Người Mông trồng rừng ở Bắc Mê

Với tập quán như phát nương làm rẫy, trồng ngô và chăn nuôi trâu, bò,… là nét riêng của đồng bào dân tộc Mông. Nhưng nay, nhằm xây dựng và phát triển kinh tế, đồng bào Mông tại huyện Bắc Mê đã dần chuyển hướng chọn việc trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi mới và coi việc bảo tồn và bảo vệ sinh thái rừng là nhiệm vụ hàng đầu.

Diện tích rừng trồng của gia đình anh Mã A Sèo, thôn Khuổi Phủng, xã Giáp Trung phát triển tốt.

Diện tích rừng trồng của gia đình anh Mã A Sèo, thôn Khuổi Phủng, xã Giáp Trung phát triển tốt.

Để có được sự thay đổi trong tư duy và xây dựng sinh kế mới cho người dân, đặc biệt là sự thay đổi và tạo chuyển biến của người Mông trong nhận thức về giá trị từ rừng luôn được huyện xem trọng và đưa vào nghị quyết Đảng bộ huyện. Chia sẻ về cách làm và các giải pháp của huyện, đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê, cho biết: “Với nhiều cơ chế hỗ trợ cùng những chính sách trong việc phát triển kinh tế từ trồng rừng, những năm gần đây diện tích rừng trồng của Bắc Mê tăng cao và có nhiều diện tích rừng trồng đã được thu hoạch, từ đó kích thích và trở thành động lực cho sự thay đổi của đồng bào các dân tộc sinh sống tại địa phương. Điều đáng mừng cũng như hiệu quả nhất đó là tại các xã, người Mông đã tham gia tích cực và phát triển mạnh trên lĩnh vực trồng và bảo vệ rừng. Qua đó, giúp tăng độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 60% và diện tích người dân trồng rừng trong những tháng đầu năm 2020 là 704ha/400ha, đạt 176% kế hoạch…”.

Tự ươm cây giống, tự tìm tòi cách chăm sóc cây từ những hộ trong xã và đặc biệt thấy được hiệu quả từ việc trồng rừng, anh Mã A Sèo, thôn Khuổi Phủng, xã Giáp Trung đã chuyển đổi toàn bộ diện tích nương ngô, đồi tạp của gia đình sang trồng cây rừng. Anh cho biết: “Với tập quán của người Mông, chủ yếu trồng cây ngắn ngày, mang lại hiệu quả nhanh và tức thời. Nhưng từ khi được đi tham quan và được xã tuyên truyền về trồng rừng, gia đình đã trồng thử nghiệm với số cây giống của xã cấp. Sau một năm, cây cao và phát triển tốt do phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Để tiếp tục nhân rộng, anh đã nghiên cứu và tự ươm cây giống như: Mỡ, Sa mộc… Qua đó, sau 5 năm, gia đình đã có hơn 6 ha cây rừng trồng. Bên cạnh đó, với cương vị là Trưởng thôn, tôi đã vận động người dân trong thôn trồng và phát triển rừng. Toàn thôn hiện có gần 20 ha rừng trồng. Trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục trồng thêm cây Quế và tăng diện tích trồng cây rừng…”.

Dự tính cho từng khoảnh đất, từng loại cây, anh Mua Chứ Thề, thôn Khuổi Phủng, chia sẻ: “Từ sự vận động và phong trào trồng rừng của người dân trong thôn, gia đình đã trồng hơn 2 ha rừng, với 2 loại cây chính là Mỡ và Sa mộc. Để thuận tiện cho việc thu hoạch và vận chuyển sau này, với những diện tích đất gần đường, gia đình chọn trồng cây Mỡ, Sa mộc để dễ vận chuyển; hiện, gia đình đang trồng thêm cấy Quế, với đặc tính của cây này là thu hoạch lá và vỏ cây nên gia đình trồng ở những khoảnh đồi xa nhằm dễ bảo vệ… Trong 2 năm đầu, để tận dụng diện tích đất, gia đình đã trồng thêm ngô và lạc sen với cây rừng, nhằm tạo nguồn lương thực phục vụ cho chăn nuôi và sinh hoạt hàng ngày. Sau hơn 3 năm trồng rừng đã góp phần xây dựng cảnh quan trong thôn trở nên xanh và khí hậu trong lành hơn…”.

Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy và phương pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông sống trên địa bàn huyện đã cho thấy sự chuyển hướng và cách làm đúng đắn của huyện trong việc chú trọng đẩy mạnh phát triển trồng rừng giống tốt. Bên cạnh đó, đã tạo nguồn sinh kế mới cho người dân thoát nghèo. Việc diện tích rừng ngày một tăng sẽ góp phần bảo vệ môi trường và tăng độ che phủ đất cũng như loại bỏ những vườn đồi tạp không mang lại giá trị kinh tế thành những vườn, đồi cây giống tốt mang giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202009/nguoi-mong-trong-rung-o-bac-me-765328/