Người mẹ của 'Ngôi trường hạnh phúc'

Đó là cô giáo Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh phường Thuận Phước, quận Hải Châu-người dành hết tâm huyết để thay đổi toàn diện bộ mặt một trường mầm non, là người mẹ tận tâm với trẻ em khuyết tật, người có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, tạo sức lan tỏa trong ngành giáo dục TP. Đà Nẵng.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm trong giờ ngoại khóa cùng các em. Ảnh: VGP/Minh Trang

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm trong giờ ngoại khóa cùng các em. Ảnh: VGP/Minh Trang

Quyết tâm xây dựng “ngôi trường hạnh phúc”

Năm nay là năm thứ 10, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm làm Hiệu trưởng ngôi trường này.

Đến giờ cô Trâm vẫn nhớ như in những ngày đầu mới về Trường Bình Minh: Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, cỏ cây mọc um tùm, cả trường chỉ có 50 học sinh và giáo viên, giáo viên hầu hết đều lớn tuổi. Trước thực trạng trường không tuyển sinh được, cô đã trực tiếp đến từng nhà dân để hỏi xem tại sao họ không cho trẻ đến trường.

“Tá hỏa” khi biết lý do là cha mẹ các em không yên tâm vì trường quá cũ kĩ, xập xệ, lại ở địa bàn khu dân cư có đa số người dân làm nghề đánh bắt cá nên việc cho trẻ đi học mầm non không được coi trọng. Nắm được điều này, cô Trâm cùng ban lãnh đạo quyết tâm “cải tổ” lại nhà trường.

Nói là làm, cô trực tiếp lên phường xin kinh phí sửa sang và còn tự lấy tiền từ sổ tiết kiệm ra ứng trước cho kịp mùa tuyển sinh. Sau khi trường đã có bộ mặt mới, cô tiếp tục lấy ý kiến từ phụ huynh và thực hiện một loạt các cải cách mới như: Thay đổi, bổ sung khẩu phần ăn, giờ ăn sáng và giờ đón trẻ sớm hơn thường lệ, bổ sung giáo viên trẻ, áp dụng các mô hình học tập trải nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến của nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia).

Phụ huynh và các bé cùng tham gia trang trí đồ chơi từ vật liệu là rác thải điện tử. Ảnh: VGP/Minh Trang

Phụ huynh và các bé cùng tham gia trang trí đồ chơi từ vật liệu là rác thải điện tử. Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngôi trường cũ kỹ, xập xệ dần lột xác khi khoác lên mình chiếc áo mới. Phụ huynh cũ khi đến đây đều ngỡ ngàng vì thấy ngôi trường khang trang và đẹp đẽ. Số lượng tuyển sinh của trường qua các năm đều tăng gấp đôi, từ khoảng 50 em vào năm 2011 thì nay nay đã lên đến 400 em khiến Trường Bình Minh… gặp áp lực vì số lượng con em đăng ký vào trường quá đông không thể thu nhận hết.

Năm học 2019-2020, trường được chọn là 1 trong 2 trường duy nhất của quận Hải Châu thí điểm nhận trẻ lứa tuổi từ 6-12 tháng và được Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng dành hơn 4 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện thí điểm.

Trong khuôn viên trường, rất nhiều mô hình hoạt động trải nghiệm mới lạ được tạo dựng như khu vườn tái chế, siêu thị mini, spa, xưởng gỗ, khu nhà dân gian, sân đá bóng… giúp trẻ vui chơi khám phá và dạy trẻ những bài học thực tế theo phương pháp hiện đại.

“Mình muốn ngôi trường phải là một ngôi trường hạnh phúc, để trẻ khi tới lớp thì cảm thấy vui, khi về thì không muốn về. Các phụ huynh khi gửi trẻ đến trường cũng cảm nhận được, cũng rất hạnh phúc và hoàn toàn yên tâm khi các cháu được học trong môi trường đầy hứng thú như vậy”, cô Trâm cho biết.

Chị Hà Ánh Ngọc (phụ huynh của 3 bé đang theo học tại trường) nhận xét: “Mỗi ngày các con đến lớp là một ngày vui. Rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, nhiều hoạt động ngoại khóa như trồng rau, đi chợ, làm spa… khiến các con trở nên lanh lẹ, hoạt bát và cũng mạnh dạn, tự tin hơn mỗi khi ra ngoài”.

Người mẹ của những đứa con thiếu may mắn

Trường Bình Minh là một trong số ít trường mầm non tại TP. Đà Nẵng có nhận trẻ khuyết tật, đó là các em mắc một số hội chứng như tăng động, giảm tập trung hoặc bị khiếm thính, khiếm thị.

