Người mua trái phiếu thấp thỏm, ngân hàng lộ kế hoạch lãi khủng, doanh nghiệp sợ lãi suất tăng
Ảnh hưởng của việc hủy 9 đợt trái phiếu Tân Hoàng Minh tới thị trường, ngân hàng công bố kế hoạch lãi khủng mùa ĐHĐCĐ, doanh nghiệp lo lãi suất tăng… là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.
VCBS: Nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ, nhiều ngân hàng và thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng
Liên quan đến quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, theo thông tin công bố trên cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp, các khoản trái phiếu của các doanh nghiệp trên đều là các trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất kèm chứng thư định giá hoặc bằng các tài sản thế chấp là cổ phiếu với giá trị theo chứng thư định giá có giá trị 130% - 200% giá trị của các đợt huy động.
Tuy nhiên, đây hầu hết là các doanh nghiệp chưa niêm yết do đó khả năng thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có mức độ khả thi thấp hơn và mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, các lô trái phiếu trên phần nhiều đã được phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân với các gói kỳ hạn và giá trị linh hoạt. Cùng với đó, trong 8 lô trái phiếu đã tiến hàng công bố thông tin, 2 lô đã hoàn thành kỳ trả lãi đầu tiên cho các trái chủ. Điều này tiềm ẩn nhiều phức tạp trong quá trình hủy các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trên. Do đó, cần thêm thời gian để chờ đợi các văn bản hướng dẫn của các cơ quan lý đối với hướng giải quyết dành cho các trái chủ.
VCBS đánh giá, trong trường hợp các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân thì mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp.
Ngược lại nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ hoặc phá sản thì lúc đó thị trường tài chính cũng như các ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho Tân Hoàng Minh sẽ chịu tác động lan tỏa mạnh hơn. Về phía các ngân hàng, tác động trực tiếp của việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh là không nhiều.
Đối với các ngân hàng với vai trò là bên mua trái phiếu, theo thông tin hiện có thì các tổ chức tín dụng đã tham gia mua ít nhất 3 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, tuy nhiên quy mô của 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của 3 đợt ở trên và 10.000 tỷ đồng trái phiếu của cả 9 đợt phát hành vẫn là mức có tỷ trọng thấp so với tổng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp cùng ngành trên khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn dè dặt hơn rất nhiều về tính an toàn của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản từ năm 2018 khi nguồn tín dụng cho bất động sản bắt đầu được siết chặt.Nhìn rộng hơn, đứng từ góc độ cơ quan quản lý, đây là bước đi được cho là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn.
Đồng thời, không loại trừ khả năng thông tư sửa đổi Thông tư 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những điều khoản siết chặt hơn so với dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến thị trường.
Ở một khía cạnh khác sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.
“Nhìn chung, các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong linh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung”, VCBS nhận định.
Sẽ không để nhà đầu tư mất tiền sau vụ hủy trái phiếu Tân Hoàng Minh
Trao đổi với Baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hủy 9 đợt trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Trao đổi với Báo Đầu tư sáng 5/4/2022 về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy bỏ 9 đợt trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của nhóm công ty Tân Hoàng Minh, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh nhận định, trước khi đưa ra quyết định trên, chắc chắn Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan chức năng khác đã tính đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp này.
“Tôi cho rằng, trước khi đưa ra thông báo này, các cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết trả lại đủ tiền cho nhà đầu tư, nếu không đủ tiền mặt thì doanh nghiệp phải bán tài sản đảm bảo để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Với tài sản hiện nay, Tân Hoàng Minh hoàn toàn có thể trả lại toàn bộ tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư”, TS. Nghĩa nói.
