Người Mông ở Pù Nhi tự nguyện giao nộp súng tự chế
Do tập tục và môi trường sinh sống nên nhiều người dân tộc Mông ở Pù Nhi (Thanh Hóa) thường có thói quen lưu giữ và sử dụng súng tự chế. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, dễ xảy ra sự cố đáng tiếc.
Xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có đường biên giới giáp Lào dài 15 km, có 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 74%.

Đường lên xã Pù Nhi
Với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, thói quen du canh du cư của người Mông đã thay đổi. Người dân sinh sống dọc các triền đồi, tạo thành bản, làng. Hệ thống đường giao thông, điện sáng cũng được đầu tư, xây dựng cho người dân thuận tiện đi lại, sinh sống.
Đời sống vật chất ngày càng nâng lên, các phương tiện hiện đại, thông tin mới được người dân tiếp cận. Từ đó tạo ra chuyển biến về nhận thức. Lực lượng Công an xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để rà soát, nắm tình hình, lập danh sách những địa bàn trọng điểm, đối tượng có biểu hiện nghi vấn chế tạo, lưu giữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ…

Đường giao thông vào bản được đầu tư
Qua đó, tranh thủ và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân vừa tự giác giao nộp, vừa tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, nên ý thức chấp hành pháp luật và quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng súng, công cụ của các tầng lớp nhân dân đã thay đổi rõ rệt. Chỉ tính từ năm 2024 đến nay, Công an xã Pù Nhi đã vận động người dân giao nộp 20 khẩu súng tự chế, trong đó có 2 súng kíp, 18 súng cồn.

Người dân tự nguyện giao nộp súng cho cơ quan chức năng (ảnh công an cung cấp)
Anh Hơ Văn Dia ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi cho biết: Lâu nay, người dân chúng tôi thường có thói quen lưu giữ trong nhà một số loại vũ khí như súng săn, nỏ…để săn bắn, bảo vệ mùa màng hoặc treo trong nhà. Bản thân tôi cũng có một khẩu súng kíp tự chế, thỉnh thoảng vẫn mang ra để săn bắn.
Sau khi được cán bộ Công an xã Phù Nhi tuyên truyền, nói rõ về hậu quả, tác hại của việc tàng trữ, sử dụng súng săn là trái phép, tôi đã hiểu và tự giác mang khẩu sung kíp đã gắn bó với mình nhiều năm qua ra giao nộp. Mình phải gương mẫu để bà con trong bản, anh em trong dòng họ làm theo.

Người Mông ở Pù Nhi thu hoạch sắn, an cư lạc nghiệp
Cùng với sự tự giác chấp hành của người dân, thời gian qua, Công an xã Pù Nhi đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Pù Nhi làm tốt công tác tuần tra biên giới, tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đồng thời, rà soát nắm bắt thường xuyên số người có biểu hiện nghi vấn tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nỗ trái phép, từ đó có phương án, kế hoạch vận động giao nộp, thu hồi.
Thiếu tá Hà Văn Ban, Trưởng Công an xã Pù Nhi cho hay: "Hiện nay, việc người dân vẫn còn tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế để săn bắn và họ thường giấu trên nương, trên rẫy khi cần mới lấy ra sử dụng nên gây nhiều khó khăn cho công tác vận động, thu hồi.
Trong thời gian tới, Công an xã sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp để tuyên truyền vận động, thu hồi một cách triệt để; đối với các trường hợp cố tình không giao nộp, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-mong-o-pu-nhi-tu-nguyen-giao-nop-sung-tu-che-475932.html