Người Mỹ bắt đầu sống lại năm 2019

Người dân Mỹ bắt đầu trở lại cách sống cũ trước đại dịch, trong khi các thói quen như rửa tay, đeo khẩu trang, hay thể dục tại nhà đang phai nhạt dần.

Đầu năm 2020, nhiều công ty tin rằng đại dịch sẽ thay đổi mọi thứ đối với người tiêu dùng. Điều đó đã thực sự xảy ra, nhưng chỉ trong một thời gian.

Giờ đây, nhiều người Mỹ đang quay trở lại các thói quen trước đại dịch: Tham gia hòa nhạc đông người, tập tạ cùng người lạ tại phòng gym, khẩu trang dần biến mất, và không tích trữ nhiều giấy vệ sinh.

Các hãng hàng không, nhà hàng và nhà trẻ, vốn dựa vào các khoản vay chính phủ để tồn tại trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19, giờ đây khó có thể đáp ứng kịp nhu cầu. Nhiều người chọn đi xem hòa nhạc và xem phim rạp nhiều hơn, thay vì xem Netflix.

Xem xét các số liệu, có thể nhận thấy có sự “đổi ngôi” giữa các ngành dịch vụ trực tuyến hoặc tiện ích tại gia - vốn là những “ngôi sao” phát triển nhanh trong đại dịch - với các ngành dịch vụ trải nghiệm trực tiếp từng điêu đứng hoặc trên bờ vực phá sản trong 2 năm Covid-19 hoành hành mạnh mẽ, theo Wall Street Journal.

Sự trở mình của ngành dịch vụ trực tiếp

Live Nation, công ty sở hữu Ticketmaster, cho biết doanh số bán vé hòa nhạc của họ đã tăng 45% vào tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch nổ ra.

Tính đến tháng 2, công ty đã có kế hoạch cho các buổi hòa nhạc vào năm 2022 nhiều hơn 30% so với năm 2019.

 Một trận đấu khúc côn cầu tại sân vận động T-Mobile Arena ở Las Vegas với đầy khán giả hồi tháng 3. Ảnh: Wall Street Journal.

Một trận đấu khúc côn cầu tại sân vận động T-Mobile Arena ở Las Vegas với đầy khán giả hồi tháng 3. Ảnh: Wall Street Journal.

Số lượng hội viên tại chuỗi phòng tập thể dục Planet Fitness vào tháng 1 đã vượt qua mức trước đại dịch. Trước đó, khoảng 25% phòng gym trên toàn quốc đóng cửa, theo dữ liệu của ngành.

Từ ngày 17 đến ngày 23/4, trung bình mỗi ngày có hơn 2 triệu người đi máy bay, theo Cục An ninh Vận tải Mỹ. Con số đó đạt trung bình khoảng 2,4 triệu vào năm 2019.

Emily Chan (22 tuổi) luôn tránh các cuộc tụ tập của hơn 5 người trong suốt đại dịch, nhưng giờ đã sẵn sàng đặt vé cho một buổi hòa nhạc, và một chuyến bay đến Berlin.

Những người tiêu dùng khác đã trở lại cuộc sống bình thường trong vài tháng hoặc thậm chí một năm trước đây.

Mùa thu năm ngoái, các trận đấu bóng đá ở trường đại học đã đón lượng khán giả lớn. Cuối năm 2021, Ohio, Michigan, Texas, Nam Carolina và Massachusetts đều bỏ yêu cầu đeo khẩu trang khi vào các trường học.

Bộ phim "Người Nhện" mới nhất đã kiếm được hơn 800 triệu USD tại phòng vé nội địa kể từ khi phát hành vào tháng 12, dù các nhà phân tích không kỳ vọng doanh thu bán vé trong năm nói chung sẽ đạt mức trước đại dịch.

Chuỗi trung tâm giải trí gia đình tích hợp nhà hàng pizza Chuck E. Cheese đã nộp đơn xin bảo hộ trước nguy cơ phá sản vào tháng 6/2020.

Công ty từ chối cung cấp số liệu bán hàng, nhưng cho biết họ đã thấy lượng đặt trước tiệc sinh nhật tăng lên và đang trở lại hoạt động bình thường trong thời gian gần đây.

Vào tháng 3, gia đình Lauren Antin (36 tuổi), đến Walt Disney World để cho con vui chơi nhưng không thể mua được vé vào bất kỳ công viên nào ngoài Magic Kingdom. Những công viên khác đã sạch vé.

Theo số liệu của nền tảng quản lý dữ liệu IRI, doanh số bán bia tại các cửa hàng tạp hóa giảm trong khi quán bar và nhà hàng kinh doanh nhiều hơn.

 Người tham quan đông đúc tại một lễ hội gần đây ở Merrick, New York. Ảnh: Wall Street Journal.

Người tham quan đông đúc tại một lễ hội gần đây ở Merrick, New York. Ảnh: Wall Street Journal.