Theo chuyên gia này, trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý - đặc biệt của Ủy ban chứng khoán- là phải duy trì lòng tin của thị trường, nếu không thị trường sẽ đổ vỡ. Thậm chí, ở một số quốc gia, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế đổ vỡ, Chính phủ còn phải đứng ra bảo lãnh thanh toán toàn bộ để giữ uy tín thị trường trái phiếu quốc gia sau đó siết, bán tài sản đảm bảo để thu hồi tiền vào.
Do Tân Hoàng Minh không phát hành trái phiếu quốc tế nên sự việc chưa đến mức phải Chính phủ vào cuộc, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp để bắt buộc Tân Hoàng Minh phải hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển sau sự cố Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư có thể yên tâm, không cần quá lo lắng. Vì mục tiêu cao nhất của cơ quan quản lý là phải bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ niềm tin thị trường và đã đàm phán, cân nhắc rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định”.
Ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn, lợi nhuận khủng trước thềm ĐHĐCĐ
* VPBank: Mục tiêu lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng, chia cổ tức 50%, mua 100% vốn Bảo hiểm Opes
Theo tài liệu vừa được công bố, tại ĐHĐCĐ năm nay, VPBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá năm 2022: lợi nhuận 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Ngân hàng cũng lên kế hoạch tăng vốn mạnh bằng hình thức chia cổ tức 50% và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ. Sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ mới dự kiến là 79.334 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, VPBank cũng trình cổ đông thông qua phương án góp vốn, mua cổ phần Công ty cổ phần bảo hiểm Opes Dự kiến, VPBank sẽ mua trên 90% vốn và đưa Công ty cổ phần bảo hiểm OPES trở thành công ty con của Ngân hàng. Giá mua: dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của Công ty. Bên cạnh đó, VPBank cũng dự kiến góp vốn bổ sung vào Công ty con là Công ty chứng khoán ASC (đã đổi tên thành VPBank Securities, tổng mức đầu tư, góp vốn tối đa vào Công ty là 15.000 tỷ đồng…*Quỹ lợi nhuận lên tới 40.000 tỷ đồng, Techcombank vẫn không chia cổ tức
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Theo kế hoạch trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2021 mà Techcombank trình cổ đông thông qua, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế của ngân hàng hiện lên tới hơn 40.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, HĐQT Techcombank vẫn tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức năm 2021, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Trong vòng hơn 10 năm qua, năm 2018 là năm duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết lên sàn HoSE. Mặc dù không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng hầu như năm nào ngân hàng nào cũng miệt mài phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.
* ABBank: Mục tiêu lợi nhuận tăng 56%, lên sàn HOSE năm 2022
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Ngân hàng TMCP An Bình (UPCoM: ABB) sẽ trình cổ đông thông qua phương án niêm yết sàn HOSE, chia cổ tức 10% để tăng vốn và thông qua mục tiêu lợi nhuận tăng 56%. Theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn tăng 18%, tín dụng tăng 17% (điều chỉnh theo room tín dụng được NHNN cho phép theo từng thời kỳ).
* TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 36%, chia cổ tức theo tỷ lệ 3:1.
Năm nay, HĐQT TPBank trình cổ đông thông qua kế hoạch tổng tài sản tăng 20%, huy động vốn tăng 12%, dư nợ tín dụng và trái phiếu tăng 18% lợi nhuận trước thuế tăng 36% đạt 8.200 tỷ đồng. Tại Đại hội, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn 33% (tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 21.090 tỷ đồng) thông qua việc phát hành cổ phiếu phổ thông từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ thực hiện 3:1 ( cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới), số lượng cổ phiếu phát hành sẽ đạt hơn 527 triệu cổ phiếu. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2021, TPBank tiếp tục hỗ trợ Công ty tài chính tiêu dùng Hafic và đặt mục tiêu năm nay sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Công ty Hafic, đưa công ty này thành công ty con của TPBank nhằm phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
* ĐHĐCĐ ACB: Tăng vốn lên gần 34.000 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trên 15.000 tỷ đồng
Năm 2022, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Theo đánh giá của HĐQT ACB, hoạt động năm 2022 mặc dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn. Về kế hoạch tăng vốn, ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới). Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Còn kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, ACB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
* Lợi nhuận tăng, chi phí kiểm soát tốt, Agribank đẩy mạnh bao phủ nợ xấu
Agribank vừa công bố báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2021 với lợi nhuận trước thuế14.502 tỷ đồng. Trong năm, nợ xấu tăng đáng kể song bao phủ nợ xấu cũng được nâng lên mức cao kỷ lục.