“Đối với trẻ khuyêt tật, ngoài việc giảng bài, giáo viên cần phải có tình thương rất lớn, dành hết tâm huyết để chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ cùng với sự kiên trì nhẫn nại để dạy dỗ các em. Tại địa phương, có một số em có hoàn cảnh kém may mắn được các phụ huynh tin tưởng gửi gắm, vì tình thương với các con, mình cùng các cô đã tìm tòi để tạo ra các dụng cụ học tập phù hợp hỗ trợ việc giảng dạy cho các con”.

Cô Trâm cho biết, việc tìm ra các dụng cụ học tập cho học sinh khuyết tật là một bài toán khó vì rất hiếm trên thị trường, nếu có thì chỉ có thể nhập về từ nước ngoài với chi phí khá cao, vì thế cô đã tìm tòi và tự sáng chế ra dụng cụ. Nguyên liệu mà cô Trâm tìm ra đó là tre, một nguyên liệu truyền thống và phổ biến, dễ kiếm.

Từ tre, các giáo viên đã làm ra một số học cụ cho trẻ khuyết tật như con thuyền sắc màu để thu hút sự chú ý cho trẻ tăng động hay ống tre đựng các hạt bi, sứ, kim loại để giúp trẻ khiếm thị phân biệt âm thanh.

Ngày qua ngày từ mái trường Bình Minh, tình thương của những cô giáo-người mẹ- đã giúp những trẻ khuyết tật dần vượt qua bệnh tật, phát triển đồng đều so với bạn bè cùng lứa.

Các phụ kiện trang trí trong trường tận dụng từ nguồn rác thải điện tử. Ảnh: VGP/Minh Trang

Các phụ kiện trang trí trong trường tận dụng từ nguồn rác thải điện tử. Ảnh: VGP/Minh Trang

Trong lúc tâm tình, cô Trâm kể về một học trò: “Có một bé giờ đã học tới lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, hồi ấy bé bị tật ở chân không đi lại được, đến lớp phải có người nhà cõng. Các cô đã kiên trì từng ngày tập cho bé giữ thăng bằng, mong sao cho bé giảm được bệnh tật. Không phụ lòng các cô, qua 3 năm, điều kỳ diệu đã đến khi bé đi lại được như bình thường. Đến nay, cô vẫn dõi theo thông tin về bé và rất mừng khi nghe tin mẹ bé kể lại rằng bé thậm chí còn đá bóng và chạy nhảy với chúng bạn. Nghe tin như vậy, thấy xúc động vô cùng”.

Những sáng kiến thiết kế đồ dùng học tập từ tre dành cho trẻ khuyết tật học hòa nhập tại Trường Bình Minh đã vinh dự được nhận Giải Khuyến khích về sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Thêm vào bảng vàng thành tích, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm đã đạt Giải Nhất sáng tạo khoa học kỹ thuật TP. Đà Nẵng về mô hình “Tận dụng nguyên liệu từ rác thải điện tử”.

Dạo quanh khuôn viên ngôi trường nhỏ, đi đâu người xem cũng có thể bắt gặp những phụ kiện nho nhỏ, xinh xắn như lọ hoa, bảng treo, kệ giá đựng sách được “hô biến” từ những nguyên liệu đặc biệt là rác thải điện tử như chiếc ấm phích, TV, máy tính… và được trang trí ngộ nghĩnh để tô điểm cho góc vườn nhỏ.

Cô Trâm cho biết nguồn nguyên liệu này được nhà trường phát động thu gom từ phụ huynh để tái chế, sau đó phụ huynh và trẻ sẽ cùng nhau tô vẽ từ chất liệu sơn an toàn. Việc này vừa là hoạt động ngoại khóa thú vị gắn kết giữa nhà trường-phụ huynh-học sinh lại vừa giáo dục cho các em về tái chế rác thải.

Với những mô hình giảng dạy áp dụng theo phương pháp hiện đại và các sáng chế dành cho trẻ khuyết tật, tận dụng nguồn rác thải điện tử, Trường Mầm non Bình Minh đã từng đón các đoàn trường từ Nhật Bản đến tham quan và học hỏi. Ngoài ra, trường còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm đơn vị thí điểm cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán 63 tỉnh, thành về giao lưu học tập; hơn 20 đơn vị, trường học trong cả nước về tham quan các mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm”.

Đoàn cán bộ từ Nhật Bản tham quan Trường Bình Minh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đoàn cán bộ từ Nhật Bản tham quan Trường Bình Minh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Cá nhân cô Nguyễn Quốc Thư Trâm là gương mặt thi đua yêu nước điển hình của TP. Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020, nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong công tác giảng dạy.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/nguoi-me-cua-ngoi-truong-hanh-phuc/425031.vgp