Người mẹ buộc dây thừng vào cổ con rồi đánh đập bị xử lý ra sao?

Dư luận cả nước đang vô cùng phẫn nộ trước vụ việc bé trai 4 tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man ở Bình Dương. Đáng tiếc, vụ việc trên không phải là hi hữu.

Người mẹ bạo hành con ở Bình Dương đã bị tạm giữ hình sự

Thúy dùng dây thừng cột cổ con kéo đi và đánh dã man (ảnh cắt từ video)

Thúy dùng dây thừng cột cổ con kéo đi và đánh dã man (ảnh cắt từ video)

Ngày 1/2, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ bạo hành dã man bé trai khoảng 3-4 tuổi khiến nhiều người bức xúc.

Trong đoạn clip, người phụ nữ khoảng 30 tuổi được cho là mẹ bé trai đã dùng sợi dây thừng cột vào cổ bé trai kéo lê, giật mạnh khiến cậu bé ngã lăn ra nền nhà. Chưa dừng lại tại đó, người phụ nữ này còn bóp cổ, tát liên tiếp vào đầu, vào mặt bé trai khiến cháu bé đau đớn, gào khóc.

Thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào chiều 31/1 tại phường Hòa Phú (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Đoạn clip được người hàng xóm ghi lại sau đó dùng làm bằng chứng trình báo lên cơ quan công an.

Qua xác minh của công an, người phụ nữ đó chính là Nguyễn Thị Thanh Thúy. Bé trai bị bạo hành chính là con ruột của Thúy tên Huỳnh Nguyễn Quốc Thái (4 tuổi).

Người mẹ đã bị tạm giữ để điều tra

Người mẹ đã bị tạm giữ để điều tra

Chiều 1/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1989, quê Bình Dương) vì hành vi ngược đãi và bạo hành người khác.

Ngày 24/1, bà Lư Thị Năm (SN 1960), là mẹ ruột của Thúy có mua 2 sợi dây chuyền vàng cho 2 con của Thúy đeo trong những ngày Tết. Sau đó, bà Năm nói, khi cháu đi học thì đưa lại cho bà giữ 2 sợi dây chuyền kẻo mất. Nghe vậy, Thúy tức giận dẫn 2 con bỏ về nhà riêng ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một. Sáng 26/1, Thúy đem 2 sợi dây chuyền vàng trả lại cho bà Năm rồi trở về nhà. Do tức giận cùng với việc con trai quậy phá đồ đạc nên đã đánh con.

Trong lúc Thúy đánh con, anh Võ Văn Dũng (SN 1987, quê An Giang), người đang sống như vợ chồng với Thúy không can ngăn mà dùng điện thoại quay video đăng lên mạng xã hội.

Thông tin từ công an, Thúy đã từng bị Công an phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một xử phạt hành chính về hành vi đánh con vào năm 2018. Cháu bé hiện đã được ông bà ngoại đón về chăm sóc.

Bé trai 6 tuổi bị mẹ và bạn tình bạo hành dã man

Mảng bầm lớn ở bên hôn trái của bé trai bị bạo hành.

Mảng bầm lớn ở bên hôn trái của bé trai bị bạo hành.

Cũng hành vi tương tự như trên, ngày 14/6/2019, một cán bộ Công an TP.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) xác nhận, đơn vị điều tra, làm rõ vụ việc bé trai 6 tuổi bị mẹ và bạn tình bạo hành đến đa chấn thương. Theo vị cán bộ này, vụ việc cha mẹ bạo hành chính con ruột này được phát hiện khoảng 19h30 ngày 13/6 tại nhà trọ B.G thuộc hẻm 68, đường Cách Mạng Tháng 8, phường 3, TP.Tây Ninh.

Lúc này, anh Phúc đã cùng đồng đội phối hợp với cơ quan chức năng có mặt tại nhà trọ trên để giải cứu cháu bé. Khi có mặt, bé trai bị nhốt trong phòng trọ, cửa phòng được khóa trái bằng ổ khóa hiện đại, chắc chắn. Do đó, anh Phúc phải nhờ chủ nhà trọ đến hỗ trợ mở cửa, đưa bé trai ra ngoài.

Anh Phúc cho biết, ngay sau khi giải cứu, anh và đồng đội đã đưa bé trai đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh kiểm tra. Bé trai nhập viện ngay trong đêm trong tình trạng đa chấn thương. Cụ thể, hai bên bụng của bé trai có hai mảng bầm xanh tím, lưng cũng xuất hiện các vết bầm. Cánh tay trái của em cũng bầm đen. Các ngón tay ở bàn tay trái bé trai sưng to, tím đen.

Đặc biệt, phần đầu của bé xuất hiện nhiều vết thương, tím bầm. Tai trái của bé sưng, lở loét, da đầu, gò má có nhiều vết bầm. Anh Phúc cho biết, ngay sau khi nhập viện, bé trai được các bác sĩ cho kiểm tra, chụp CT đầu.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra.

