Người mở cõi

Đầu thế kỷ thứ XVI, được phái chỉ của triều đình đời vua Lê Thánh Tông, ông Chu Công Đình cùng với 3 con trai khăn gói lên đường mở cõi vào phương Nam. Đến làng Tiên Châu thuộc trấn Quảng Nam, phủ Thăng Hoa (huyện Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay) ông quyết định dừng chân khai cơ lập ấp, quy tập dân làng. Từ đó cho đến nay, trải qua hơn 300 năm lịch sử, vùng đất này vẫn luôn giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của ông cha, tiên tổ để lại.

Cổng làng Tiên Châu.

Cổng làng Tiên Châu.

* Ngày 9-1, nhân dân địa phương tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với mộ Tiền hiền làng Tiên Châu. Đây là sự ghi nhận xứng đáng về giá trị của công trình kiến trúc cổ và công lao của các bậc tiền nhân đối với lịch sử hình thành và phát triển làng xã vùng đất Quảng Nam. Hằng năm cứ vào 14 tháng Giêng âm lịch thì 35 chư tộc phái và nhân dân trong làng cũng như những người con của làng làm ăn sinh sống trên mọi miền đất nước sẽ quy tụ về giỗ ông Tiền hiền.

Ngoài khu lăng mộ, Nhà thờ Tiền hiền làng Tiên Châu cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như: cây xà cò và bức cẩn thờ, chiếc phèng la bằng đồng cổ được dùng để báo tin khi có người quá cố, tượng phật cổ, giếng làng, cây thị cổ thụ được công nhận cây di tích...

Khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp

Đầu TK XV (1403), triều đại nhà Hồ sau khi thương thảo với triều đại Chiêm Thành giao nhượng hai động: Chiêm Động (Bắc Quảng Nam) và Cổ Lũy Động. Từ đó, nhà Hồ chia Chiêm Động và Cổ Lũy Động thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh 4 châu. Châu Thăng được chia thành 3 huyện: Lệ Giang, Đỗ Hà và An Bị. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông lên ngôi (26-6-1460) tổ chức cải cách hành chính tại các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và thành lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm vùng đất từ Nam sông Thu Bồn đến Đèo Cả và chia làm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Mỗi phủ chia làm 3 huyện. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Hệ Giang, Hà Đông, Hy Giang. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đó trong lịch sử mở nước của dân tộc ta.

Theo tài liệu từ nguồn gia phả của tộc Châu và một số tộc phái còn lưu giữ tại làng: Vào đầu thế kỷ thứ 16, tổ tiên Chu Công Đình, vị thủy tổ của tộc Châu quê ở xã Cổ Đạm (nay là xã Cương Giáng), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được phái chỉ của triều đình đời vua Lê Thánh Tông vào Nam mở rộng bờ cõi vùng đất phương Nam. Cùng với các tộc anh em, Ngài thủy tổ Châu tộc Chu Công Đình đã đến vùng đất mới khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, xây dựng cơ sở và đặt tên làng là Tiên Châu thuộc trấn Quảng Nam, phủ Thăng Hoa (Thăng Bình ngày nay). Ông Chu Công Đình đưa 3 con trai vào khai khẩn vùng đất Bàu Niên, Đồng Niên, Đồng Trảng (nay là thôn Châu Khê, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ông mất giao sự nghiệp cho 3 con là: Châu Văn Đình - con trai cả của Ngài (phái I), Châu Văn Kĩnh (phái II), Châu Văn Đạo (phái III) tiếp tục cùng với các chư tộc phái khác phát triển kinh tế - xã hội lập ấp dựng làng.

Đến nay chưa có sử liệu nào ghi ông Chu Công Đình sinh vào ngày tháng năm nào và mất vào thời gian nào. Nhưng căn cứ vào việc đổi họ Chu sang học Châu bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi 1961 nên gọi họ Chu là phạm húy chúa, do đó họ Chu đổi thành họ Châu và Ngài thủy tổ tộc Chu lúc bấy giờ là Chu Công Đình được đổi tên thành Châu Văn Đình (lấy theo tên người con trai cả), kể từ đó cho đến nay lịch sử đã trải qua trên 300 năm, có thể khẳng định ông Chu Công Đình đã mất từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, cách đây khoảng 326 năm.

Với những công lao, đóng góp của Ngài Chu Công Đình trong việc khai cơ, lập ấp, lập lên làng Tiên Châu, toàn thể nhân dân và các tộc bạn trong làng đồng ý ký thành văn bản suy tôn vị thủy tổ Châu Tộc là Châu Văn Đình và sau đó Ngài đã được vua ban sắc phong là vị Tiền hiền làng Tiên Châu. Sau khi Ngài mất đi con cháu trong làng luôn tỏ lòng thành kính và tôn vinh Ngài là đức Tiền hiền làng Tiên Châu.

Lăng mộ Tiền hiền làng Tiên Châu.

Lăng mộ Tiền hiền làng Tiên Châu.

Độc đáo mộ Ngài thủy tổ

Ngài Chu Công Đình được nhân dân trong làng an táng tại tổ 3 thôn Châu Khê. Lăng mộ của Ngài Châu Tiền hiền được xây dựng ở vị trí thuận lợi và chỉ dành riêng cho Ngài. Khu đất này bằng phẳng, rộng và cao. Từ khi Ngài được an táng ở đây theo lệ làng đã qua hơn 300 năm vùng đất này chỉ được an táng và xây lăng mộ cho Ngài Tiền hiền, những người trong làng từ trần sau đó cho đến nay chỉ được an táng phần đất rất xa với lăng mộ của Ngài.

