Người mẹ của những mảnh đời bất hạnh

Hơn 40 đứa trẻ mồ côi, khuyết tật và những mảnh đời bất hạnh đã có được một mái nhà chung đầm ấm, hạnh phúc với sự chăm sóc tận tâm của một người mẹ hiền. Đó là bà Nguyễn Thị Sông, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc (Phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang).

 Bà Nguyễn Thị Sông dạy nghề cho trẻ khuyết tật - Ảnh Chinhphu.vn

Bà Nguyễn Thị Sông dạy nghề cho trẻ khuyết tật - Ảnh Chinhphu.vn

20 năm có lẻ, bà Sông âm thầm đi đến các bến xe, nhà ga để tìm và đưa những mảnh đời cơ nhỡ, những đứa trẻ không nơi nương tựa về nhà nuôi dưỡng, coi như người thân trong gia đình.

Tận tâm làm việc thiện

Khi chúng tôi đến Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc cũng là lúc bà Sông vừa kết thúc một chuyến đi thăm trẻ em mồ côi ở tỉnh Hòa Bình. Chưa kịp nghỉ ngơi, bà vội vàng xuống thăm hàng chục đứa trẻ đang ở xưởng dạy nghề của trung tâm. Thấy bà, những đứa trẻ khuyết tật tíu tít ùa đến.

Cách đây 27 năm, một người mẹ trẻ tâm thần mang theo một đứa con nhỏ đã ngất lịm ở khe suối trước cửa nhà bà. Nghe tiếng trẻ con khóc bà men theo bờ suối tìm đến. Nhìn đứa trẻ nhỏ xíu tím tái, người nóng bỏng lên cơn sốt, bà đau xé lòng.

Không đắn đo, bà dìu người mẹ tâm thần, bế đứa con nhỏ về nhà nuôi dưỡng, mặc dù lúc đó gia cảnh nhà bà vẫn còn thiếu thốn, phải kiếm ăn từng bữa. Cái duyên đưa bà đến với việc thiện cũng bắt đầu từ ngày đó.

“Mỗi khi giúp đỡ được một mảnh đời bất hạnh, tôi lại có thêm một niền vui và hạnh phúc”, bà Sông tâm sự.

Kể từ ngày đó, những chuyến đi làm từ thiện ngày càng nhiều, những mảnh đời cơ nhỡ đến với bà cũng ngày một tăng. Mỗi lần đi ra ngoài làm việc, bắt gặp những đứa trẻ mồ côi hay khuyết tật không chốn nương thân ở các bến xe, khu chợ, bà lại đem về cưu mang, coi chúng như con ruột.

Để các em có chỗ ăn ngủ tốt hơn, sau khi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cấp phép, bà đã thành lập Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc. Bà dồn toàn bộ số tiền tích cóp được để san ủi mặt bằng, xây dựng nhà ở và xưởng dạy nghề cho các trẻ mồ côi, khuyết tật.

Mỗi đứa trẻ đến với bà lại có một thân phận khác nhau. Có em mồ côi, có em bị tâm thần, lại có em bị cả câm lẫn điếc… Thế nhưng tất cả bà đều xem chúng như những đứa con do chính mình sinh ra, tận tình chăm sóc, dạy bảo.

Bài học đầu tiên bà dạy cho những đứa trẻ ở Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc không chỉ là những con chữ mà là cách làm người. Bà chỉ bảo các em từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử lễ phép trong cuộc sống. Bà thường xuyên kể những câu chuyện về tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên để giúp các em có thêm nghị lực.

Từ sáng đến tối, bà xuôi ngược khắp nơi để lo cho các em có được những bữa cơm no, những manh ao mặc mỗi ngày, rồi tiền thuốc thang những lúc các em ốm đau, tiền ăn học.

Thế rồi, những đứa trẻ không chốn nương thân, những mảnh đời cơ nhỡ gõ cửa nhà bà ngày một đông. Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc cứ lớn dần lên theo năm tháng. Nhiều đưa trẻ mồ côi, khuyết tật ở các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hải Dượng, Quảng Ninh cũng tìm đến bà.

Cứ như thế, bà Sông đã trở thành người mẹ hiền của những mảnh đời bất hạnh. Hiện, bà đang nuôi dưỡng hơn 40 đứa trẻ khuyết tật và không nơi nương tựa. Ngoài ra, bà còn nhận bảo trợ cho 50 em mồ côi bên ngoài.

Chấp cánh cho những ước mơ

 Trẻ mồ côi và khuyết tật học nghề tại Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc - Ảnh Chinhphu.vn

Trẻ mồ côi và khuyết tật học nghề tại Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc - Ảnh Chinhphu.vn

Bà Sông cho hay, nhiều trẻ em mồ côi, khuyết tật khi đến với trung tâm đã được bà tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Không ít em đã học các trường đại học, cao đẳng. Bây giờ, có em đã trở thành bác sĩ, có em là giáo viên.

Không chỉ vậy, nhiều em ở trung tâm sau khi học nghề xong đã được bà giúp đỡ để mở cơ sở sản xuất riêng, tạo lập cuộc sống. Và cũng đôi bàn tay của bà đã “se duyên” cho 62 cặp khuyết tật và mồ côi xây dựng tổ ấm riêng.

Đưa chúng tôi xuống xưởng dạy nghề, bà Sông giới thiệu về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của em Nguyễn Văn Học mới 14 tuổi, người dân tộc Tày.

Em sinh ra ở một vùng miền núi nghèo khó ở huyện Sơn Động, Bắc Giang. Em mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ em bỏ nhà ra đi đã lâu. Em sống với bà nội nhưng bà em tuổi đã cao, sức yếu. Mọi gánh nặng đều đổ lên đôi vai gày yếu của người bà.

Kể từ ngày em đến với Trung tâm nhận đạo Thiên Phúc gần 1 năm nay, bà Sông coi em như con ruột, lo cho em từng bữa ăn, giấc ngủ, mua cho em sách, vở để em đến trường.

Nói về mẹ Sông, Nguyễn Văn Học không giấu nổi sự xúc động: “Mẹ luôn quan tâm chăm sóc, dạy bảo cho con và các em. Ở đây, con cảm thấy rất vui và đầm ấm”.

Còn em Hà Thị Sang ở Phường Thọ Xương lại có hoàn cảnh khác. Em bị liệt nửa người và bị chấn thương sọ não trong một vụ tai nạn giao thông khi mới 2 tuổi. Đến với bà Sông, em không chỉ nhận được tình thương yêu, chia sẻ mà còn được dạy nghề để có thể tự lo cho cuộc sống. Bây giờ đôi tay cong queo của em đã thêu được những bức tranh đẹp.

Không chỉ có em Học, em Sang mà hơn 40 trẻ mồ côi, khuyết tật ở trung tâm đều được bà chăm lo học hành và dạy nghề để có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão và hòa nhập cộng đồng.

Với những thành tích trên, bà là đại biểu của tỉnh Bắc Giang tham dự Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ em mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội năm 2010. Bà cũng được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen.

Nhìn những đứa trẻ khuyết tật đang cặm cụi học nghề, bà bộc bạch: “Tôi rất mong các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội giúp đỡ về vật chất và tinh thần để tôi có thể mở rộng trung tâm, nuôi dưỡng được nhiều hơn nữa những mảnh đời bất hạnh”.

Nguyễn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nguoi-me-cua-nhung-manh-doi-bat-hanh/201110/100845.vgp