Người Mông tiên phong thoát nghèo ở Pa Búa

Pa Búa, xã Trung Lý (Mường Lát) - bản nghèo nằm cheo leo giữa núi rừng hiểm trở nên giao thông đi lại vô cùng khó khăn, chúng tôi vất vả mới có thể hẹn gặp được anh Sùng A Vư, sinh năm 1992 và vợ là Thào Thị Pâu, sinh năm 1996. Sùng A Vư khoe: 'Tết này hai vợ chồng được chủ xưởng ngoài Nam Định cho nghỉ sớm một tuần. Trước khi nghỉ, còn thưởng cho mỗi người thêm một tháng lương'.

Vợ chồng nhà Sùng A Vư, ở bản Pa Búa (bên trái ảnh) kể về lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Vợ chồng nhà Sùng A Vư, ở bản Pa Búa (bên trái ảnh) kể về lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hai vợ chồng Sùng A Vư có với nhau 5 mặt con. Đứa lớn vào lớp 10, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Trong căn nhà gỗ khang trang, Sùng A Vư kể cho chúng tôi nghe hành trình “vượt núi” thoát nghèo của gia đình "Khoảng 5 năm trước, vợ chồng Vư được một người trong họ giới thiệu ra tỉnh Nam Định tìm việc, rất may hai vợ chồng được một chủ xưởng làm nến nhận vào làm. Tại xưởng sản xuất nến, hai vợ chồng làm việc chăm chỉ, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng để dành được gần 10 triệu đồng. Số tiền tích cóp được trong những năm qua, hai vợ chồng gửi tiết kiệm để làm lại nhà và nuôi con ăn học. Ở nhà, mẹ vợ của Vư vừa chăm sóc các con cho vợ chồng đi làm xa, vừa nuôi thêm 10 con lợn mán và 4 con trâu chăn thả trên rừng...

Cuối năm 2024, khi cuộc sống no ấm hơn, trong một lần về thăm nhà, nghe chuyện người Mông, người Thái ở bản khác viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, sau khi nhận được cái gật đầu đồng tình từ vợ, Vư đi xe máy đến trung tâm xã nhờ cán bộ hướng dẫn viết đơn thoát nghèo. Ban đầu bà con trong bản cũng xì xào, bàn tán. Một số người cho rằng không nên ra khỏi hộ nghèo để các con đi học được hưởng chế độ; gia đình được hưởng các chính sách. Nhưng cũng có nhiều người như các già làng, trưởng bản động viên, đánh giá cao tinh thần mạnh dạn đó của vợ chồng Vư.

Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Sùng A Thể cho biết, bản Pa Búa có 120 hộ, với 759 nhân khẩu. Là bản người Mông đặc biệt khó khăn của xã. Vào mùa mưa, Pa Búa biệt lập với trung tâm xã. Dù nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhưng bà con ở Pa Búa vẫn còn nghèo do thói quen trông chờ, ỉ lại.

Theo Trưởng bản Sùng A Thể, bà con sợ ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi sự hỗ trợ từ nhà nước, vì thế nhiều gia đình dù có điều kiện vẫn không muốn ra khỏi hộ nghèo. Song, gia đình Vư lại có suy nghĩ khác nên tết này, vợ chồng Vư sẽ được tuyên dương trên loa phát thanh của bản. Bởi, đây là hộ tiên phong của người Mông viết đơn thoát nghèo của bản. Cũng từ đây, hy vọng bà con trong bản noi theo, tự lực, vươn lên để thoát nghèo.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Xã có 15 bản thì có tới 11 bản là đồng bào người Mông. Trình độ dân trí thấp, tính trông chờ, ỷ lại vào chính sách còn nặng nề. Vì vậy, lá đơn xin thoát nghèo như của vợ chồng Vư có ý nghĩa rất đặc biệt. Đó không chỉ là giấy tờ hành chính mà còn tượng trưng cho ý chí vươn lên, là “cột mốc” quan trọng đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong tư duy và nhận thức của đồng bào người Mông ở Trung Lý nói riêng. Từ lá đơn của gia đình anh Vư, đầu năm 2025 này, xã tiếp tục nhận được 3 lá đơn của các hộ gia đình khác xin ra khỏi hộ nghèo.

Ông Ngân Văn Lon nói: “Kinh tế của xã có những chuyển biến tích cực, hiện toàn xã có 4 người đi xuất khẩu lao động, 469 người rời bản đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, bà con trồng sắn cao sản cho năng suất, thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống trước đó. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người của xã là 17,37 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 39,37%”.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã nhận được hàng trăm lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của bà con Nhân dân. Việc tự nguyện xin thoát nghèo tạo nên không khí phấn khởi trong phong trào thoát nghèo ở huyện vùng biên.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-mong-tien-phong-thoat-ngheo-o-pa-bua-34991.htm