Báo cáo tài chính riêng cho thấy, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 14.502 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 11.611 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020 và là con số cao nhất từ trước tới nay. Trong năm, tổng thu nhập hoạt động của Agribank là 60.742 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm trước, đứng trong top 3 ngân hàng có doanh thu cao nhất hệ thống nhờ tất cả lĩnh vực kinh doanh đều có lãi, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt. Trong khi các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng ấn tượng thì chi phí hoạt động của Agribank lại được kiểm soát chặt chẽ, giảm 4,3% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tích cực.
Đáng nói, năm 2021, Agribank đã hi sinh khoảng 7.100 tỷ đồng lợi nhuận hỗ trợ khách hàng. Như vậy, nếu không giảm lãi suất, giảm phí hỗ trợ khách hàng, năm 2021, lợi nhuận thực của Agribank có thể lên tới trên 21.000 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tích cực nhưng Covid 19 đã phủ bóng lên nợ xấu của Agribank. Báo cáo tài chính cho thấy, nợ xấu của Agribank tại thời điểm 31/12/2021 là 24.553 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 là 1,71%, tỷ lệ tăng 0,14%. Mặc dù nợ xấu tăng song chất lượng tài sản của Agribank cũng được cải thiện rõ rệt nhờ độ bao phủ nợ xấu tăng mạnh trong khi lãi dự thu giảm mạnh. Cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đã tăng lên 138,6%, tăng khá nhiều so với mức hơn 110% năm 2020. Với nguồn lực dự phòng này, Agribank hoàn toàn có khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu cũng như cải thiện lợi nhuận trong tương lai.
Lãi suất nhấp nhổm tăng, doanh nghiệp thấp thỏm lo
Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, lãi suất huy động được nhiều ngân hàng đồng loạt tăng 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn. Cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng có biểu hiện nhích lên khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy (Hà Nội) cho hay, lãi suất cho vay đã được một số ngân hàng báo tăng 0,5%/năm so với năm ngoái. “Doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sau dịch, nhưng hiện giá vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển đều tăng chóng mặt, cộng thêm lãi vay tăng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, ông Việt Anh chia sẻ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian qua, dù ngành ngân hàng đã quan tâm chia sẻ, có nhiều gói hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, song điều kiện lại khá khó khăn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận. Gói cho vay cấp bù lãi suất 2% cũng chưa triển khai, trong khi lãi vay lại đang có nguy cơ tăng.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa cho hay, thời gian qua, các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 1,5 - 2%/năm. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn do thu hẹp thị trường, chi phí tăng cao dẫn đến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn…, thì mức giảm này là không đáng kể, trong khi tiếp cận lãi suất ưu đãi rất khó. Ông Đoan đề nghị, các ngân hàng có thêm các giải pháp tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo dự báo của HSBC, lãi suất điều hành sẽ tăng 50 điểm phần trăm trong quý III/2022 do áp lực lãi suất. Trước đó, các chuyên gia kinh tế Công ty Chứng khoán BVSC cũng dự báo, trước áp lực gia tăng của lạm phát, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ duy trì ở mức tương đối cao, chứ khó có thể giảm.
Ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank), rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới
Mặc dù lãi suất cho vay và huy động đều có dấu hiệu nhích lên, song các chuyên gia cho rằng, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên năm nay vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp. Dự báo mặt bằng lãi suất huy động năm nay nhích lên, nhưng lãi suất cho vay không tăng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt cung tiền.
