Người Mỹ chia rẽ gay gắt vì thuế quan mới của ông Trump
Từ ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, động thái gây tranh cãi dữ dội trên cả trường quốc tế lẫn tại nước Mỹ.
Ông Trump tuyên bố đây là "bước đi cần thiết để bảo vệ nền sản xuất trong nước", nhưng với nhiều người Mỹ, đây lại là một canh bạc cực kỳ rủi ro.
Phe ủng hộ, chủ yếu là các chính trị gia Cộng hòa, ca ngợi đây là "cách duy nhất để bảo vệ người lao động Mỹ". Hạ nghị sĩ Riley Moore (West Virginia) khẳng định việc đánh thuế sẽ "tái thiết ngành sản xuất trong nước, phục hồi tầng lớp trung lưu" và giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc
Một số cử tri bảo thủ ở vùng công nghiệp cũ Midwest cũng tỏ ra hoan nghênh, hy vọng thuế mới sẽ hồi sinh các nhà máy từng bị đóng cửa vì hàng nhập rẻ từ châu Á.
Cử tri ủng hộ ông Trump, đặc biệt là ở các bang như Ohio, Michigan và Pennsylvania, phần lớn đồng tình với thuế quan của Tổng thống. Họ không quan tâm nhiều đến lý thuyết kinh tế mà tập trung vào thực tế: các nhà máy địa phương đã chết vì hàng ngoại rẻ, và giờ là lúc để đảo chiều.

Ảnh minh họa: Nhà Trắng
Mặt khác, nhiều tiếng nói phản đối – thậm chí ngay trong nội bộ Đảng Cộng hòa – lại cho rằng chính sách này có thể là con dao hai lưỡi khiến hàng hóa đắt đỏ hơn, lạm phát tăng, tăng trưởng giảm và nguy cơ Mỹ bị các nước trả đũa.
Thượng nghị sĩ Rand Paul cảnh báo: "Lịch sử cho thấy các cuộc chiến thuế quan luôn kết thúc bằng tổn thất. Đây là cách chắc chắn nhất để làm tổn thương nền kinh tế". Còn Thượng nghị sĩ Ron Johnson cho biết cử tri tại bang Wisconsin của ông "rất lo sợ" về viễn cảnh giá cả tăng vọt.
Các hiệp hội doanh nghiệp cũng lên tiếng. Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo chính sách này có thể làm tăng chi phí cho các công ty nhỏ và vừa - vốn đang chật vật vì lạm phát kéo dài. Tập đoàn sản xuất đồ gia dụng Whirlpool cho biết họ "có thể phải tăng giá bán hoặc cắt giảm nhân sự".
Thị trường tài chính phản ứng gần như ngay lập tức. Trong phiên sáng 5/4, chỉ số Dow Jones giảm gần 4% – mức sụt mạnh nhất kể từ đầu năm 2025. Nhà đầu tư lo ngại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Canada sẽ sớm tung đòn trả đũa, làm dấy lên một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tại các bang phụ thuộc vào xuất khẩu như Texas, Iowa hay California, các thống đốc – dù thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa – đều lo lắng. Nông dân Mỹ có thể trở thành đối tượng bị trả đũa đầu tiên nếu Bắc Kinh hoặc Brussels áp thuế lên đậu nành, thịt bò hay rượu vang từ Mỹ.
California còn tính đến phương án đàm phán song phương riêng với một số nước châu Á để bảo vệ ngành công nghệ và logistics của bang. Trong khi đó, các hãng bán lẻ như Walmart và Target cảnh báo giá hàng tiêu dùng – từ quần áo đến thực phẩm – có thể tăng ngay trong mùa hè.
Về phía Nhà Trắng, cố vấn kinh tế của ông Trump phủ nhận mọi lo ngại. Họ tuyên bố người Mỹ sẽ "chịu đựng được" một chút giá cả tăng lên để đổi lại nền sản xuất độc lập. Nhưng giới chuyên gia phản bác rằng mức tăng không phải "một chút" – mà có thể làm tăng chi phí sống trung bình thêm 2.000 USD mỗi năm cho mỗi hộ gia đình.