Người Mông ở Làng Giai

Gần 10 năm trước, hơn chục hộ đồng bào người Mông di cư từ huyện Hòa An (Cao Bằng) về xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) để xây dựng cuộc sống mới. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, họ đã dần ổn định cuộc sống.

Nhờ có hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện, người Mông Làng Giai đã có nước sạch dẫn về từng gia đình.

Nhờ có hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện, người Mông Làng Giai đã có nước sạch dẫn về từng gia đình.

Khu Nước Ấm, xóm Làng Giai, cách không xa trục đường liên xã La Hiên - Cúc Đường. Đường vào đây bám theo sườn núi, đủ rộng để một chiếc xe ô tô nhỏ có thể đi đến tận ngôi nhà cuối cùng trong khu. Các hộ dân đều được sử dụng nước sạch, điều tưởng chừng rất đơn giản, nhưng với họ thì đó là ước mơ bấy lâu giờ mới thành hiện thực.

Chị Ngô Thị Tuyết nhớ lại: Ngày trước, chưa được Nhà nước xây bể, làm ống dẫn nước, bà con nơi đây khổ sở vì thiếu nước. Cả khu dùng chung một nguồn nước từ trong khe núi chảy ra. Như nhà tôi, buổi sáng mấy người phải chung nhau 1 chậu nước để rửa mặt. Để có được nước dùng, tôi phải mang can đến khe nước đầu nguồn gánh về.

Đứng gần đó, chị Đào Thị Sông góp chuyện: Các gia đình bàn nhau mua đường ống dẫn nước về cho đỡ nhọc. Nhưng vì đường ống nhỏ, nước lại yếu nên các nhà lại phải chờ nhau, có khi nước về được đến nhà cuối cùng cũng đã hơn 8 giờ tối. Có lúc, nhà trên nhà dưới to tiếng với nhau chỉ vì… nước. Nhưng bây giờ thì khác rồi, nước về từng nhà, dùng thoải mái.

Nhiều gia đình ở khu Nước Ấm, xóm Làng Giai được hỗ trợ bò giống sinh sản.

Nhiều gia đình ở khu Nước Ấm, xóm Làng Giai được hỗ trợ bò giống sinh sản.

Ông Vũ Đức Hoan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã La Hiên cho biết: Hiểu được sự thiếu thốn, khó khăn của bà con nơi đây, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo UBND xã lên kế hoạch xây dựng công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con. Công trình được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ huyện (1989-2019), với tổng trị giá gần 70 triệu đồng. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ huyện Võ Nhai hỗ trợ trên 50 triệu đồng, còn lại là đối ứng của người dân bằng ngày công lao động. Công trình hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng từ tháng 9-2019.

Chúng tôi vào thăm các hộ dân nơi đây, hầu hết chỉ gặp người già, chị em phụ nữ ở nhà, còn các anh chồng, thanh niên đều đã đi làm thuê. Quây quần bên bếp lửa, ông Hoàng Văn De bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ để người Mông Làng Giai có cuộc sống mới ổn định. Gia đình ông De là hộ đầu tiên di cư từ Hòa An (Cao Bằng) về Làng Giai vào năm 2010. Những năm sau đó, lần lượt những hộ khác cũng theo ông De về đây định cư. Cho đến nay, khu Nước Ấm có 14 hộ người dân tộc thiểu số, trong đó có 12 hộ đồng bào Mông.

Từ ngày đến đây, các hộ người Mông ở Làng Giai được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để an cư lạc nghiệp, như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ làm nhà ở…

Cán bộ xã La Hiên đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con người Mông Làng Giai.

Cán bộ xã La Hiên đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con người Mông Làng Giai.

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về thì gặp chị La Thị Dinh từ trên núi ôm cỏ về cho bò ăn. Chị cho biết: “Đây là con bò giống sinh sản mà gia đình vừa được Hội Nông dân xã hỗ trợ nuôi hồi giữa năm. Trong quá trình nuôi, tôi được tập huấn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng bệnh nên bò phát triển tốt, khỏe mạnh”. Không chỉ có gia đình chị Dinh, ở khu Nước Ấm, có 12 hộ cũng được hỗ trợ bò giống sinh sản. Thấy hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi bò, gia đình anh Hoàng Văn Sình còn mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi, tìm hướng hướng thoát nghèo.

Có thể thấy, sau gần 10 năm sinh sống ở Làng Giai, cùng với việc được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước, các hộ đồng bào người dân tộc thiểu số ở đây đã nỗ lực vươn lên dần ổn định cuộc sống, từng bước phát triển. Mừng nhất là bọn trẻ, nhờ có nhà ở gần trung tâm xã nên các cháu đều được đi học đầy đủ, không ai bị thất học. Người Mông Làng Giai không còn phải lo chạy ăn từng bữa, hầu hết các hộ xây dựng được nhà ở kiên cố, sử dụng nước sạch sinh hoạt... Với họ, nơi đây chính là “mảnh đất lành” để xây dựng cuộc sống ấm no.

Hoàng Anh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nguoi-mong-o-lang-giai-268749-85.html