Người Mỹ đã chán cuộc sống bỏ phố về quê
Những người rời thành phố New York trong thời gian đại dịch đang có cuộc di cư ngược trở lại sau khi nhận ra họ không hợp với lối sống vùng nông thôn.
Với Andrew Joseph, thử thách bất ngờ nhất của cuộc sống vùng nông thôn được gói gọn trong một từ duy nhất: hải ly, theo New York Times.
Ông từng bị mê hoặc bởi những chú hải ly con bơi ở con suối nằm trong khuôn viên rộng hơn 16.000 m2 của mình ở thị trấn Saugerties (bang New York, Mỹ), nơi ông và người bạn đời Paul Pearson sinh sống kể từ tháng 3/2020.
“Thế nhưng, tôi sớm nhận ra rằng chúng là những sinh vật khủng khiếp chuyên phá phách”, ông Joseph (51 tuổi), người đứng đầu một công ty quan hệ công chúng ở quận Manhattan (thành phố New York) và sở hữu một ngôi nhà nữa tại khu dân cư Harlem, chia sẻ.
Ông đã xin giấy phép loại bỏ những con vật này và chờ người đánh bẫy hải ly tới. Tuy nhiên, sau lần kiểm tra sơ bộ, người này không trở lại nữa.
Một đêm nọ, cặp Joseph và Pearson nghe thấy tiếng nổ súng từ nhà hàng xóm. Từ đó, đám hải ly biến mất.
Sau 2 mùa đông kể từ khi đại dịch bùng phát, những người thành thị New York từng chuyển đến vùng ngoại ô hoặc xa hơn đang xem xét về lối sống “bỏ phố về quê” của mình.
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 11 theo cơ quan tính toán của bang New York, xu hướng di cư từ thành phố New York kể từ đợt phong tỏa tháng 3/2020 đã tự đảo ngược vào tháng 7/2021, sau khi các trường học, văn phòng, dịch vụ nghệ thuật và giải trí mở cửa trở lại.
Nhiều hạn chế
Nhìn chung, phần lớn quyết định chuyển nhà của họ mới chỉ được tìm hiểu qua mạng xã hội.
Ngay cả những người hào hứng nhất về lối sống mới cũng thừa nhận những nhược điểm không lường trước được: sâu bệnh, thiệt hại tài sản, cô lập xã hội, phụ thuộc vào ôtô riêng và khan hiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc trẻ em.
Những người kém hào hứng hơn đã quay trở lại thành phố, hoặc hy vọng có thể làm vậy khi có đủ tiền. Hiện thị trường bất động sản của New York đang tái bùng nổ.
Rebekah Rosler (42 tuổi) sáng lập nhóm Facebook có tên Into the Unknown vào mùa xuân năm 2020 dành cho những người “đã quyết định hoặc đang cân nhắc tham gia cuộc di cư bỏ phố về quê”.
Tới nay, nhóm có 13.500 thành viên, chia làm hai phe. Một phe là người dân New York bị Covid-19 thôi thúc thực hiện giấc mơ rời thành phố và không hề thất vọng về quyết định này. Phe còn lại chuyển đi một cách bốc đồng và giờ đang háo hức trở lại thành phố.
Jasmine Trabelsi (42 tuổi) thuộc phe thứ 2. Vào mùa thu năm 2020, vợ chồng cô, những cư dân ở quận Brooklyn đều làm việc trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đến ngôi nhà 3 phòng ngủ tại thị trấn Woodstock.
Căn nhà trị giá khoảng 600.000 USD, được cặp vợ chồng mua chỉ sau 2 phút. Con gái 8 tuổi của họ nhanh chóng nhập học ở một trường địa phương.
Tuy nhiên, cảm giác hào hứng ấy không kéo dài. “Chúng tôi cũng có vài người bạn ở cùng khu vực, nhưng Covid-19 không phải thời điểm thích hợp để chuyển đến một nơi ít người thân quen”, cô nói.
Trabelsi cho biết nhiều ngôi nhà xung quanh thuộc sở hữu của những người chỉ ghé thăm theo mùa hoặc cư dân địa phương cho thuê. Do đó, khu dân cư không cố định.
Hơn nữa, nhà của cô nằm trên đỉnh núi, khó tiếp cận các doanh nghiệp và dịch vụ. Trabelsi đã gặp khó khăn trong việc tìm bác sĩ điều trị khi bị chấn thương ở lưng.
Giữa tháng 8/2021, vợ chồng cô quyết định trở lại quận Brooklyn. Họ dự định sẽ bán ngôi nhà ở thị trấn Woodstock sau mùa trượt tuyết.
“Qua đây, tôi nhận thấy mình chắc chắn là một người thành thị New York chính hiệu”, cô nói.
Cô đơn
Tara Silberberg (53 tuổi), sinh ra và lớn lên ở New York, cũng chuyển từ quận Brooklyn tới Hudson Valley và bị khuất phục trước cảm giác xa lạ tại nơi sống mới.
“Tôi không chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ trở nên cô đơn như thế nào. Mà tôi lại là người quảng giao”, bà kể.
Cuối cùng, để củng cố mối quan hệ của mình với cộng đồng dân cư mới, bà tham gia một số hoạt động chính trị địa phương, cũng như hội đồng phát triển kế hoạch toàn diện của thị trấn.
Bên cạnh đó, một số người nhận ra sự đông đúc của thành thị, thứ dường như mang tính đe dọa trong thời điểm dịch bệnh, là điều đầu tiên họ nhung nhớ.
Tháng 7/2020, Tisha Brown, một nhà thiết kế trang sức, đã cùng chồng và con trai 6 tuổi chuyển đến ngôi làng Wappingers Falls (bang New York).
Họ chi 2.700 USD/tháng để thuê ngôi nhà trang trại 4 phòng ngủ nằm trên mảnh đất rộng 52.000 m2. Ngôi nhà cũng đi kèm với một bể bơi và sẽ là giấc mơ sống ở nông thôn của hầu hết mọi người.
Nơi ở mới có nhiều không gian cho con trai của Brown chơi xe trượt scooter. Thế nhưng, cậu bé thích chạy nhảy trên vỉa hè hoặc chơi trong sân với những người bạn đồng trang lứa.
Để có thể thực hiện mong muốn này, vợ chồng Brown sẽ phải xếp lịch trước với phụ huynh của bạn bè con trai và lái ôtô đưa con đến điểm hẹn.
Brown rất thông cảm với nỗi buồn của con trai. “Bản thân tôi cũng không thể gặp bạn bè một cách dễ dàng. Mọi thứ đều phải sắp xếp lịch trước”, cô nói.
Nói với New York Times, Brown cho biết cô khá hài lòng với quyết định chuyển chỗ ở của gia đình.
“Thế nhưng, tôi chắc chắn sẽ nhớ cuộc sống ở thành thị”, cô chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-da-chan-cuoc-song-bo-pho-ve-que-post1299117.html