Người Mường Võ Miếu gìn giữ văn hóa truyền thống

Võ Miếu - xã miền núi của huyện Thanh Sơn có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, chiếm tỉ lệ gần 48% dân số, được phân bố ở 20 khu dân cư. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây vẫn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ nghi lễ, phục trang, điệu múa, lời hát, diễn xướng dân gian đến những món ăn dân giã, mộc mạc. Tất cả hòa quyện, tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng có của đồng bào Mường xã Võ Miếu hôm nay.

Các thành viên CLB văn hóa Mường khu Trại tích cực luyện tập và tham gia biểu diễn.

Các thành viên CLB văn hóa Mường khu Trại tích cực luyện tập và tham gia biểu diễn.

Để không bỏ sót buổi biểu diễn nào dù là nhỏ nhất do khu, xã tổ chức, bà Hà Thị Mậu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn hóa Mường khu Trại đôn đốc, nhắc nhở 29 thành viên trong CLB duy trì việc luyện tập, sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Hòa chung không khí náo nức, phấn khởi của buổi ngoại khóa “Gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” do Trường THCS Võ Miếu phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, các thành viên trong CLB văn hóa Mường khu Trại cũng có mặt từ rất sớm để cùng góp vui với các cháu học sinh những điệu múa cồng chiêng, múa chạm ống và lời ca tiếng hát.

Bà Hà Thị Mậu cho biết: “Đến với buổi ngoại khóa không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của thế hệ những người đi trước như chúng tôi đối với thế hệ trẻ hôm nay. Tôi thấy đây là một trong những hoạt động thiết thực giúp các cháu học sinh hiểu thêm về giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Để từ đó, những lời ca tiếng hát, điệu múa truyền thống của địa phương được lưu truyền mãi về sau”.

Lấy cồng chiêng, ống nứa làm đạo cụ, lấy lời ca tiếng hát làm động lực, hơn 10 năm qua, CLB đã truyền dạy cho hàng trăm người ở mọi lứa tuổi những làn điệu hát Ví, hát Rang truyền thống của dân tộc. CLB hiện lưu giữ một bộ công chiêng, đuống, 24 bộ trang phục nam nữ và một số công cụ lao động.

Được đánh giá là địa phương luôn đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường trên địa bàn huyện, thời gian qua, xã Võ Miếu đã nỗ lực thực hiện Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn xã giai đoạn 2021- 2025.

Trong đó, xã tập trung quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Mường một cách bài bản, sâu rộng đến người dân, các CLB văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhằm cải thiện đời sống của nhân dân. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp đi đôi với xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu; đồng thời củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Công tác truyền dạy văn hóa dân tộc và sưu tầm, trưng bày nhạc cụ, công cụ lao động, sản xuất của các dân tộc tại nhà văn hóa khu dân cư và các trường học được triển khai rộng khắp ở tất cả khu dân cư. Cụ thể, xã đã triển khai sâu rộng hoạt động sưu tầm các tài liệu, hiện vật quý hiếm là di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Mường để bảo quản, trưng bày theo đúng quy trình như Đề án hướng dẫn.

Múa đâm đuống - một trong những điệu múa truyền thống của đồng bào Mường ở Võ Miếu.

Múa đâm đuống - một trong những điệu múa truyền thống của đồng bào Mường ở Võ Miếu.

Ông Nguyễn Trung Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Miếu chia sẻ: “Đến nay, xã đã thành lập 15 CLB văn hóa dân tộc Mường, trong đó một CLB cấp xã, một CLB ở Trường THCS Võ Miếu và 13 CLB ở khu dân cư. Các CLB tập trung gìn giữ các điệu hò vè, trang phục, vật dụng sinh hoạt đời thường của người Mường... Trong các ngày lễ, Tết, ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các khu dân cư đều xây dựng tiết mục văn nghệ và trưng bày dụng cụ sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Mường ở nhà văn hóa. Xã hiện lưu giữ 30 hiện vật công cụ lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Mường, một bộ cồng chiêng với 12 chiếc và 12 bộ trang phục nữ dân tộc Mường”.

Việc duy trì hoạt động của các CLB mà trọng tâm là múa, hát Rang, hát Ví, tập diễn xướng cồng chiêng, múa ống. Căn cứ hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Thanh Sơn, hàng năm, xã đều cử các thành viên của CLB tham gia lớp tấp huấn. Các CLB duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng nhằm nâng cao chất lượng về diễn xướng cồng chiêng, múa hát, tiêu biểu như CLB khu Trại, CLB khu Bành.

Việc huy động nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Mường trên địa bàn xã Võ Miếu đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong nhân dân. Những nỗ lực đó đã góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đưa Võ Miếu trở thành xã nông thôn mới.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/nguoi-muong-vo-mieu-gin-giu-van-hoa-truyen-thong/204804.htm