Cha đẻ, mẹ kế bạo hành con trai đến rạn sọ não lĩnh 11 năm tù

Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh tại tòa.

Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh tại tòa.

Chiều 31/8, TAND quận Cầu Giấy tuyên phạt Trần Hoài Nam 6 năm 6 tháng tù và Phạm Thị Tú Trinh 5 năm tù vì tội hành hạ và cố ý gây thương tích con trai 10 tuổi là cháu K..

Bị cáo Trần Hoài Nam (SN 1983) bị tuyên 2 năm 6 tháng tù về tội Hành hạ con; 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt cho 2 tội danh là 6 năm 6 tháng tháng tù.

Bị cáo Phạm Thị Tú Trinh bị tòa tuyên phạt 2 năm tù về tội Hành hạ con; 3 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt Trinh chịu mức án 5 năm tù.

Ngoài ra, về dân sự, tòa buộc các bị cáo phải bồi thường 194 triệu đồng cho bị hại. Do 2 bị cáo đã bồi thường 60 triệu đồng nên tòa buộc Nam và Trinh tiếp tục bồi thường hơn 130 triệu đồng cho nạn nhân.

Trước đó, đại diện VKS khẳng định, hai bị cáo thường xuyên đánh đập cháu K. gây đau đớn về thể xác và tinh thần, phạt cháu khánh không đi học, không cho giao tiếp, bắt uống nước mắm. Đặc biệt, nhiều lần dùng tay chân, muôi bằng inox và dùng roi nhôm ghép lại để đánh cháu.

Cả hai bị cáo cùng thống nhất với nhau giáo dục con bằng đòn ròi. Khi Trinh ở nhà giám sát thấy K. có lỗi sẽ báo Nam. Bị cáo Nam chịu trách nhiệm cao hơn Trinh trong vụ việc.

Tại phiên tòa, Nam và Trinh khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của nhân chứng, bị hại và các biên bản điều tra từ cơ quan điều tra. Do đó, đủ cơ sở khẳng định hành vi của bị cáo Nam và Trinh phạm tội hành hạ con, riêng Nam thêm tội cố ý gây thương tích.

Trẻ bị bạo hành có thể thành người dễ bạo lực

Khi trẻ sống trong môi trường, hằng ngày phải chứng kiến và hứng chịu những cuộc cãi vã, đánh đập từ cha mẹ, người thân hay những lời nói xúc phạm, lăng mạ người khác, trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Rất ít trường hợp, trẻ sẽ có suy nghĩ tích cực và hành động trái với những gì chúng thấy, trở thành người hiền lành, lương thiện.

Mà đa số, trẻ sẽ "hấp thụ" tính cách từ những người trong gia đình, trở thành người dễ dàng dùng bạo lực với người khác, xa đọa vào các tệ nạn, sớm bị tha hóa và bị xã hội lên án, tẩy chay. Điều này đã xảy ra rất nhiều trong thực tế cuộc sống và được cho là dễ hiểu, bởi quá trình hình thành của trẻ ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống, cách giáo dục của cha mẹ... Và hiển nhiên rằng, việc bạo hành ấy đã in sâu trong tiềm thức và dần trở thành một phần tính cách của trẻ.

Qua đó có thể thấy, hành vi bạo hành trẻ em có tác hại vô cùng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển trí não, nhân cách và hành vi của trẻ. Các bậc cha mẹ nên quan tâm sát sao hơn đến việc lên lớp của con em mình, tránh trường hợp "con bị đánh, cha mẹ không hay". Đặc biệt, cần lưu ý trong việc giáo dục con tại nhà, hạn chế các hành vi gây tổn thương đến trẻ như la mắng, đánh đập… làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của trẻ.

Đánh con, cha mẹ có thể đi tù

Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó, cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con.

Ngoài ra, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia định 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình.

Như vậy có thể thấy, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ … con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi trẻ em là đối tượng mỏng manh, dễ bị tổn thương và không thể tự bảo vệ mình.

Bởi cha mẹ không hề có quyền đánh con như mọi người vẫn nghĩ. Các bậc cha mẹ thường quan niệm, con mình đẻ ra nên mình có quyền được đánh con. Việc đánh con chỉ là một cách để thể hiện sự yêu thương, quan tâm, chỉ là đang dạy dỗ con cái.

Tuy nhiên, bởi đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nên tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, một người sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, gây tổn thương về mặt tinh thần, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.

Ngoài ra, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng có quy định sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Không chỉ bị xử phạt hành chính, nếu cha mẹ đánh đập con cái còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:

- Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam

- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.

Ngoài ra, nếu vì bị ngược đãi, thường xuyên bị đối xử tàn ác làm người đó tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm tù giam do phạm Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-me-buoc-day-thung-vao-co-con-roi-danh-dap-bi-xu-ly-ra-sao-20200203105049594.htm