Người mẹ 'thứ hai' của những bệnh nhân nhi

Đối với đội ngũ y, bác sĩ điều trị bệnh nhi, họ không chỉ hết mình điều trị, chăm sóc bằng tinh thần trách nhiệm, mà còn đóng vai trò như người cha, người mẹ luôn đồng hành, theo dõi, hỗ trợ các bé chiến đấu, chiến thắng bệnh tật để trở về vòng tay của gia đình.

Niềm vui lớn nhất của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Máu - Thận (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) là bệnh nhi được khỏe mạnh, trở về vòng tay của cha mẹ.

Niềm vui lớn nhất của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Máu - Thận (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) là bệnh nhi được khỏe mạnh, trở về vòng tay của cha mẹ.

Khoa Tâm lý lâm sàng - Nhi (Bệnh viện Tâm thần) hiện đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhi, chủ yếu từ 5 tuổi đến dưới 15 tuổi. Phần lớn bệnh nhi ở đây mắc một số bệnh lý về rối loạn cảm xúc, tăng động, chậm nói, câm điếc bẩm sinh, không tự chủ được ý thức, hành vi, ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc, điều này gây không ít khó khăn cho công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm, Trưởng khoa chia sẻ: “Khám và chữa bệnh cho trẻ em đã khó, đối với bệnh nhi tâm thần càng khó gấp bội, thế nên ngoài kiến thức chuyên môn, người bác sĩ ở đây còn phải rèn luyện cho mình bản lĩnh, “tinh thần thép” cùng lòng yêu trẻ và sự nhiệt tình, nếu không dù chuyên môn giỏi đến mấy cũng không thể chăm sóc tốt cho bệnh nhi được. Bệnh nhân nhi ở đây không phải mắc các bệnh cấp cứu, viêm nhiễm cấp tính mà mắc bệnh từ tâm. Do đó, trong quá trình thăm khám, đội ngũ y, bác sĩ của khoa thường chú ý quan sát trạng thái, ánh mắt, cử chỉ của bệnh nhi để tìm cách trò chuyện, vỗ về, giúp các bé cảm thấy sự tin tưởng, an toàn và thoải mái khi tiếp xúc với bác sĩ”.

Ở Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi), những nữ điều dưỡng với tình yêu thương trẻ lớn lao đã luôn đồng hành, hỗ trợ giúp các bệnh nhi chiến đấu, chiến thắng bệnh tật. Họ tận tâm phục vụ, lấy nụ cười, sức khỏe của trẻ thơ làm niềm vui của chính mình. Năm nay 33 tuổi, nhưng chị Lại Thị Phương Thảo đã có 8 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, từng ấy năm công tác chị không thể nhớ hết được những đứa trẻ mình chăm sóc. Chia sẻ về chuyện đời chuyện nghề, chị tâm sự, khoa thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhi bị các bệnh nặng như hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu, ngộ độc... Phần lớn bệnh nhi khi vào khoa điều trị, các bé phải tự lập, cách ly với người thân, kể cả mẹ. Với các bệnh nhi này, đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng phải thực hiện chăm sóc toàn diện từ việc cho trẻ uống sữa, đến thay tã, vệ sinh hàng ngày… Riêng việc cho trẻ ăn, phải được thực hiện một cách khoa học với sự tính toán kỹ lưỡng. Đây là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, sức chịu đựng kém nên đòi hỏi người điều dưỡng khi chăm sóc phải thận trọng trong từng thao tác. Hơn nữa, ngoài việc thực hiện y lệnh, các điều dưỡng cần luôn bám sát, không được rời mắt khỏi trẻ 24/24 giờ trong ngày.

ThS.BS Nguyễn Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) thăm khám cho bệnh nhi.

Có mặt tại Khoa Máu – Thận (Bệnh viện Nhi) chứng kiến các thầy thuốc đi từng phòng bệnh ân cần hỏi han, thăm khám, chú ý từng chế độ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, hỗ trợ hô hấp bằng máy tự tạo oxy, đảm bảo vô khuẩn để tránh nhiễm trùng cho bệnh nhi, trong lòng chúng tôi không khỏi xúc động. Dù công việc vất vả, áp lực thế nhưng họ vẫn cố gắng, nỗ lực hết mình vì bệnh nhân. Với họ, mỗi lần được nhìn thấy những em bé khỏe mạnh ra viện, nụ cười vui vẻ, cái bắt tay cảm ơn của bố mẹ là niềm vui, đó là món quà vô giá. Ths.BS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Trưởng khoa Máu – Thận (Bệnh viện Nhi) cho biết: Trẻ em, nhất là những đứa trẻ chưa biết nói, việc chẩn đoán ban đầu gặp nhiều khó khăn. Những lúc ấy, chính sự thấu hiểu cộng thêm quan sát tỉ mỉ đã giúp bác sĩ sớm tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất. Bệnh nhi điều trị ở khoa chủ yếu mắc chứng bệnh nặng, có cả ung thư. Nhiều lúc thấy con đau đớn, quằn quại, một số phụ huynh không kiềm chế cảm xúc gây áp lực khiến đội ngũ y, bác sĩ rất căng thẳng. Dẫu vậy, bằng tình thương, mỗi ngày qua đi, mọi người đều đang nỗ lực, cố gắng từng chút một với hy vọng chưa bao giờ tắt về một ngày các con được khỏe mạnh, trở về vòng tay yêu thương của gia đình.

Đội ngũ y, bác sĩ Khoa Tâm lý lâm sàng - Nhi (Bệnh viện Tâm thần) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhi là một cuộc chiến thầm lặng, đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các y, bác sĩ và điều dưỡng. Họ luôn phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa theo dõi, lắng nghe sự sống của hàng trăm đứa trẻ, vừa đóng vai trò như là người cha, người mẹ chăm sóc cho những đứa con thơ dại.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-me-thu-hai-nbsp-cua-nhung-benh-nhan-nhi/28306.htm