Kiểm soát cung tiền chính là chốt chặn quan trọng nhất với lạm phát. Tôi cho rằng, nếu NHNN và Chính phủ quyết tâm kiểm soát cung tiền, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được. Nếu lạm phát không bị đẩy lên cao, mặt bằng lãi suất cũng sẽ được giữ ổn định.
“Hiện nay, sức nóng tăng giá hàng hóa đã phả vào nền kinh tế, các bà nội trợ là những người nắm rõ nhất. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN mấy năm nay khá vững vàng, chuyên nghiệp. Do đó, chúng ta không quá lo ngại về lạm phát tiền tệ. Khi NHNN kiểm soát được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế khá nhanh, không bị kích hoạt lên và vòng sau giảm so với vòng trước, lãi suất vì vậy cũng khó bị đẩy lên quá cao”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (NHNN) khẳng định, thời gian qua, NHNN kiểm soát rất chặt các chỉ tiêu tiền lệ để đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát không chỉ năm nay, mà cả những năm tiếp theo.
Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ từng năm, thậm chí là từng quý, đưa ra nhiều giải pháp để nắn tín dụng chảy vào sản xuất - kinh doanh, hạn chế tín dụng rủi ro. Về thanh khoản, NHNN cũng có nhiều giải pháp để ổn định thanh khoản thị trường, duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý… Những yếu tố này đã góp phần kiểm soát lạm phát trong thời gian qua.
“Chỉ khi kiểm soát được lạm phát, chúng ta mới có khả năng giảm được lãi suất. Trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, các biện pháp của NHNN đưa ra là làm sao cố gắng đáp ứng vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề lãi suất. Thực tế, trong 2 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay khá thấp, hỗ trợ rất tích cực cho doanh nghiệp phục hồi”, ông Long nhận định.
Công bằng hơn trong xử lý nợ xấu
Theo dự kiến, tại phiên họp thứ 10 (bắt đầu từ ngày 14/4/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại tờ trình nội dung trên, Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15/8/2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại nghị quyết này.
Nhưng, những ý kiến tham gia thẩm tra tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội không chỉ đặt ra yêu cầu cấp bách cần có Luật Xử lý nợ xấu, mà còn cho thấy việc chỉ đề xuất kéo dài Nghị quyết 42 là mất đi cơ hội để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn.
Theo quy trình, để có được hồ sơ trình Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) đã phải thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành, đối tượng chịu sự tác động. Thế nhưng, ở phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, vẫn có ý kiến phản ánh rằng góp ý chưa được tiếp thu.
Theo Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, Nghị quyết 42 nêu rõ, những trường hợp nào Nghị quyết không quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành, mà Nghị quyết không có quy định gì về thuế, nên đương nhiên ngành thuế vẫn thực hiện theo luật hiện hành. Thế nhưng, trên thực tế, ngành thuế đã phải “vận dụng” để thực hiện Nghị quyết 42. Cụ thể là, các doanh nghiệp có tài sản bảo đảm đi vay ngân hàng không trả nợ được (họ cũng đang nợ thuế) thì bị kê biên tài sản, theo luật thuế thì lẽ ra phải kê biên để thu thuế, nhưng thực hiện Nghị quyết 42, nên cơ quan thuế không kê biên.
Rồi khi bán tài sản thì đương nhiên tiền phải thu về ngân sách trước, nhưng lần này cũng để doanh nghiệp ưu tiên trả nợ ngân hàng đầy đủ đã. Cả hai việc này, theo ông Nguyễn Văn Phụng, là nếu cứ chiếu theo luật thì đầy rủi ro cho cán bộ thuế.
Một vấn đề nữa, đã báo cáo mà chưa được tiếp thu, nên nhân diễn đàn này, ông Phụng giãi bày “giùm” 3 vạn cán bộ thuế đang phải chịu ấm ức, đó là vướng mắc liên quan đến thuế gắn với nghĩa vụ tài sản. Đây là loại thuế không thể nào bỏ được, vì nghĩa vụ này gắn với từng cá nhân, từng pháp nhân, từng chủ tài sản.
