Người may cờ Mặt trận và giấu… trong bụng
Ông Thắm xem lại giấy bàn giao lá cờ Mặt trận cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 1973. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Cách đây 49 năm, nhân kỷ niệm 26 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tử tù Nguyễn Văn Thắm đã tự tay may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam (cờ Mặt trận). Sự hiện diện của lá cờ này trong cuộc họp chi bộ đảng tại nhà tù Phú Quốc như luồng gió mới thổi vào tinh thần của đảng viên, quần chúng trong tù, tiếp thêm niềm tin sắt son vào Đảng và cách mạng.
Theo sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh, tôi tìm gặp CCB Nguyễn Văn Thắm tại nhà riêng (403 Trường Chinh, phường 9, TP Tuy Hòa). Ông Thắm quê xã Hòa Tân, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa). Ở tuổi 78, ông vẫn còn khỏe, gương mặt cương trực và nụ cười ấm áp.
Người cộng sản kiên trung
Năm 1960, thanh niên Nguyễn Văn Thắm (lúc đó 18 tuổi) được tổ chức phân công nắm tình hình của địch để cung cấp cho cách mạng và dẫn đường cho cán bộ xuống cơ sở hoạt động. Sau đó, ông thoát ly lên căn cứ (ở Hóc Nhum, xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa), được phân công làm mũi trưởng một mũi công tác. Năm 1964, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tết Mậu Thân 1968, trên đường lên huyện họp, ông cùng đồng đội bị địch phục kích. “Tôi dùng súng ngắn bắn trả cho đến khi hết đạn; bị địch bao vây và bắn bị thương ở chân. Tôi liền rút quả lựu đạn trên người kê phía trước, chờ địch đến gần thì rút chốt cùng chết chung với chúng, quyết không để rơi vào tay giặc. Nhưng không hiểu sao quả lựu đạn không nổ. Tôi bị địch bắt đưa vào Bệnh viện 91 (ở Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp). Đầu tháng 2/1968, địch chuyển tôi lên trại giam tù binh Pleiku (Gia Lai)”, ông Thắm nhớ lại.
Mặc dù bị địch giam cầm, tra tấn bằng điện, chết đi sống lại nhiều lần và tìm mọi cách dụ dỗ đầu hàng, làm tay sai cho chúng nhưng ông Thắm vẫn quyết không khai nửa lời, một mực trung thành với Đảng, với tổ chức. Ông luôn tìm mọi cách liên lạc với các cán bộ cách mạng trong và ngoài tù để hoạt động; được bầu vào cấp ủy, rồi Phó Bí thư Chi bộ Tù chính trị Pleiku.
Cuối tháng 10/1969, địch đày ông Thắm vào nhà lao Biên Hòa, có thời gian bị giam vào chuồng cọp. Ông được các đảng viên trong tù bầu làm bí thư chi bộ. Đầu năm 1970, địch đưa ông cùng 100 anh em lên tàu ra nhà tù Phú Quốc. Ở địa ngục trần gian này, ông Thắm bị đưa vào trại giam B8 và liên tục bị đánh đập, tra khảo hết sức dã man. “Có lần, tôi đang nói chuyện với anh em trong tù thì bọn chúng phát hiện. Chúng lôi tôi ra ngoài đánh hai bàn tay sưng húp. Chúng nói đánh cho mày khỏi đào hầm (anh em thường lén đào hầm và giao thông hào). Có khi tôi bị chúng đánh dọc hai bên xương sống, rồi bắt nằm sấp đánh vào hai bàn chân…”, ông Thắm nhớ lại.
May cờ Mặt trận trong nhà tù Phú Quốc
Trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, ông Thắm càng nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy. Chúng tìm cách mua chuộc, đe dọa, khủng bố liên miên làm cho một số người thiếu bản lĩnh đầu hàng và trở thành tay sai đắc lực cho chúng. Chúng thâm độc lập ra một khu tân sinh hoạt chiêu hồi rồi giam các đảng viên, quần chúng vào đó để sau này trở về sẽ không được cách mạng tin dùng. Chúng đánh đập, tra tấn anh em đến tàn phế để sau này trở về không còn sức lực cầm súng chiến đấu.
Trước tình hình khó khăn, nhiều người hoang mang, dao động, một số đảng viên mất phương hướng. Với cương vị một đảng ủy viên, bí thư chi bộ, sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, ông quyết định may một lá cờ Tổ quốc. “Vì lá cờ là hình ảnh của Tổ quốc, để anh em thấy được trong nhà tù vẫn có Đảng lãnh đạo”, ông Thắm nói. Nhưng lấy vải, lấy chỉ ở đâu để may cờ? May cờ rồi giấu ở chỗ nào để đảm bảo bí mật? “Tôi chợt nhớ hồi nhỏ mỗi khi bị đau bụng, mẹ mua mật heo về rồi cho nuốt vào bụng. Tôi liền áp dụng thử. Hàng ngày, tôi lấy cơm tù vắt lại thành viên, bên ngoài bọc giấy kiếng, lấy sợi chỉ mùng tuyn tướt nhỏ, cột chặt lại một đầu, còn đầu chỉ bên này gút lại bỏ vào miệng nuốt vào bụng. Mới đầu, nuốt vào là bị ho, ói lập tức. Tôi lấy ít nước uống kèm nhưng cũng không trôi nên lấy ra. Sau đó, tôi phát hiện vắt cơm hơi lớn, lại nôn nóng bỏ nằm ngang nên làm lại vắt cơm nhỏ hơn. Lần này nuốt vào được, rồi lại kéo ra được. Ngày nào tôi cũng thử nuốt vào khoảng 3-5 phút cho đến khi vắt cơm ở lại trong bụng tới 3 tiếng”, ông Thắm kể.