Khu lăng mộ của Ngài Tiền hiền Chu Công Đình được xây dựng có lối kiến trúc theo văn hóa cổ, với những câu đối bằng chữ Hán được ghi trên lăng mộ đã thể hiện được điều này. Đến với lăng mộ của Ngài sẽ bắt gặp trên môn ngoại mặt chính diện có ghi 2 câu đối bằng chữ Hán. Vào bên trong mặt sau của môn ngoại cũng có ghi 2 câu đối bằng chữ tương tự.

Đứng trước ngôi mộ sẽ có cái nhìn bao quát về bức tường thành được xây dựng rất bề thế, uy nghiêm và cổ kính, với cách bố trí các hệ thống trụ cột liên hoàn rất kiên cố và được trang trí bởi các đường nét hoa văn đẹp mắt. Bức tường phía trước được bố trí 6 cây trụ cột trong đó 4 cây trụ được gắn 4 bông hoa sen trên đỉnh cột tượng trưng cho sự linh thiêng, cao quý, ngoài ra còn có ý nghĩa về âm dương ngũ hành và khuyên bảo tất cả con cháu của Ngài Tiền hiền phải có ý chí biết vươn lên trong cuộc sống. Bức tường phía trước và 2 cổng đi vào khu lăng mộ được các nghệ nhân đắp nổi hình con hổ dữ nhằm mục đích trấn giữ an toàn cho 2 lối đi vào và toàn bộ sự yên bình cho khu lăng mộ bên trong.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ Tiền hiền làng Tiên Châu cho lãnh đạo xã Bình Sa (huyện Thăng Bình).

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng mộ Tiền hiền làng Tiên Châu cho lãnh đạo xã Bình Sa (huyện Thăng Bình).

Đi vào khu lăng mộ sẽ bắt gặp một bức bình phong án ngữ trước phần mộ. Bình phong có dạng hình cuốn thư với chiều dài 2m, cao khoảng 2,5m được trang trí sắc sảo ở 2 cánh cung 2 bên với những bông hoa sen thanh tao và trang nhã; trên đỉnh đầu của bức bình phong được trang trí những mái cong uốn lượn uyển chuyển và được gắn 2 con cá chép thể hiện sự đoàn kết, may mắn, sức mạnh và sự cao quý trong bức tranh cửu ngư quần tụ bên hoa sen. Ngoài ra trong tâm linh người Việt còn quan niệm rằng đây cũng chính là phương tiện đi lại của các Ngài...

Mặt sau của bức bình phong này được đắp nổi các bông hoa sen với các chùm rễ kéo dài trong nước. Đây là quan niệm theo thuyết âm dương, từ phần gốc, thân sen chìm trong nước, trong tối khuất thì thuộc âm, phần lá và hoa nở trên mặt nước, khoe hình sắc dưới ánh mặt trời là thuộc dương với ý nghĩa hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học - nhân sinh cao quý, ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân làng Tiên Châu nói riêng. Đây cũng chính là ý nghĩa triết lý về cuộc sống của con người ở hai hoàn cảnh trái ngược nhau và dù hoàn cảnh như thế nào chúng ta cũng phải cố gắng vươn lên và ngẩng cao đầu như một bông hoa sen vươn lên trong nắng.

Hai bên tả hữu của bức bình phong cũng được bố trí các linh vật ngồi trấn giữ và đem lại sự bình an cho toàn khu lăng mộ. Nằm sau bức bình phong là gian hậu tẩm. Khi đi vào hậu tẩm, hai bên tả hữu có cặp câu đối chữ Hán. Hậu tẩm là nơi an vị thi hài của Ngài. Hậu tẩm có hình chữ nhật có diện tích 12m2. Khu vực này không có mái che, bức tường của hậu tẩm được làm theo kiểu "mái chồng diêm" và có nét kiến trúc, mỹ thuật với giá trị thẩm mỹ cao. Hai đầu hậu tẩm và tấm bia đá cổ ở đầu hậu tẩm có đắp nổi hình tượng con dơi ngậm đồng tiền theo triết lý phương Đông cầu mong phúc tài lộc sẽ mang đến. Bên trong hậu tẩm có nấm mộ được xây kín theo lối kiến trúc cổ bằng vật liệu vôi vữa, có dạng hình chữ nhật, chiều dài 2m, rộng 1,2m, cao 0,4m. Toàn bộ nấm mộ được quét bằng vôi trắng đã rêu phong.

Từ những ý nghĩa nêu trên đã làm nên giá trị lịch sử và ý nghĩa về mặt văn hóa rất riêng về lăng mộ của Ngài Tiền hiền Chu Công Đình. Một sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật đắp nổi bằng vật liệu vôi vữa và cách bài trí các linh vật xung quang lăng mộ đã tạo nên một giá trị kiến trúc nghệ thuật rất riêng và rất độc đáo của di tích này. Lăng mộ được nhân dân xây dựng tại tổ 3 thôn Châu Khê là nơi thể hiện rõ nét đạo lý " Uống nước nhớ nguồn" của con cháu hôm nay đối với các bậc tiền nhân, cha ông đi trước.

Phi Nông

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_237228_nguoi-mo-coi.aspx