Công ty kinh doanh bách hóa TJX, và công ty Darden Restaurants sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng đều phải đối mặt với khó khăn tài chính trong thời kỳ đại dịch bùng phát, khiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm nghiêm trọng.

Trong báo cáo thu nhập hàng quý gần đây nhất, lợi nhuận của TJX tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó, trong khi doanh thu tăng 27%.

Các “ngôi sao” trong đại dịch hiện gặp khó

Trong khi đó, một số hãng phát triển mạnh trong đại dịch như nền tảng xem trực tuyến Netflix, công ty cung cấp thiết bị tập thể dục Peloton Interactive, hay nhà bán lẻ đồ tạp hóa online Instacart đang chứng kiến những màn thua sau đại dịch.

Netflix, hiện buộc phải cạnh tranh với sự trở lại của các sự kiện trực tiếp, lần đầu ghi nhận sự sụt giảm thành viên trong một thập kỷ. Nền tảng dự kiến mất thêm 2 triệu thuê bao toàn cầu trong giai đoạn hiện tại. Công ty cho biết việc chia sẻ mật khẩu là một phần của vấn đề.

Peloton đang chịu lỗ và chịu gánh nặng từ hàng hóa dư thừa, khiến họ phải giảm giá một số mặt hàng. Công ty đã hạ dự báo doanh thu trong vài quý liên tiếp.

Trong khi đó, định giá của Instacart đã giảm.

Quỹ đầu tư ETF Direxion Work From Home - cho phép nhà đầu tư tiếp cận với những công ty hưởng lợi từ việc chuyển sang làm việc từ xa - đã giảm khoảng 5% trong 8 tuần qua, trong khi Quỹ ETF Global Jets của Mỹ, chuyên kết nối đầu tư đến các hãng hàng không, đã tăng khoảng 20%.

 Người dân mua sắm trực tiếp tại một cửa hàng. Ảnh: Wall Street Journal.

Người dân mua sắm trực tiếp tại một cửa hàng. Ảnh: Wall Street Journal.

Thói quen trong đại dịch dần phai nhạt

Kể từ tháng 1, lượt ghé thăm các chuỗi thể dục và phòng tập như Pure Barre và CorePower Yoga, LLC đã tăng gần gấp đôi.

Huấn luyện viên Gina McKiernan cho biết hầu hết lớp học mà cô dạy ở hạt Nassau, New York đã kín chỗ và học viên không cần phải đeo khẩu trang.

Selin Malkoc, phó giáo sư ngành marketing tại Đại học bang Ohio, cho biết tháng 3 đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong lối sống và cách mua sắm của người Mỹ.

Bà Malkoc tin rằng việc có ít tin tức hơn về Covid-19, cũng như quyết định không bắt buộc đeo khẩu trang tại các trường học, là những yếu tố quan trọng.

Theo một nghiên cứu mà bà Malkoc đang giúp thực hiện, cho đến tháng 1, người dân Mỹ vẫn hưởng ứng việc đeo khẩu trang. Tuy nhiên đến tháng 3, nhiều người tin rằng khẩu trang không còn cần thiết, ngay cả những người luôn sử dụng khẩu trang trong suốt đại dịch.

Những thói quen liên quan đến vệ sinh và an toàn có nhiều khả năng bị phai nhạt, bà nói.

Theo dữ liệu của IRI, doanh số bán nước rửa tay đã giảm hơn 50% so với một năm trước.

Vào tháng 3, chỉ 9% cuộc hẹn với bác sĩ được thực hiện qua Internet, theo Zocdoc. Hồi tháng 5/2020, con số này là gần 30%.

Dẫu người tiêu dùng Mỹ đang trở lại thói quen của họ trước đại dịch, một số thay đổi trong 2 năm qua vẫn có thể duy trì lâu dài.

 Công viên Magic Kingdom tại Walt Disney World vào tháng trước. Ảnh: AP.

Công viên Magic Kingdom tại Walt Disney World vào tháng trước. Ảnh: AP.

Ứng dụng họp trực tuyến vẫn là một ngành tăng trưởng mạnh. Các khóa tập gym online, mua sắm trực tuyến vẫn ở mức cao dù đã giảm so với đỉnh dịch.

Trong năm đầu tiên của đại dịch, người Mỹ đã mua một lượng kỷ lục mặt hàng thiết yếu trong gia đình như khăn giấy, giấy vệ sinh, bột mì và gia vị, và doanh số bán hàng tại Clorox đã tăng hơn 20%. Công ty tăng nhanh sản xuất khăn lau và các loại chất tẩy rửa.

Bà Linda Rendle, Giám đốc điều hành, cho biết “hành vi và thái độ đối với việc dọn dẹp vẫn tăng lên”, dù không còn mạnh mẽ như trong đại dịch.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-bat-dau-song-lai-nam-2019-post1314830.html