Khi thử nghiệm thành công, ông Thắm rất đỗi vui mừng và nhờ một số anh em đi tạp dịch bên ngoài tìm vải. Không lâu sau, nhận được hai mảnh vải màu xanh, đỏ nhưng kích thước quá nhỏ không đủ để may cờ Tổ quốc nên ông chuyển sang may cờ Mặt trận. Ông lén lấy dây thép ở hàng rào mài thành kim, rồi tướt chỉ mùng tuyn chờ đến tối mới may cờ. “Mỗi đêm, tôi nằm sấp, nằm nghiêng lén may được vài mũi chứ sợ bị phát hiện. Tôi lấy miếng nhựa cứng màu vàng xếp lại cắt thành ngôi sao 5 cánh. Khi may xong cờ, tôi xếp nhỏ lại bọc giấy kiếng bên ngoài, buột chỉ thật chặt rồi cho vào miệng nuốt thử. Tuy khó hơn nhiều so với nuốt vắt cơm nhưng tôi vẫn cố gắng mỗi ngày vài ba lần nuốt vào rồi lấy ra quấn thật chặt, cất vào trong người ròng rã suốt hai tháng trời”, ông Thắm nhớ lại.
Nhân kỷ niệm 26 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, ông Thắm đưa lá cờ ra trong cuộc họp chi bộ. Nhìn thấy lá cờ, anh em đảng viên, quần chúng rất phấn khởi, nắm chặt tay nhau bày tỏ sự đoàn kết, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào ngày mai tất thắng. Cũng với lá cờ này, năm 1972, chi bộ đã tổ chức kết nạp Đảng cho 3 đồng chí là Huỳnh Ngọc Anh (quê xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa), Đặng Đình Thông (quê xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa), Nguyễn Tranh (quê tỉnh Khánh Hòa). Từ đó, mỗi khi đến dịp lễ lớn của đất nước, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ông Thắm lại lấy lá cờ được cất giấu từ trong bụng ra. “Lá cờ có ý nghĩa lớn lao đối với anh em tù chính trị ở Phú Quốc, giúp mọi người giữ vững được ý chí chiến đấu, quyết tâm giành quyền sống và bảo vệ khí tiết cách mạng cho dù phải hy sinh”, ông Thắm khẳng định. Có những ngày vì nuốt nhiều quá, ông bị viêm phế quản, bụng đau phải lấy cơm cháy bóp nhuyễn chế nước vào rồi uống cho đỡ đau. Những lúc giám thị nghi ngờ bắt anh em tù tập trung ra ngoài sân cỏ để lục soát phòng. Có khi mất 1-2 tiếng, lá cờ nằm trong bụng lâu quá, bụng đau đến khi lấy ra thì mật xanh, mật vàng tuôn ra nên ông ngất xỉu.
Trọn đời theo Đảng
Ngày 24/3/1973, ông Thắm được trao đổi tù binh. Lúc gần đến giờ trao trả ông tiếp tục nuốt lá cờ vào bụng. Cả ngày đó ông không dám ăn gì, chỉ uống nước. Khi đến sông Thạch Hãn (Quảng Trị), đã về với cách mạng, ông mới lấy lá cờ ra. Lá cờ này sau đó được chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thắm trở về quê nhà, làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, rồi làm giáo viên Trường Đảng Phú Yên, Phó Giám đốc Trường Đảng huyện Tuy Hòa, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Tuy Hòa cho đến năm 1989 nghỉ hưu, tham gia công tác hội, đoàn thể tại địa phương.
Đã hơn 45 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, song những ký ức gian khổ, đau thương mất mát vẫn hiện hữu trong ông. “Hồi ấy, trong đạn bom ở chiến trường hay bị đòn roi của kẻ thù tra tấn dã man, chúng tôi ai nấy đều vững niềm tin với Đảng, với lý tưởng cách mạng cao quý, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà mình đã chọn”, ông Thắm khẳng định.
Ông Ngô Văn Lân, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Tân Tây nhìn nhận: “CCB Nguyễn Văn Thắm là người cha mẫu mực, đáng kính trong gia đình và ngoài xã hội. Ông còn là một cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, luôn hết lòng vì nhiệm vụ được Đảng phân công, được bà con tin yêu và kính trọng”.
Lá cờ có ý nghĩa lớn lao đối với anh em tù chính trị ở Phú Quốc, giúp mọi người giữ vững được ý chí chiến đấu, quyết tâm giành quyền sống và bảo vệ khí tiết cách mạng cho dù phải hy sinh.