đặc thù của người trông lửa là phải dành 6 tháng trong cabin gỗ hẻo lánh. Để đến nơi này, Ashley phải đi bộ qua đường mòn Devil's Head dài khoảng 2 km. Đứng từ độ cao 270 m, Ashley được chiêm ngưỡng những khung cảnh tuyệt diệu mỗi lần mặt trời thay đổi. "Đôi khi, mặt trời lại chiếu sáng những thứ mà tôi chưa từng thấy trước đây", cô nói.

Khoảng thời gian mệt mỏi nhất của người trông lửa là vào mùa cháy rừng, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Ashley leo lên 143 bậc thang để tới đỉnh và theo dõi những đám khói bất thường bốc lên. Chúng có thể chỉ là chút lửa nhỏ từ một lửa trại quanh đó. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của đám cháy lớn sau khi tia sét đánh xuống khu rừng.

Công cụ hữu ích nhất với Ashley là máy cứu hỏa Osborne - một công cụ giúp người trông lửa xác định vị trí của đám cháy ở xa. Công cụ này đã được phát triển từ năm 1911 bởi một nhân viên Sở Lâm nghiệp Mỹ có tên William Osborne.

Sau khi xác định, cô liên lạc và điều đội cứu hỏa tới để dập lửa. Riêng trong năm ngoái, Ashley đã phát hiện 5 vụ cháy. Dù vậy, con số này còn rất nhỏ so với hàng trăm vụ cháy khác nhau xảy ra trên khắp tiểu bang.

 Cô gái dành phần lớn thời gian trong rừng để xác định các đám cháy.

Cô gái dành phần lớn thời gian trong rừng để xác định các đám cháy.

Dãy Front là điểm thường xảy ra cháy rừng do khí hậu khô hạn đặc trưng. Năm 2020 được xem như năm cháy rừng kinh khủng nhất từng ghi nhận. 2.800 km2 rừng đã bị thiêu trụi. Tuy nhiên, tình hình năm nay khả quan hơn do mùa hè mưa nhiều bất thường.

Khi không phát hiện đám lửa bất thường nào, Ashley lại tranh thủ tìm hiểu thêm về hệ động thực vật trong rừng. Cô cũng mày mò kiến thức về các đám mây và dấu hiệu của những tia sét. Đôi khi, Ashley lại trò chuyện với những du khách đang đi bộ đường dài băng qua khu rừng hoặc chơi đùa cùng Fjord và Fiona - 2 con mèo của cô.

Đặt tay lên bàn làm việc, cô lại nghĩ về những thảm họa khi cháy rừng xảy ra. Nhiều người có thể chưa nhận thức rõ về điều này nhưng nó thực sự gây ra những tác động khủng khiếp. Trận cháy rừng Hanman năm 2002 để lại ám ảnh trong Ashley dù cô không trực tiếp tham gia mà chỉ được đọc khi ngồi trên giảng đường.

"Đó là một trong những trận cháy rừng tồi tệ nhất", cô chia sẻ.

Trong những năm qua, các đám cháy ở khu vực miền Tây nước Mỹ ngày càng gia tăng. Chủ yếu do người dân lấn chiếm các khu vực khô cằn và để rừng phát triển không kiểm soát. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu cũng khiến vấn đề thêm trầm trọng. Các đám cháy đang bùng lâu hơn bao giờ hết. Năm ngoái, 40.000 km2 rừng đã bị đốt cháy trên khắp nước Mỹ - một kỷ lục từ khi các số liệu được ghi chép lại.

Biểu tượng tháp lửa

Ngoài việc báo động các đám cháy, Ashley còn có nhiệm vụ cao cả khác. Đó là duy trì tháp lửa - một nét văn hóa độc đáo và có lịch sử lâu đời ở Mỹ.

Theo BBC, ngay sau khi Sở Lâm nghiệp Mỹ thành lập đầu thế kỷ 20, 7 tháp lửa lớn đã được dựng dọc theo dãy Front, từ Wyoming đến New Mexico. Công dụng của chúng vẫn như ngày nay: giúp đội quản lý phát hiện các đám cháy rừng.

 Các tháp lửa là biểu tượng một thời của nước Mỹ.

Các tháp lửa là biểu tượng một thời của nước Mỹ.

Devil's Head là một trong những địa điểm ban đầu. Tháp lửa được dựng ở đây từ năm 1919 dưới sự quản lý của Helen Dowe - nữ giám sát viên cứu hỏa đầu tiên của Colorado và thứ 2 của Mỹ, sau Hallie Morse Dagger (tại California). Qua thời gian, tháp lửa trở thành địa điểm nổi tiếng của địa phương nhờ vị trí đặc biệt với tầm nhìn toàn cảnh ra dãy Front. Đến năm 1991, nơi này được đưa vào Sổ Đăng ký Quốc gia về các địa điểm lịch sử.

Ashley tiếp quản vị trí người trông lửa từ 2 năm trước sau khi Billy Ellis nghỉ hưu ở tuổi 87. Trong 35 mùa cháy ở Devil's Head, Ellis đã phát hiện 200 ngọn lửa. Độ cao mà Ellis leo trong thời gian này ước tính cũng gấp 43 lần đỉnh Everest.

"Đã 100 năm trôi qua từ khi Helen Dowe tiếp quản tháp lửa mới có một phụ nữ đứng ra để trông coi khu rừng", Ashley nói với BBC.

 Với sự hỗ trợ của công nghệ, các tháp lửa đang dần biến mất.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, các tháp lửa đang dần biến mất.

Tháp lửa từng là những chốt chặn quan trọng để ngăn cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, vai trò của nó ngày nay không còn được đề cao như trước. Theo BBC, các bang trên khắp nước Mỹ đang đóng cửa gần hết tháp lửa bởi công nghệ với họ đã là quá đủ.

Số lượng tháp lửa trên khắp nước Mỹ từng lên tới hàng nghìn. Giờ đây, con số ấy chỉ còn lại phần nhỏ. Riêng trong năm 2016, bang Wisconsin đã dẹp 72 tháp lửa cuối cùng để thay thế hoàn toàn bằng công nghệ mới.

Dù vậy, một số nơi vẫn trọng dụng những người thông thuộc địa hình như Ashley. Họ có thể xác định các nguồn lửa từ tháp canh và điều phối lực lượng chữa cháy qua radio. Đôi khi, các vệ tinh phát hiện đám cháy lúc chúng đã bùng quá mạnh khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.

Hoài Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-mang-su-menh-ngan-chan-tham-hoa-o-my-post1250490.html