Thế nhưng, vừa qua, để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho dân, có cả loại sổ đỏ được ghi nợ tiền sử dụng đất. Vì ghi nợ nên khi sổ này được đưa ra giao dịch thì phải nộp tiền nợ. Tức là, ngân hàng nhận sổ đỏ này làm tài sản thế chấp, khi bán đi thì ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thuế của chủ sổ đỏ.
Nhưng hiện nay, các ngân hàng thương mại lại không hiểu vấn đề này, nên cứ bảo ngành thuế gây khó khăn.
“Anh em thuế rất oan ức, nên rất cần có luật để điều chỉnh đầy đủ các vấn đề liên quan, trong đó có mấy thứ thuế nêu trên”, ông Phụng giãi bày và nói rõ là với tư cách chuyên gia, ông đề nghị nếu chưa có luật mà kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, thì phải có hướng dẫn thật rõ để mọi vấn đề được minh bạch và cán bộ thuế yên tâm thực hiện công việc của mình.
Ông Nguyễn Huy Lập, thành viên Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thì cho rằng, cần có sự điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng chính sách tại Nghị quyết 42.
“Khi Nghị quyết 42 được ban hành, DATC thực sự rất vui mừng trước quyết tâm rất cao của Nhà nước trong xử lý nợ, nhưng đọc kỹ lại cả Nghị quyết 42 và văn bản hướng dẫn thì chúng tôi lại rất ngạc nhiên khi DATC lại không phải đơn vị chính được thụ hưởng, trong khi đây là doanh nghiệp đầu tiên Chính phủ thành lập ra để xử lý nợ. Chúng tôi không dám đi tìm nguyên nhân vì sao, mà cứ tự hỏi lại là DATC có xứng đáng để được thực hiện Nghị quyết 42 hay không. Sau khi nghiên cứu và xét lại mình thì chúng tôi thấy chúng tôi xứng đáng”, vị này phát biểu.
Sau thông tin như vậy, ông Lập nhấn mạnh: “Nếu xét về mục tiêu thành lập là định chế lớn trong xử lý nợ ngân hàng mà DATC lại không được hưởng cơ chế tại Nghị quyết 42, nên chúng tôi rất là ngạc nhiên”.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đình Việt, Chính phủ đã nhìn nhận nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, song phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 chỉ đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 15/8/2017, hoặc dư nợ trước thời điểm này và chuyển thành nợ xấu trong thời gian áp dụng Nghị quyết.
Ông Việt đặt vấn đề, nếu chỉ kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 có đáp ứng được yêu cầu hay không, còn có nội dung nào có thể điều chỉnh và có tính khả thi hay không là vấn đề cần được cân nhắc thấu đáo.
Ngân hàng Nhà nước kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động; trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.
Trong đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.
Công văn cũng nêu rõ để chuẩn bị việc xây dựng phương án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động đến ngày 31/12/2021.
Thời điểm gần nhất và rà soát tình hình, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, tín dụng ngân hàng quý I/2022 cũng tăng 4,05%, gấp 2,5 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái, riêng tín dụng tháng 3/2022 tăng tới hơn 2%.
Tín dụng quý I/2022 đột ngột tăng mạnh, trong khi một số ngân hàng thông báo “hãm phanh” tín dụng bất động sản. Sacombank ngừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022.
Còn Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/3/2022, yêu cầu các đơn vị dời lịch giải ngân sang ngày 1/4/2022.
Điều đó cho thấy, dòng vốn nóng những tháng đầu năm đang đổ vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, NHNN cho hay, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Con số này tương đương với quy mô khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
NHNN mới đây cũng công bố, tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020. Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống 11,89% năm 2020.